Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch vũ trụ vào cuộc đua quyết liệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch vũ trụ vào cuộc đua quyết liệt

Song Thanh

(KTSG) – Tỉ phú người Anh Richard Branson đã thách thức kế hoạch trở thành vị khách du lịch đầu tiên bay vào không gian của đối thủ người Mỹ Jeff Bezos khi tuyên bố sẽ khởi hành sớm hơn nhà sáng lập Amazon đến 9 ngày. Đây là diễn biến mới nhất của cuộc chạy đua quyết liệt giữa các tỉ phú trong một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng: du lịch vũ trụ.

Du lịch vũ trụ vào cuộc đua quyết liệt
Bên trong tàu vũ trụ của Blue Origin.Ảnh: AFP

Cuộc chạy đua vào không gian của các tỉ phú

Hãng tin AFP hôm 2-7 dẫn thông báo của Công ty Virgin Galactic cho hay nhà sáng lập Richard Branson sẽ có mặt trên tàu SpaceShipTwo Unity, với thời gian khởi hành dự kiến sớm nhất là ngày 11-7 nếu điều kiện thời tiết và kỹ thuật cho phép.

Ông Branson cho biết: “Sau hơn 16 năm nghiên cứu, cùng những triển khai về kỹ thuật và thử nghiệm, Virgin Galactic đang đứng ở vị trí tiên phong của ngành vũ trụ thương mại mới. Ngành này vốn được thiết lập để giúp nhân loại bước vào không gian và thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp”.

Hồi đầu tháng 6, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cho biết ông và em trai Mark Bezos, cùng một nữ phi công 82 tuổi sẽ có mặt trên chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên có người lái trên tàu New Shepard của hãng Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ do ông sáng lập năm 2000.

Tiềm năng khổng lồ của du lịch vũ trụ

Cuộc đua nhằm trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch vũ trụ giữa hai tỉ phú và các công ty do họ thành lập đang phần nào cho thấy mức độ cạnh tranh quyết liệt của ngành công nghiệp đầy hứa hẹn này.

Trước đó, các công ty hàng không vũ trụ đã từng cung cấp dịch vụ tư nhân trong nhiều năm, nhưng cho đến nay, mới chỉ có bảy người từng bay lên vũ trụ với tư cách là khách du lịch. Hầu hết các sứ mệnh không gian vẫn chỉ dành riêng cho mục đích khoa học và phát triển.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn công nghiệp không gian và vệ tinh Northern Sky Research (NSR), thị trường du lịch vũ trụ dự kiến sẽ tạo ra doanh thu gần 8 tỉ đô la trong giai đoạn từ 2020-2030.

Thị trường du lịch vũ trụ hiện được chia thành 3 nhóm chuyến bay chính: quỹ đạo, dưới quỹ đạo và parabol. Các chuyến bay quỹ đạo sẽ đạt tốc độ đủ lớn để tàu vũ trụ duy trì trên quỹ đạo quanh trái đất, trong khi các chuyến bay dưới quỹ đạo, sẽ có tốc độ chậm hơn, giúp tàu vũ trụ bay ra ngoài không gian, nhưng không đủ để đi vào quỹ đạo.

Dễ tiếp cận hơn cả là các chuyến bay parabol trên các máy bay phản lực thương mại đã được cải tạo để thực hiện những thao tác đặc biệt, cho phép hành khách tạm thời rơi vào trạng thái rơi tự do. Điều này sẽ giúp tái tạo cảm giác không trọng lực trong không gian vũ trụ, dù hành khách chưa hề bay vào không gian.

Hơn 100 chuyến bay parabol đã được thực hiện trong năm 2019, với mức giá vé cho mỗi chuyến bay là khoảng 5.000 đô la/người. Đây là loại chuyến bay dễ tiếp cận nhất cả về mặt giá cả lẫn công nghệ, tuy nhiên, chúng không giúp khách hàng thực sự bay vào không gian.

Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các trải nghiệm ở mức độ cao hơn giờ đang nằm trong tầm tay của nhiều khách hàng. Các chuyến bay quỹ đạo và dưới quỹ đạo, với yêu cầu công nghệ cao hơn và chi phí đắt đỏ hơn, được dự báo sẽ chiếm khoảng 98% thị trường du lịch vũ trụ vào năm 2030. Theo NSR, số lượng khách đặt giữ chỗ trước đối với các nhóm chuyến bay này đang cho thấy nhu cầu thị trường là rất tốt, trong khi phân khúc chuyến bay parabol lại tăng trưởng khá chậm chạp.

Jeff Bezos và Branson. Ảnh: AFP

Những nỗ lực của các tên tuổi lớn

Blue Origin của Jeff Bezos, Virgin Galactic của Branson và SpaceX của Elon Musk hiện đang được coi là những cái tên đi đầu trong số 20 đối thủ chính tham gia vào cuộc chạy đua du lịch vũ trụ.

Virgin Galactic do tỉ phú Branson sáng lập và đã phóng tàu vào không gian 3 lần kể từ năm 2018. Trong khi đó, công ty Blue Origin của tỉ phú Bezos thành lập vào năm 2000 và cho đến nay đã thử nghiệm hơn một chục chuyến bay không chở người tại khu thử nghiệm ở ngoại ô bang Texas, Mỹ.

Theo SCMP, tàu vũ trụ của Virgin Galactic và Blue Origin có thiết kế rất khác nhau, dù hành khách cuối cùng cũng sẽ ít nhiều có được những trải nghiệm giống nhau: một vài phút không trọng lượng.

Tàu vũ trụ của Virgin Galactic hoạt động giống như một máy bay chở hàng đạt đến độ cao nhất định và phóng ra một tàu vũ trụ nhỏ hơn, VSS Unity. Con tàu này sẽ khai hỏa động cơ và di chuyển đến không gian quỹ đạo, sau đó bay trở lại Trái đất.

Trong khi đó, Blue Origin lại sử dụng loại tàu vũ trụ giống như tên lửa, có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Sau khi được phóng đi và đạt đến độ cao phù hợp, tàu sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy và lên độ cao hơn 100 ki lô mét trong 4 phút. Đó là thời gian những người trên tàu trải nghiệm cảm giác không trọng lượng và có thể quan sát độ cong của trái đất trước khi bắt đầu hành trình quay trở lại.

Virgin Galactic hiện đang hướng tới mục tiêu cung cấp các chuyến bay thương mại dưới quỹ đạo. Công ty hiện đã có một danh sách dài khách hàng chờ đợi được lên tàu. Tổng chi phí cho mỗi chuyến bay hiện vẫn chưa được xác định, nhưng để giữ chỗ trước, khách hàng sẽ phải chấp nhận đặt cọc 250.000 đô la. Các chuyến bay thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2022. Virgin Galactic hiện đã lên kế hoạch thực hiện 1.200 chuyến bay mỗi năm, trong đó, mỗi chuyến bay mang theo 6 hành khách.

Tương tự, sau khi tỉ phú Bezos hoàn thành chuyến đi của mình, Blue Origin cũng có kế hoạch cung cấp các chuyến bay thương mại dưới quỹ đạo với tàu vũ trụ New Shepard. Hiện vẫn chưa rõ mức giá cụ thể, tuy nhiên, một cuộc đấu giá cho vị trí trên chuyến bay kéo dài 11 phút của tỉ phú Bezos đã được bán trong tháng 6-2021 và thu về 28 triệu đô la.

Ở chiều ngược lại, một tên tuổi lớn khác là SpaceX lại tập trung vào việc thử nghiệm và phát triển hơn là tiếp thị các dịch vụ du lịch vũ trụ của mình. Tàu vũ trụ Crew Dragon có thể đạt tới quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Mặc dù các chuyến đi như vậy tốn kém hơn nhiều, điều này cho thấy SpaceX sẽ có thể mang đến những trải nghiệm cao cấp nhất cho khách hàng vào thời điểm hiện tại.

Dự kiến trước thời điểm cuối năm 2021, công ty sẽ khởi động Inspiration4 – kế hoạch đưa phi hành đoàn dân dụng đầu tiên vào quỹ đạo Trái đất. Đây là sứ mệnh mang mục đích từ thiện do doanh nhân công nghệ Jared Isaacman chỉ huy. Isaacman cho biết mục tiêu của ông là thông qua dự án này để gây quỹ từ thiện trị giá 200 triệu đô la cho Bệnh viện St. Jude.

Theo SpaceX, sẽ có ba người đi cùng Isaacman trên phi thuyền Crew Dragon. Ít nhất ba dự án tư nhân khác của SpaceX cũng đã được lên kế hoạch thực hiện trong vài năm tới.

Công ty môi giới Axiom Space cũng đang hợp tác với SpaceX, đảm nhiệm việc quản lý hậu cần cho sứ mệnh hoàn toàn tư nhân đầu tiên lên trạm vũ trụ ISS, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1-2022. Một phi hành gia kỳ cựu sẽ đi cùng ba khách du lịch trong sứ mệnh kéo dài mười ngày, bao gồm tám ngày ở trạm vũ trụ. Axiom có ​​kế hoạch thực hiện một vài chuyến bay như vậy mỗi năm, cùng với kế hoạch tham vọng hơn là xây dựng các mô-đun có thể sinh sống được, kết nối với trạm ISS. Theo Axiom, đây sẽ là trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới.

Chia sẻ với CNBC hồi tháng 2, ông Kam Ghaffarian, đồng sáng lập Axiom cho biết: “Mọi người đều phát triển tên lửa, nhưng không ai xây dựng bất kỳ điểm đến nào cho các chuyến hành trình. Rất nhiều công ty đang thiết kế các chuyến đi vào không gian, nhưng họ sẽ đi đâu, đặc biệt là khi Trạm vũ trụ Quốc tế ngừng hoạt động?”.

Một tên tuổi nhiều kinh nghiệm khác trong ngành du lịch vũ trụ là Space Adventures, cũng đang hợp tác với SpaceX để đưa khách du lịch tham gia vào sứ mệnh tự hành hoàn toàn đầu tiên lên không gian. Chuyến đi dự kiến ​​diễn ra vào đầu năm 2022, sẽ đưa bốn hành khách lên quỹ đạo trái đất tầm cao trong năm ngày. Một báo cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính rằng mỗi vị trí trên chuyến bay sẽ có giá khoảng 55 triệu đô la.

Hãng hàng không khổng lồ của Mỹ Boeing cũng đã tham gia vào cuộc đua đầy tiềm năng này, khi ký một thỏa thuận với NASA nhằm hợp tác phát triển khoang phi hành đoàn có tên gọi Boeing CST-100 Starliner. Đổi lại, Boeing sẽ có quyền bán vé chỗ ngồi trên khoang cho những khách du lịch có nhu cầu bay vào không gian.

Nguồn DW, SCMP, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới