Thứ Ba, 6/06/2023, 19:25
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Du lịch quốc tế ‘kiệt quệ’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch quốc tế ‘kiệt quệ’

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Tháng 5-2020, cả nước chỉ đón 22.700 lượt khách quốc tế, chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Mảng du lịch quốc tế lại tiếp tục đối mặt với chuỗi ngày suy giảm.

Du lịch quốc tế 'kiệt quệ'
Tháng 5-2020, cả nước chỉ đón 22.700 lượt khách quốc tế. Đồ họa: Đào Loan

Dòng tiền vẫn khó chảy

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến cả nước trong tháng 5 này chỉ 22.700 lượt người, giảm 98,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tính chung năm tháng đầu năm nay, vì Covid-19, lượng khách quốc tế của cả nước đã giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 3,7 triệu lượt.

Giới kinh doanh du lịch không quá bất ngờ với thông tin này vì đã dự báo là có thể mảng du lịch quốc tế sẽ "trắng khách" đến hết quí 2-2020 nhưng lối ra thì chưa có. Hiện tại, dù thị trường nội địa đã có một số chuyển biến lạc quan sau thời gian đình trệ, người dân đã đi lại trở lại sau giãn cách nhưng vẫn chưa đủ để khơi thông thị trường.

Trao đổi với TBKTSG Online vào cuối tuần qua, chủ tịch một tổng công ty lớn về du lịch, thương mại… tại TPHCM, cho biết sau khi hết thời gian giãn cách, tổng công ty đã dần mở lại một số cửa hàng gần chợ Bến Thành, khởi động lại dịch vụ lữ hành cho khách nội địa, cho khách sạn hoạt động trở lại nhưng kết quả thu được chưa khả quan.

Nguồn thu từ du khách quốc tế chiếm phần lớn trong tổng thu từ khách du lịch nhưng nay nguồn khách gần như đứt khiến ngành du lịch khó tìm nguồn thay thế. Chỉ cần vào chợ Bến Thành, nơi tập trung các quầy hàng dành cho lượng khách này là có thể thấy thị trường đang khó đến đâu. Hiện rất nhiều sạp hàng vẫn đóng im ỉm.

"Khách sạn không thể đóng cửa mãi nên phải mở nhưng mở ra thì không có khách. Trong giai đoạn này, chúng tôi không đặt mục tiêu về lợi nhuận, chỉ cần dòng tiền chảy để có thể vận hành nhưng mọi việc rất khó khăn", ông nói và cho biết đến hết tháng 6 tới mà tình hình vẫn như hiện tại thì doanh nghiệp thực sự "lâm nguy".

Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cũng cho thấy thị trường vẫn ảm đạm. Với mảng lữ hành, dù đã phát sinh doanh thu thay vì không có như tháng trước nhưng cả tháng 5-2020, cả thành phố chỉ thu được 55 tỉ đồng từ dịch vụ lữ hành.

Mảng lưu trú và ăn uống cũng không mấy khả quan, trong tháng chỉ có 3.323 tỉ đồng, giảm 63,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hy vọng về lợi thế dẫn đầu?

Gần đây, nhiều cơ quan thông tin và các trang web du lịch nước ngoài có những bài viết đánh giá tích cực về khả năng phục hồi mảng du lịch quốc tế của Việt Nam, cho rằng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế và đang dẫn đầu trong cuộc đua hồi phục du lịch sau đại dịch.

Trang web chuyên về du lịch skift.com, cho rằng sau Covid-19, so với Thái Lan, Việt Nam đứng ở vị trí thuận lợi hơn trong việc thu hút du khách từ hai thị trường lớn ở khu vực châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc. Du khách sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đến Việt Nam vì đất nước đã xử lý rất tốt các tình huống trong dịch Covid-19.

Hãng thông tấn Reuters cũng nhận định tích cực về chiến dịch quảng bá "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm giới thiệu các dịch vụ có giá tốt, chất lượng hợp lý của ngành du lịch.

Theo đó, với động thái này, Việt Nam đã vượt lên các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, nơi các hạn chế du lịch mới chỉ bắt đầu được tháo dỡ.

Vì đã khống chế dịch tốt nên điểm đến có thể hồi phục thị trường quốc tế sớm hơn và một trong những hình thức được gợi ý là tham gia du lịch biệt lập với các nước đã khống chế dịch thành công.

Gợi ý này tương tự như ý kiến của nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất trong những ngày gần đây là, nên xem xét mở cửa thị trường trở lại với những nước đã khống chế được dịch. Trong đó, có thể tính toán đến cả những tỉnh an toàn ở Trung Quốc, một thị trường lớn của du lịch Việt Nam.

Hiện tại, tuy Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) chưa đồng ý mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không đã chuẩn bị để có thể tiếp cận thị trường ngay khi được phép.

"Với ngành hàng không, việc phục hồi du lịch quốc tế có thể tiến hành ngay lập tức khi chính phủ cho phép vì mọi thứ đều đã sẵn sàng", ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không VietJet nói trong hội thảo về phục hồi du lịch nội địa và chuẩn bị cho thị trường quốc tế.

Theo đó, VietJet Air đã mở bán vé cho mở đường bay đi Đài Loan vào tháng 7 tới nhưng chỉ chở đi hành khách đi, không chở về.

Tuy chưa nhiều nhưng một số công ty lữ hành đã nhận được đặt chỗ của khách nước ngoài cho mùa du lịch vào cuối năm nay. Một doanh nghiệp chuyên về thị trường Nga cho biết sẽ nối lại các chuyến bay thuê bao đưa khách Nga đến Việt Nam ngay khi chính phủ hai bên cho phép mở cửa.

Mời đọc thêm:

Chưa mở cửa đón du khách quốc tế

'Mừng hụt' vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Cơ hội cho du lịch Việt Nam 'tái xuất' trên thị trường quốc tế?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới