Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch toàn cầu đối mặt với con đường phục hồi đầy chông gai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch toàn cầu đối mặt với con đường phục hồi đầy chông gai

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Một số nước trên thế giới đã hoặc chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa để giúp nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là ngành du lịch. Song hoạt động du lịch toàn cầu được dự báo sẽ còn “ngủ đông” trong những tháng còn lại của năm nay khi mối đe dọa dịch Covid-19 vẫn chưa thể loại bỏ.

Du lịch toàn cầu đối mặt với con đường phục hồi đầy chông gai
Các bức tượng mang khẩu trang ở Quảng trường Trocadero tại Paris (Pháp). Ngành du lịch Pháp đang tê liệt vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Du lịch toàn cầu điêu đứng

Nằm gần trung tâm thương mại của Athens, thủ đô Hy Lạp, khách sạn Pi Athens của ông Socrates Gavriel thường đón dòng khách nườm nượp từ Mỹ và Úc vào thời điểm này của những năm trước. Nhưng mùa hè này, Gavriel lo lượng khách đến khách sạn của ông sẽ suy giảm mạnh.

Gavriel nói: “Tôi lo ngại mùa hè này, nếu khách đến Hy Lạp, họ sẽ né các thành phố lớn và đến thẳng những nơi nghỉ ngơi tại bãi biển. Tôi đang thuê khách sạn này để kinh doanh và có rất nhiều hóa đơn phải thanh toán. Tôi đã đầu tư vào nó rất nhiều. Chúng tôi hy vọng sẽ có một số doanh thu trong mùa hè nhưng chúng không chắc lắm”.

Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ tái mở cửa biên giới để đón du khách quốc tế vào ngày 1-7 sau khi tuyên bố kiểm soát dịch Covid-19 thành công.

Câu chuyện của Gavriel phản ánh tình trạng chung trên toàn cầu khi các lệnh phong tỏa của các chính phủ nhằm kiểm soát Covid-19 đã giữ chân hàng tỉ người ở nhà, khiến việc đi lại bằng đường hàng không quốc tế và du lịch tê liệt.

Lệnh phong tỏa đang tác động đến mọi doanh nghiệp du lịch từ cơ cở lưu trú nhỏ như khách sạn của Gavriel cho đến những công ty khổng lồ như chuỗi khách sạn Marriott International và hãng du thuyền Carnival Corporation.

Hôm 13-5, TUI, hãng dịch vụ lữ hành lớn nhất thế giới ở Đức, cho biết có thể phải sa thải 8.000 nhân sự. Ngay cả những hãng hàng không lớn nhất toàn cầu như Lufthansa của Đức cũng đang tìm kiếm các khoản giải cứu của chính phủ nước này để duy trì hoạt động.

Hội đồng Lữ hành và du lịch Thế giới (WTTC) cho biết lữ hành và du lịch đóng góp khoảng 10% GDP toàn cầu và 10% số việc làm trên thế giới. Hồi tháng trước, TWTC  cảnh báo khoảng 1/3 số việc làm ngành du lịch, tức khoảng 100 triệu việc làm, có thể bị đe dọ do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Bức tranh ngành du lịch đang rất ảm đạm ở châu Âu, nơi đón nhận 50% tổng lượt khách quốc tế của thế giới mỗi năm. Nghị viện châu Âu ước tính ngành du lịch của Liên minh châu Âu (EU) có thể mất mát 1 tỉ euro mỗi tháng. Châu Âu đang dần tái mở cửa nhưng rất khó để quay trở lại bình thường như trước đây.

Các hãng hàng không đang giảm bớt các chuyến bay, sa thải hàng ngàn nhân viên vì dự báo nhu cầu đi lại hàng không sẽ giảm trong những tháng tới.

Tuần trước, Tập đoàn IAG, công ty mẹ của hãng hàng không British Airways (Anh), dự báo phải đến năm 2023, nhu cầu hành khách mới phục hồi về mức của năm 2019. Princess Cruises, đơn vị thành viên của hãng du thuyền Carnival Corporation, đã hủy gần như toàn cầu các hành trình trong mùa hè này.

An toàn sức khỏe cho du khách là vấn đề then chốt

Trong lúc các ông chủ khách sạn như Gavriel mong mỏi du khách quốc tế trở lại, việc tái mở cửa biên giới, dù giúp cứu vớt nền kinh tế, có nguy cơ dẫn đến một đợt gia tăng các ca lây nhiễm mới.

Hy Lạp hy vọng có thể chào đón du khách quốc tế vào ngày 1-7 nhưng Thủ tướng nước này, Kyriakos Mitsotakis, thừa nhận đó sẽ là một sự cân bằng khó khăn.

Khởi động lại ngành du lịch có thể là một tiến trình phức tạp. Bình thường hóa việc đi lại đòi hỏi nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, hợp tác quốc tế và quan trọng nhất là sự an tâm của du khách.

Hôm 13-5, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã công bố kế hoạch hành động để tái mở cửa các biên giới giữa các nước EU, nâng cao các biện pháp an toàn ở ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và khôi phục các kết nối đường bộ, đường biển và đường sắt.

Kế hoạch này nhằm khuyến khích người dân EU đi du lịch ở nội khối, trong khi đó, du khách bên ngoài EU có thể chờ đợi thêm trước khi được phép đến khu vực này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay đến ngày 15-6, các biện pháp kiểm soát biên giới giữa nhiều nước EU sẽ được dỡ bỏ. Hiện tại, EU đang cân nhắc mở “các hành lang xanh”, cho phép một số nước EU nhất định có số ca nhiễm Covid-19 thấp hoặc đang giảm nhanh mở lại một số điểm đến chọn lọc cho đến khi các biên giới được tái mở cửa hoàn toàn.

Ý, nơi có số ca nhiễm và ca tử vong cao, sẽ không có cơ hội nằm trong “hành lang xanh”. Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, chỉ trích đề xuất này và dọa sẽ đưa Ý rời EU vì cho rằng EU là một thị trường chung, không nên dành đặc quyền cho một số nước thành viên nào cả.

Các sân bay và khách sạn đang nỗ lực thu hút du khách trở lại bằng cách siết chặt các biện pháp kiểm tra sức khỏe và nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh để tạo sự an tâm cho họ. Tất cả động thái này sẽ làm gia tăng thêm chi phí hoạt động giữa lúc tình hình tài chính của họ đang nguy ngập vì cú sụp đổ của ngành du lịch.

Nhưng Giám đốc điều hành WTTC, Gloria Guevara, cho rằng đó là điều cần thiết để khôi phục niềm tin trước khi vắc-xin phòng ngừa Covid-19 được sử dụng rộng rãi.

Ông nói: “Vấn đề quan trọng nhất là nâng cao an toàn ở các sân bay”. WTTC đang làm việc với các chính phủ và các tổ chức lữ hành để thống nhất về các tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe và vệ sinh ở các sân bay, khách sạn, nhà hàng.

Hôm 12-5, hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) cho biết sẽ triển khai các biện pháp kiểm tra sức khỏe mới trên máy bay như là một phần của kế hoạch khôi phục 40% số chuyến bay của hãng này bắt đầu từ ngày 1-7.

“Chỉ có thể khởi động hiệu quả và nhanh chóng của các hoạt động du lịch nếu các chính phủ trên khắp thế giới nhất trí một bộ tiêu chuẩn chung về kiểm tra sức khỏe được xây dựng bởi khu vực tư nhân”, Guevara nói.

Tia hy vọng từ du lịch nội địa

Khách du lịch mang khẩu trang và giữ khoảng cách khi xếp hàng để vào thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động du lịch nội địa ở một số nước đang dần nhích lên nhưng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng sự khôi phục đầy đủ.

Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa hồi tháng 3 sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Theo công ty phân tích hàng không Cirium, kể từ ngày 1-3, hơn 30% công suất hàng không nội địa ở Trung Quốc đã được phục hồi.

“Sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa Trung Quốc là dấu hiệu tích cực cho triển vọng du lịch chặng ngắn. Rõ ràng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, thị trường du lịch nội địa sẽ khôi phục trước tiên”, Cirium nhận định trong một báo cáo nghiên cứu.

Nhưng Cirium cũng lưu ý số chuyến bay ở Trung Quốc bị hủy vẫn đang ở mức cao và tốc độ phục hồi đi lại hàng không vẫn chậm, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng chưa hoàn toàn được khôi phục.

Chuỗi khách sạn Marriott International cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn của chuỗi này ở khu vực Trung Quốc mở rộng (Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao, Đài Loan) đã tăng lên mức 25% trong tháng 4 so với mức chưa đến 10% hồi giữa tháng 3.

Meituan Dianping, ứng dụng đặt đồ ăn, mua sắm và đặt tour du lịch của Trung Quốc, ghi nhận mức chi tiêu gia tăng kỷ lục ở các điểm du lịch trong nước cũng như sự cải thiện về đơn đặt phòng khách sạn hồi tháng trước.

Tuy nhiên, một số điểm du lịch ở Trung Quốc bị yêu cầu đóng cửa ngay sau khi tái mở cửa vì lượng du khách quá đông. Giờ đây, Trung Quốc đang tái áp đặt các lệnh phong tỏa ở một số khu vực sau khi các ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại ở hai thành phố bao gồm Vũ Hán.

Khi xu hướng du lịch tại chỗ được dự báo sẽ dẫn dắt sự phục hồi của ngành du lịch, những nước có lượng du khách trong nước dồi dào sẽ phục hồi sớm hơn.

Nằm đầu trong danh sách này là Mỹ, Mexico, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Đức và Anh, nơi du lịch nội địa đóng góp hơn 80% tổng chi du lịch và lữ hành, theo WTTC.

Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc dự báo lượt khách quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm đến 80% so với năm 2019, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,4% trong thời kỳ dịch SARS vào năm 2003 và mức giảm 4% vào năm 2009 sau cuộc hoảng tài chính toàn cầu.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới