Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao

Khách quốc tế dạo phố ở đường Đồng Khởi, bên ngoài khách sạn năm sao Sheraton của TPHCM. Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Du lịch Việt Nam sẽ giữ mức tăng trưởng nhanh so với các nước trong khu vực trong vòng hai năm tới với số lượng khách quốc tế tăng trưởng hàng năm đạt mức hai con số. Tuy nhiên, mảng khách sạn sẽ vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng trưởng của lượng khách đến.

Nhận định trên được đưa ra trong bản báo cáo tổng quan về du lịch châu Á 2008 của Công ty dịch vụ đầu tư khách sạn Jones Lang LaSalle Hotels. Công ty này thành lập năm 1999, là liên doanh giữa Jones Lang Wootton và LaSalle Partners, hoạt động ở châu Á, châu Âu và Châu Mỹ. Công ty Jones Lang LaSalle có trên 125 văn phòng trên khắp thế giới.

Lượng khách quốc tế tăng ổn định

Báo cáo trên dự đoán lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 17,4% trong năm nay và tăng 11,6% trong năm 2009. Tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong hai năm tới cao hơn một số nước trong khu vực. Chẳng hạn, Thái Lan sẽ tăng 4,6% trong năm nay và 5,3% vào năm 2009, Singapore sẽ tăng 5,7% trong năm 2008 và tăng 5,8% vào năm tới.

Dự báo này gần giống với dự đoán tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế do Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra là từ 16,7% đến 19% trong năm nay, với khoảng 4,8 đến 5 triệu lượt khách.

Theo Jones Lang LaSalle Hotels, khách du lịch thuần túy là lượng khách chủ yếu của du lịch Việt Nam, chiếm khoảng hơn hai phần ba tổng lượng khách đến. Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao của khu vực châu Á.

Trong báo cáo tổng quan này, Jones Lang LaSalle Hotels cũng đưa ra những đánh giá về phát triển du lịch của 22 thị trường tại châu Á cũng như dự báo về một số xu hướng du lịch sẽ phát triển trong thời gian tới. Theo đó, du lịch nội vùng sẽ là động lực của du lịch châu Á, chiếm khoảng 86% tổng lượng khách đến trong vòng 3 năm tới.

Hồi đầu tháng 7 này, ông John Koldowski, giám đốc chiến lược của Hiệp hội du lịch châu Á cũng có nhận định tương tự, cho rằng hai phần ba số khách quốc tế của khu vực châu Á đến từ các nước cùng trong khối.

Những nước thu hút số lượng lớn khách nội vùng sẽ gồm Malaysia, Macau, Hồng Kông. Việt Nam được xem là một gương mặt mới trong tốp này.

Khách sạn không theo kịp nhu cầu

Sự phát triển của công nghiệp du lịch Việt Nam có thể bị bị ghìm lại do thiếu cơ sở lưu trú, đặc biệt là lượng phòng có chất lượng cao. Nguồn cung trong mảng khách sạn cao cấp vẫn căng thẳng trong năm nay và sẽ dần nhẹ hơn một chút vào năm tới.

Theo Công ty dịch vụ khách sạn Jones Lang LaSalle Hotels, mặc dù mảng khách sạn phát triển thấp hơn tốc độ tăng trưởng du lịch nhưng Việt Nam vẫn giữ vị trí là một điểm nóng của đầu tư khách sạn.

“Đầu tư khách sạn sẽ lên đến đỉnh điểm năm nay và những năm tiếp. Khoảng ba năm tới, lượng phòng của châu Á sẽ tăng khoảng 25,8%. Điểm nóng đầu tư bao gồm Việt Nam, Macau, Hồng Kông, Đài Bắc và Singapore”, theo báo cáo.

Thị trường khách sạn năm sao tại Hà Nội và TPHCM được xếp vào hàng tốp trong những thị trường đạt doanh thu cao trong năm 2007 ở châu Á. Vào năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của doanh thu phòng tại TPHCM đạt 42,2%, chỉ đứng sau Bali của Indonesia với 51,3%; tỷ lệ tăng ở Hà Nội là 24,4%.

Theo báo cáo này, công suất phòng của các khách sạn cao cấp tại TPHCM đạt 74,8% trong năm ngoái, tăng 5,8 điểm phần trăm so với năm 2006. Khách sạn cùng loại ở Hà Nội đạt công suất 77,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2006. Bình quân giá phòng hàng ngày của những khách sạn này tại TPHCM là 146 đô la Mỹ, tăng 31,3% và 124 đô la tại Hà Nội, tăng 26,1%. Dự báo trong năm nay, tình hình tại hai thành phố này vẫn tương tự năm trước.

Báo cáo dự đoán rằng, trong thời điểm tới, khách du lịch vẫn chưa thể an tâm là có thể tìm được phòng khách sạn ở mức giá hợp lý, có thể chấp nhận được bởi vì lượng khách đến tăng mà lượng phòng thì chưa thể đáp ứng ngay.

Đà Nẵng và Hà Nội là hai thành phố được xem là điểm nóng ở trong việc xây dựng những khách sạn mới. Trong khi đó, TPHCM xếp ở vị trí thấp hơn vì chỉ có vài khách sạn sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Vì thế, Jones Lang LaSalle Hotels dự báo, giá phòng tại thành phố này sẽ tiếp tục tăng.

Dự báo cũng tương tự như những gì đang diễn ra trong mảng khách sạn cao cấp của TPHCM. Trong buổi giao lưu với độc giả của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào tuần trước, đại diện của một khách sạn cao cấp tại TPHCM, cũng cho rằng thiếu phòng là nguyên nhân của việc giá phòng khách sạn cao cấp tại thành phố tăng cao trong hai năm vừa qua. Những khách sạn này sẽ không giảm giá trong thời gian tới.

ĐÀO LOAN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới