Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo Luật Tố cáo: Những điều chưa thấu lý!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự thảo Luật Tố cáo: Những điều chưa thấu lý!

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Dự thảo Luật Tố cáo: Những điều chưa thấu lý!
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Dự thảo Luật Tố cáo đã được trình Quốc hội khóa XIII xem xét trong kỳ họp đang diễn ra. So với dự thảo trước đây, dự thảo mới của Luật Tố cáo đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những điều chưa thấu lý…

Cơ quan, tổ chức cũng có quyền tố cáo

Khoản 4 điều 3 của dự thảo luật quy định người tố cáo là công dân thực hiện quyền tố cáo tương tự như quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Đó là sự kế thừa một quy định không hợp lý. Bởi lẽ, trong thực tế, có những hành vi vi phạm pháp luật của một cá nhân nhưng gây thiệt hại cho cả một tập thể cơ quan, tổ chức.

Chẳng hạn, một hành vi vi phạm pháp luật của công chức thuế, hải quan có thể làm cho một doanh nghiệp bị phá sản và tập thể những người lao động trong doanh nghiệp đó bị mất việc làm. Vì vậy, không thể không cho các cơ quan, tổ chức là chủ thể tố cáo. Tất nhiên, khi cơ quan, tổ chức là chủ thể tố cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó (chẳng hạn người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) phải đại diện cho cơ quan, tổ chức của mình ký đơn tố cáo. Nhưng đó không phải là tố cáo với tư cách cá nhân.

Xin đề nghị bổ sung cơ quan, tổ chức là người có quyền tố cáo và sửa khoản 4 điều 3 như sau: “4. Người tố cáo là cơ quan, tổ chức, công dân thực hiện quyền tố cáo”, khi đó các điều khoản khác có liên quan của dự thảo luật cũng sẽ được chỉnh sửa, bổ sung tương ứng.

Phủ định sạch trơn tố cáo nặc danh

Ở nước ta, trong thời gian qua, có không ít đơn tố cáo không ghi những thông tin cần thiết của người tố cáo, còn gọi là tố cáo nặc danh. Vì sao có hiện tượng đó? Có thể có một số trường hợp mượn danh tố cáo để vu cáo. Song, nguyên nhân cơ bản vẫn là người tố cáo lo sợ bị trả thù. Pháp luật nước ta chưa có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận “thực tế hiện nay do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh một cách công khai, trực diện với những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội”. Hơn nữa, khác với những hành vi bị khiếu nại, những hành vi bị tố cáo thường là hành vi vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến một vụ án hình sự và kẻ bị tố cáo sẽ trả thù rất kiên quyết, tinh vi. Vì vậy, dù Luật Tố cáo quy định không tiếp nhận các đơn tố cáo nặc danh thì đơn tố cáo loại này vẫn cứ xuất hiện. Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng, có khá nhiều đơn tố cáo nặc danh cung cấp những thông tin chi tiết, cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

Từ những luận cứ trên, thiết nghĩ không nên phủ định sạch trơn những tố cáo nặc danh. Cần quy định trong luật “những đơn tố cáo nặc danh phải được tiếp nhận sau đó chuyển cho các cơ quan thanh tra, điều tra xem xét, sử dụng như những thông tin cần thiết”.

Biến “bị cáo” thành “quan tòa “

Trong việc quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền, dự thảo mới vẫn giữ nguyên như dự thảo cũ và biến “bị cáo” thành “quan tòa”.

Khoản 1 điều 13 quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”.

Tương tự như vậy, khoản 2 điều 13 quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết tố cáo”.

Sẽ là vô nghĩa khi giao cho người bị tố cáo thẩm quyền giải quyết việc tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của chính mình (hoặc cơ quan mình). Nói cách khác, điều đó có nghĩa là đặt “bị cáo” vào ghế “quan tòa”. Khi đó, việc giải quyết tố cáo đúng các quy định của pháp luật và việc giữ bí mật, bảo vệ người tố cáo cũng chỉ tồn tại trong… văn bản luật và hiệu quả của việc giải quyết tố cáo cũng bị triệt tiêu. Bởi lẽ, khi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đó bị liên đới trách nhiệm. Trong thực tế cũng không loại trừ hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan được người đứng đầu “bật đèn xanh” và được phân chia thu nhập do hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới mang lại.

Từ phân tích trên, khoản 1 và 2 điều 13 dự thảo luật xin đề nghị sửa lại như sau:

“1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức cấp dưới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết tố cáo”.

Khi người giải quyết tố cáo không phải là… Bao Công

Trong việc thực hiện Luật Tố cáo, việc xử lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có ý nghĩa quyết định. Trong thực tế, có trường hợp người giải quyết tố cáo do bao che cho người bị tố cáo nên cố ý giải quyết sai và chính người giải quyết tố cáo lại bị tố cáo tiếp. Rất đáng tiếc, dự thảo luật lại chưa có điều khoản nào đề cập đến vấn đề này.

Bảo vệ người tố cáo như thế nào?

Điều 34 quy định phạm vi, đối tượng và thời hạn bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, những quy định tại điều 34 còn rất chung chung và sẽ khó có thể đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần quy định thêm ít nhất hai nội dung sau: Các biện pháp bảo vệ được áp dụng và người hoặc cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ người tố cáo trong từng trường hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới