Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo vàng: gút lại và để ngỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự thảo vàng: gút lại và để ngỏ

Hải Lý

(TBKTSG) – Sau hàng chục lần chỉnh sửa, dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo hầu như không có điểm nào mới so với khung pháp lý hiện hành, nhưng lại có khá nhiều quy định để ngỏ về định hướng phát triển thị trường vàng.

Kinh doanh vàng trên tài khoản, có hay không?

Theo khoản 4, điều 3 của dự thảo, kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng. Khi đưa định nghĩa này vào dự thảo, có nghĩa là sẽ có quy định về hoạt động đó.

Tuy nhiên, toàn bộ phần sau của dự thảo không hề đả động đến kinh doanh vàng tài khoản. Chương bảy là chương ngắn nhất của dự thảo, chỉ có một điều khoản (điều 16), theo đó căn cứ vào điều kiện kinh tế và tình hình thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác. Có thể hiểu kinh doanh vàng tài khoản nằm trong điều 16 và sự hiện diện của nó thuộc quyền người đứng đầu Chính phủ.

Vì sao kinh doanh vàng trên tài khoản lại nhạy cảm với thị trường vàng và quy định liên quan đến nó lại phải đợi đến Thủ tướng? Vì nó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “lỗ hổng” trong quản lý thị trường, gây nên những “cơn sốt” vàng trong hai năm 2008-2009. Nó là cầu nối để liên thông trực tiếp thị trường vàng quốc tế và trong nước, là nơi một số pháp nhân có thể tận dụng một cách “thông minh” sự chênh lệch giá vàng nội địa và thế giới để kiếm lời.

Kiểm soát kinh doanh vàng trên tài khoản không khó và đây là nghiệp vụ đã được các định chế tài chính quốc tế sử dụng từ lâu. Vấn đề là để kiểm soát được nó, các quy định phải linh hoạt, thích hợp, theo sát biến động thị trường, mà với cơ quan quản lý, dường như điều này còn tạm ở xa tầm với.

Như vậy dự thảo không bỏ qua kinh doanh vàng tài khoản như dư luận đã từng lầm tưởng một vài tháng trước đây, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu hầu hết các tổ chức tín dụng phải “đóng cửa” hoạt động này. Câu hỏi bao giờ nó được áp dụng trở lại lại một lần nữa để ngỏ. Dù sao sự để ngỏ cũng là tín hiệu để các tổ chức kinh doanh vàng có thể kỳ vọng về một thị trường vàng phát triển đúng tầm nhu cầu trong nước.

Hiệu ứng với giá vàng?

Dự thảo có hẳn hai chương quy định rạch ròi về sản xuất, gia công và mua bán vàng miếng. Tinh thần chung của hai chương đó là việc sản xuất vàng miếng không bị cấm và người dân được mua, được bán vàng ở những doanh nghiệp, ngân hàng do NHNN cấp phép.

Trước dự thảo đã từng có những phát biểu của một số quan chức NHNN, các bộ, ngành đề xuất, kiến nghị không nên cho phép sản xuất vàng miếng; người dân chỉ được bán chứ không được mua vàng. Thế mới có chuyện các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng chuẩn bị xếp dây chuyền gia công vàng miếng vào kho, hoặc giảm công suất, sản lượng, đào tạo lại công nhân và mở thêm các phân xưởng chế tác nữ trang.

Thậm chí có doanh nghiệp thay bằng gia công vàng miếng, quay ra sản xuất vàng nhẫn bốn số chín vừa đúng một chỉ, tương tự vàng miếng một chỉ, nhưng giá bán mắc hơn do mất nhiều công sức chế tác hơn. Một doanh nghiệp cho biết gia công vàng nhẫn kiểu ấy họ chỉ làm được 200 chiếc/ngày, tức khoảng 20 lượng vàng miếng, trong khi sản xuất vàng miếng công suất ít cũng phải vài ngàn lượng/ngày.

Liệu có một sự liên quan nào giữa sức cầu vàng miếng những ngày qua tăng lên và dự thảo quy định người dân được mua vàng? Giá vàng trong nước đang ở tình trạng liên tục thấp hơn giá quốc tế, đã nhanh chóng chuyển thành cao hơn giá thế giới tới 400.000-500.000 đồng/lượng. Trong trường hợp sức cầu cao hơn, khoảng cách giá vàng nội địa bỏ rơi giá quốc tế rộng hơn, vàng nhập lậu có nguy cơ tái diễn, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang khá ổn hiện nay?

Câu chuyện mà các tổ chức kinh doanh vàng đang đoán già đoán non là liệu NHNN có tự đứng ra tổ chức sản xuất vàng miếng? Tất nhiên dự thảo quy định NHNN có thể cấp phép sản xuất vàng miếng, nghĩa là ủy thác việc sản xuất cho một số tổ chức. Thực ra với việc tự sản xuất vàng miếng, NHNN sẽ đặt mình vào vai trò người kinh doanh vàng lớn nhất quốc gia. Việc kinh doanh như thế có tính đến yếu tố lợi nhuận? Điều tiết cung cầu thị trường vàng? Xuất nhập khẩu đúng thời điểm, hợp lý? Những câu hỏi này có lẽ những người soạn thảo đã dự trù hết cả?

Cho đến khi dự thảo được thông qua, chính thức có hiệu lực, thị trường vàng có thể còn biến động. Cái chính mà dự thảo thể hiện được, đó là nó là tấm gương phản ánh nhu cầu mua bán, nắm giữ, làm của vàng của người dân vẫn còn nguyên vẹn. Tâm lý ấy không hề mất đi, nó chỉ thể hiện ở trạng thái lặng một khi các quy định mang tính hành chính được đồn thổi sẽ áp dụng.

Thị trường vàng đang trong thời ẩn mình! Liệu có một sự liên quan nào giữa sức cầu vàng miếng những ngày qua tăng lên và dự thảo quy định người dân được mua vàng? Giá vàng trong nước đang ở tình trạng liên tục thấp hơn giá quốc tế, đã nhanh chóng chuyển thành cao hơn giá thế giới tới 400.000- 500.000 đồng/lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới