Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Việt quý đầu năm vừa mừng vừa lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch Việt quý đầu năm vừa mừng vừa lo

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2105. Đây là tín hiệu khả quan với ngành du lịch sau 13 tháng trầm lắng. Thế nhưng, nhìn lại ba tháng đầu năm, bên cạnh con số tăng trưởng kia, bức tranh du lịch Việt Nam cũng không thiếu những gam màu tối.

Du lịch Việt quý đầu năm vừa mừng vừa lo
Du khách nước ngoài ở Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Vũ

 

Cuối tháng hai vừa rồi, hai vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại khu du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng khiến bốn du khách nước ngoài tử vong. Sự việc xảy ra cho thấy công tác quản lý điểm tham quan, đặc biệt là đối với các loại hình du lịch mạo hiểm, còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo. Ngay sau sự cố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đến khi sự việc xảy ra, Bộ VHTT&DL mới “tuýt còi” chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.

Một mảng tối khác của du lịch Việt là nạn chặt chém du khách vẫn còn tái diễn ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Một bát phở gà có giá 300.000 đồng ngay giữa thủ đô, đĩa cơm chiên lèo tèo vài miếng mực giá 150.000 đồng ở Nha Trang hay hóa đơn gần chục triệu đồng chỉ với vài món hải sản ở Hạ Long làm mạng xã hội dậy sóng gần đây là những chuyện dường như chưa bao giờ lỗi thời của du lịch Việt. Điều đáng nói, những vụ "chặt chém" kể trên, chính quyền địa phương chỉ biết được khi nạn nhân đăng tải trên facebook, báo chí đưa tin.

Và tất nhiên, trong phần tranh tối của du lịch Việt ba tháng đầu năm, không thể bỏ qua vấn nạn cướp giật ở TPHCM. Nữ du khách Ai Cập khóc nức nở khi bị giật túi xách ở phường Phạm Ngũ Lão vào tháng 3 vừa rồi. Hay cuối tuần qua, Gerard Butler, một ngôi sao điện ảnh Hollywood, đã chia sẻ  trên mạng xã hội rằng anh bị “cuỗm” mất ví khi vừa đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất không lâu.

Câu chuyện chiếc ví “không cánh mà bay” của Gerard Butler khiến cư dân mạng trong và ngoài nước không khỏi buồn cười vì trước đó, anh đã đóng nhiều vai hành động như: Bá tước Dracula trong “Dracula 2000”, Leonidas – vị vua dũng mãnh xứ Sparta lãnh đạo 300 chiến binh chặn đứng hàng vạn quân Ba Tư trong siêu phẩm “300”, hay mật vụ trung thành, chuyên gia chống khủng bố từng cứu mạng Tổng thống Mỹ trong hai bộ phim “Nhà Trắng thất thủ” và “London thất thủ”.

Nhưng đằng sau tiếng cười, đằng sau những bức tranh biếm họa bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt về chuyện Gerard Butler bị móc ví ở TPHCM là hình ảnh du lịch Việt Nam như một điểm đến thiếu an toàn trong mắt du khách quốc tế.

Đây chỉ là hai trong vô số những trường hợp du khách nước ngoài bị móc túi ở TPHCM.

Tại hội nghị về phòng chống tội phạm trên địa bàn thành phố diễn ra hôm 1-3, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TP HCM nói rằng, điều họ lo sợ nhất là tình trạng cướp giật và an toàn giao thông.

Trong năm 2015, Sở Du lịch thành phố nhận được công hàm từ đại diện các nước Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM, phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản …. Trong số này, Nhật Bản có 83 trường hợp, Úc 73 trường hợp, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM phản ánh 80 trường hợp và Hàn Quốc có 10 trường hợp.

“Bằng văn bản, họ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng công dân nước ngoài bị xâm hại an ninh, cướp giật tài sản trong các quận, huyện ở thành phố và sự thiếu hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ của lực lượng chức năng khi du khách phản ánh thông tin”, ông Khánh nêu thực trạng.

Chưa kể, theo lời của nữ du khách Ai Cập, nạn nhân của vụ giật túi, khi đến công an phường (một phường có đông du khách nước ngoài) để trình báo thì gặp nhiều trở ngại do nhân viên ở đồn không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Trong họp báo về tình hình hoạt động du lịch quý 1 năm 2016 diễn ra ngày 12-4, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định “Du lịch Việt Nam cần lấy lại những gì đã mất”.

Tất nhiên, những con số tăng trưởng trên khiến ta có quyền hy vọng, lạc quan về ngành du lịch Việt trong năm nay cũng như tương lai xa. Nhưng để duy trì được tốc độ phát triển và giành lại được vị thế tương xứng với tiềm năng vốn có, đó không chỉ là mở rộng số nước được miễn thị thực đến Việt Nam hay đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở thêm nhiều chuyến bay thẳng đến nhiều nước, xây nhiều resort đẳng cấp quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia… mà cần còn phải giải quyết những vấn nạn “muôn năm cũ” nói trên.

 

Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.459.150 lượt, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015; lượng khách du lịch nội địa đạt 18,7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 109.137 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2015.

Lượng khách đến từ khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng cao nhất (Trung Quốc tăng 66%, Hàn Quốc tăng 30%, Hồng Kông tăng 160%, Đài Loan tăng 15%, Nhật tăng 12%). Các thị trường trọng điểm từ Châu Âu đến Việt Nam có mức chi tiêu cao đều tăng cao, đặc biệt là 5 quốc gia châu Âu mới được miễn thị thực (bao gồm: Ý tăng 28%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh tăng 23%, Đức tăng 19% và Pháp tăng 11%).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới