Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo Luật Đầu tư công: Vẫn chưa phù hợp với thực tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự thảo Luật Đầu tư công: Vẫn chưa phù hợp với thực tế

Sơn Nghĩa

Công nhân thi công dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Không phải ngẫu nhiên mà trong kỳ họp Quốc hội lần này, mỗi khi đề cập đến vụ Vinashin, các đại biểu đều cho rằng, để không còn trường hợp tương tự như Vinashin, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Đầu tư công. Đạo luật này ra đời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay. Dù đã qua nhiều lần bàn thảo, tuy nhiên theo nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều điểm của dự thảo Luật Đầu tư công vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Vốn đầu tư công tăng mạnh trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện hoạt động đầu tư công vẫn thiếu một văn bản luật nhất quán. Các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư công chưa đủ để điều chỉnh toàn diện hoạt động này. Các quy định hiện hành chưa đảm bảo sự rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể trong quản lý đầu tư công. Hoạt động đầu tư công vẫn thiếu các chế tài cụ thể để đảm bảo chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư. Điều này là nguyên nhân của việc đầu tư phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công và hạn chế những sai phạm của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nên sớm ban hành đạo luật về đầu tư công. Luật đầu tư công không chỉ đề cập vấn đề đầu tư bằng vốn của ngân sách nhà nước vào các dự án, công trình mà kể cả đầu tư vào doanh nghiệp. Dự thảo luật đã được bàn thảo gần ba năm qua và đã được đưa ra lấy ý kiến nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của luật. Bởi, khái niệm đầu tư công tại dự thảo luật được hiểu là đầu tư từ nguồn vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực phục vụ lợi ích chung, không nhằm mục đích kinh doanh.

Năm 2009, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước chiếm khoảng 34,8% tổng đầu tư xã hội (trong đó đầu tư từ ngân sách 21,8%). Hiện các DNNN đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định quốc gia, gần 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 60% tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài.

Từ trường hợp của Vinashin, nhiều ý kiến cho rằng, dự luật quy định đầu tư công không nhằm vào mục đích kinh doanh là không phù hợp với thực tế. Khái niệm trên đã vô tình đặt những hoạt động của các DNNN ngoài tầm ảnh hưởng của luật. Điều này sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sai phạm và thất thoát vốn nhà nước từ các doanh nghiệp. Dự thảo Luật Đầu tư công phải tính đến việc đầu tư vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp này. Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước trái ngành nghề, không hiệu quả. Trả lời TBKTSG bên lề Quốc hội, ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng dự thảo Luật Đầu tư công nên bao hàm tất cả những yếu tố này xuất phát từ thực tế hoạt động của các DNNN. Khi những quy định này rõ ràng hơn trong luật, việc quản lý các DNNN sẽ dễ dàng hơn.

Phạm vi của Luật Đầu tư công chỉ điều chỉnh các hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; vốn huy động của nhà nước từ trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, công trái quốc gia; và các nguồn vốn khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 của Chính phủ, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước bằng 22,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 4,7% so với năm 2009. Các số liệu tương đương về vốn trái phiếu chính phủ là 8,5% và 47,8%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 6,9% và 18,9%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân là 31,2%, tăng 3,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể phần đóng góp trong nước) là 21,5% và 28%.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhiều đại biểu cũng âu lo về những quy định kiểm tra và giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước trong dự thảo Luật Đầu tư công. Các quy định liên quan đến đầu tư công, quản lý nợ, tài sản công, sử dụng nguồn lực nhà nước vào các doanh nghiệp chưa được quy định chặt chẽ và nhất quán. Thực tế, việc chế tài quản lý đầu tư công đang nằm rải rác ở một số luật, do đó sẽ có những quy định trùng lắp nhau. Theo ông Vũ Quang Hải, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện DNNN đang hoạt động theo các nghị định của Chính phủ, không có đạo luật nào rõ ràng để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này. Dự thảo Luật Đầu tư công vẫn chưa quy định cụ thể chế tài đối với loại hành vi thuộc năng lực quản trị, điều hành, việc sử dụng vốn, huy động nguồn vốn. Trong khi đó Nhà nước, với vai trò chủ sở hữu nguồn vốn trong DNNN lại chưa thể giám sát được các DNNN.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra giám sát nặng về hành chính thông qua cơ chế quản lý trao quyền cho những người giám sát, quản lý nguồn vốn nhà nước không “sâu sát” với hoạt động của doanh nghiệp chính là điều bất cập. “Dự thảo Luật Đầu tư công cần quy định rõ trách nhiệm của người quản lý vốn nhà nước, hay người được ủy quyền kinh doanh vốn nhà nước”, ông Hải nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Luật Đầu tư công cần sớm được ban hành và cơ quan soạn thảo luật nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này. Song song với việc hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công, Nhà nước cần rà soát, đánh giá lại tất cả các dự án đang thực hiện, phân loại dự án theo thứ tự ưu tiên thực hiện, loại bỏ các dự án không còn đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Việc rà soát lại các dự án đang thực hiện, rút kinh nghiệm từ những khiếm khuyết trong dự án cũng là cách hiệu quả để điều chỉnh dự luật Đầu tư công gần với thực tế hơn.

Bãi bỏ bao cấp, đặc quyền về vốn, đất đai dành cho cho các DNNN cũng là cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả việc đầu tư công. Nhà nước nên để cho DNNN hoạt động theo luật và trả lại quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Một đạo luật về đầu tư công hoàn chỉnh và phù hợp với tình hình thực tế sẽ tạo nên hành lang pháp lý tốt cho doanh nghiệp hoạt động. “ Khi đạo luật có hiệu lực, nếu doanh nghiệp có sai phạm, Nhà nước sẽ dùng luật lệ và những quy định để xử lý”, ông Kiêm nói. Điều này giúp cho DNNN được vận hành theo quy luật của thị trường, tự do kinh doanh và tự chịu trách nhiệm trong những hoạt động của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới