Thứ Tư, 4/10/2023, 06:31
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Dự thảo Luật Hợp tác xã vẫn chưa ổn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự thảo Luật Hợp tác xã vẫn chưa ổn

Anh Tuấn

Dự thảo Luật Hợp tác xã vẫn chưa ổn
TPHCM trong năm 2013 sẽ phát triển thêm 30 hợp tác xã – Ảnh minh họa: Văn Nam.

Số phận dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) khá lận đận khi bị Quốc hội trả lại Chính phủ sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ ba, tháng 5 vừa rồi. Tuy nhiên, dự thảo mới do Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ tư này chưa giải tỏa được những vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra từ kỳ họp trước.

Đó là những vấn đề quan trọng mang tính cốt lõi của dự thảo luật như liệu các chính sách của dự thảo luật có thực sự giúp cho các HTX phát triển hay là những chính sách nhằm quản lý HTX theo kiểu hành chính; chính sách mới có thay đổi được quan niệm, mô hình cũ về hợp tác xã đã không còn phù hợp trong tình hình hiện nay?

Muốn HTX phát triển thì không có cách nào tốt hơn là khuyến khích tham gia HTX bằng việc ghi nhận những quyền lợi và nghĩa vụ của xã viên một cách rõ ràng, tạo thuận lợi cho hoạt động của HTX và khuyến khích nhiều người tham gia HTX. Thế nhưng dự thảo Luật Hợp tác xã lại sửa đổi theo hướng ngược lại, trở thành rào cản, không khuyến khích tham gia HTX. Ví dụ dự thảo luật đưa ra quy định hạn chế kinh doanh của HTX với người ngoài thành viên và thành viên phải sử dụng dịch vụ của HTX. Với quy định này một lần nữa sẽ “đóng cửa” HTX, khiến cho các HTX trở lại thời bao cấp với mô hình “khép kín”, “tự cung, tự cấp” – mô hình đã khiến cho hàng vạn HTX phải giải thể trong thời gian qua vì không còn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Đáng ra, Luật Hợp tác xã cần có những cơ chế, chính sách mới khuyến khích HTX mở rộng quan hệ với hợp tác kinh doanh đối với nhiều đối tượng, kể cả xã viên và không phải xã viên. Các sản phẩm, dịch vụ do HTX cung cấp không chỉ phục vụ chính các nhu cầu của xã viên, mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường, của xã hội, không có cớ gì lại phải hạn chế phạm vi hoạt động của HTX, hạn chế tự do kinh doanh của HTX. Hậu quả của quy định này sẽ là chính các HTX phải gánh chịu vì không phát triển được kinh doanh, không có cơ hội cạnh tranh trên thị trường và cũng không còn động lực để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cái khó của HTX hiện nay là tổ chức kinh tế quy mô nhỏ, thiếu vốn nhưng rất khó tiếp cận vốn, nhất là vay vốn ngân hàng, vì các ngân hàng e ngại về khả năng bảo đảm thế chấp bằng tài sản đồng sở hữu của HTX, khi thanh lý tài sản thế chấp rất khó khăn. Vì vậy, rất cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ HTX huy động được các nguồn vốn khác trong xã hội một cách hiệu quả nhất mà vẫn bảo đảm an toàn trong huy động vốn.

Dự thảo Luật Hợp tác xã lại có những đề xuất kỳ lạ như khuyến khích HTX vay vốn xã viên mà thực chất là huy động vốn của xã viên theo lãi suất thỏa thuận. Đề xuất này là không phù hợp với các quy định hiện hành về tín dụng, vì huy động vốn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và kiểm soát theo nhiều quy định về lãi suất, kiểm soát hoạt động rất chặt chẽ. Theo Luật Các tổ chức tín dụng thì ngoài ngân hàng, chỉ có quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô mới được phép huy động vốn trong dân. Nếu cho phép HTX vay vốn của xã viên theo lãi suất tự thỏa thuận thì sẽ có nguy cơ rủi ro rất cao, do HTX không đủ các công cụ kiểm soát như tổ chức tín dụng, do một nhóm điều hành của HTX vừa đứng ra tổ chức huy động vốn và quyết định sử dụng vốn vay sẽ không bảo đảm các nguyên tắc về an toàn trong huy động vốn. Chúng ta đã có nhiều bài học để lại những hậu quả kinh tế, xã hội rất nặng nề do mất kiểm soát việc huy động vốn với lãi suất thỏa thuận trong thực tiễn.

Một trong những đặc trưng của HTX, khác với công ty cổ phần là hoạt động dựa trên nguyên tắc đối nhân, tỷ lệ góp vốn không phản ánh quyền biểu quyết của xã viên, các xã viên đều biểu quyết bình đẳng, bất kể vốn góp nhiều hay ít. Thế nhưng dự thảo Luật Hợp tác xã lại đưa ra những quy định đi ngược lại nguyên tắc này như việc chia lãi sau thuế theo mức độ sử dụng dịch vụ là chính, theo vốn góp là phụ. Quy định này sẽ không khuyến khích xã viên góp nhiều vốn, có thể lợi dụng quy định này để góp ít vốn mà vẫn được hưởng lợi ích như xã viên khác.

HTX cũng khác với các doanh nghiệp đối nhân khác như công ty TNHH, công ty hợp danh, các thành viên, tỷ lệ góp vốn quyết định vì lợi ích của chính họ, còn các thành viên của HTX thì có quyền quyết định ngang nhau, vì lợi ích của tập thể, trong đó có lợi ích của họ, quyền lợi của tập thể sẽ được quyết định bởi đa số. Đó chính là điểm khác biệt của kinh tế tập thể, mà đại diện duy nhất là HTX. Vì vậy, không thể xa rời nguyên tắc tồn tại cơ bản này của HTX mà đưa ra những quy định có thể làm phương hại để động lực tồn tại và phát triển của HTX.

Dự thảo Luật có những quy định không nhằm bảo vệ quyền lợi của các xã viên như quyền về sở hữu tài sản, buộc các HTX khi giải thể phải chuyển giao tài sản này cho chính quyền. Quy định này khiến cho các xã viên rất lo ngại vì tài sản thuộc sở hữu của mình có thể bị “quốc hữu hóa”. Quy định này cũng hoàn toàn trái với các nguyên tắc về quan hệ dân sự và quan hệ kinh tế trong kinh tế thị trường. Nếu điều luật này được thông qua sẽ trở thành một bước lùi lớn so với Luật Hợp tác xã 2003 đã công nhận đồng sở hữu tài sản của các xã viên và có thể khiến cho phong trào giải thể HTX diễn ra trên diện rộng vì xã viên không được bảo vệ tài sản hợp pháp của họ.

Luật Hợp tác xã đang được Quốc hội tiếp tục thảo luận và theo chương trình làm việc của Quốc hội thì luật này sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ tư. Song với nhiều đề xuất sửa đổi không phù hợp với mục tiêu tạo khung pháp lý cho HTX phát triển như nêu trên thì các vị đại biểu Quốc hội cần hết sức thận trọng khi quyết định ban hành những chính sách mới mà chưa đánh giá hết những tác động của chính sách trên thực tế, bởi vì hậu quả của những chính sách sai lầm sẽ rất lớn và khó sửa chữa ngay, có khi phải mất nhiều năm mới có cơ hội sửa sai, điều đó quyết định số phận của hàng vạn HTX trong cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới