Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đề xuất sẽ không quy định danh mục cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá tại Luật Giá và giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định mặt hàng, cũng như thời gian áp dụng được giới hạn theo mục tiêu thực hiện bình ổn giá.

Nội dung dự thảo cũng đề cập đến việc xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Theo đó, bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại dự án Luật Giá (sửa đổi) đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 16 và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá, bao gồm “trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật Tình trạng khẩn cấp”.

Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế hiện nay, tại dự thảo luật quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 16) để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Cơ bản danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện nay để kế thừa, điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định: “Trong trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định”.

Người dân đổ xăng. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách bao gồm:

Bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá; theo đó biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.

Điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.

Cụ thể hóa biện pháp “áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế”. Theo đó, trong trường hợp áp dụng biện pháp định giá hàng hóa, dịch vụ để bình ổn giá thì trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền (Điểm d Khoản 1 Điều 19).

Khắc phục những “điểm nghẽn” sau hơn 9 năm thi hànhLuật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, tại thời điểm ban hành, đây là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng, trải qua 9 năm thi hành, luật đã phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, vướng mắc, chưa theo kịp thực tiễn, cần được sửa đổi.Cụ thể, quá trình áp dụng thực tế, Luật Giá đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong chính các quy định của luật và với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan, dẫn đến những bất cập trong khâu tổ chức thi hành luật như: danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định cụ thể tại luật nên khi có phát sinh mặt hàng phải bình ổn giá ngoài danh mục (thịt lợn, thép xây dựng,…) hoặc phải bổ sung vào danh mục, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá (sách giáo khoa) rất khó thực hiện.Hay như, tên một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý còn chung chung hoặc chưa được chuẩn hóa, cập nhật theo tên gọi của pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn cho việc xác định mặt hàng chi tiết cụ thể để quản lý theo quy định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới