Chủ Nhật, 28/05/2023, 13:46
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đưa ‘ATM nước ngọt’ đến vùng hạn mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đưa ‘ATM nước ngọt’ đến vùng hạn mặn

Nội dung: Đỗ Hương – Trình bày: Thu Trang

Đưa 'ATM nước ngọt' đến vùng hạn mặn
 

(TBKTSG Online) – Dự án “Nước ngọt nghĩa tình” tại vùng hạn mặn Tây Nam Bộ do kỹ sư Trần Vũ Thành và các cộng sự bền bỉ thực hiện suốt 5 năm qua, nay chợt có thêm thuật ngữ mới là những “máy ATM nước ngọt”, “máy ATM nước ngọt học đường” thời hậu mùa dịch Covid-19.

Một vài cơn mưa ngắn những ngày này đang phần nào “giải hạn mặn” diễn ra khốc liệt trong mùa khô và lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng ba vừa qua tại miền Tây Nam Bộ.

Những cụ già ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu đều nói rằng từ bé tới giờ mới thấy nắng nóng dữ như vậy. Chưa bao giờ Tây Nam Bộ nắng nóng như năm nay. Mỗi ngày người dân thuộc các hộ nghèo, khó khăn mất khoảng 2-4 giờ đồng hồ buổi chiều để đi mua nước ngọt. Không chỉ những người trẻ tuổi, những cụ già hơn 70 tuổi cũng tự mình cõng từng can nước ngọt về dùng.

Cuối chiều muộn một ngày trong tháng 5, tại Cà Mau – vùng đất được xem là nơi xa xôi nhất và cũng là nơi bị nhiễm mặn nhất của đất nước, nhóm kỹ sư dự án "Nước ngọt nghĩa tình" đã lắp đặt xong máy lọc nước mặn thành nước ngọt (máy ATM nước ngọt) công suất 200 lít/giờ, cấp nước miễn phí cho bà con ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Độ nhiễm mặn trung bình tại địa phương này theo báo cáo tổng hợp lên tới trên 30gr/lít (thuộc vùng màu cam – mức độ cảnh báo độ mặn cao nhất).

Rất nhiều khó khăn trong hành trình cứu hạn mặn Tây Nam Bộ ngay trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, đơn giản nhất như nơi ăn chốn ở. “Trong những ngày cả nước còn thực hiện các biện pháp về giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, chúng tôi không thể tìm được nhà trọ. Thật may người miền Tây hiếu khách luôn cho tá túc ngay tại nhà của bà con”, một thành viên dự án kể lại.

 

Hành trình lắp máy ATM nước ngọt tiếp theo Cà Mau là Bến Tre. Vẫn là cuối chiều muộn, trải nguyên một ngày dưới nắng nóng, nhóm kỹ sư mới lắp đặt xong và đưa vào vận hành máy ATM nước ngọt NL-300, tên một dòng máy của Công ty SYL – Save Your Live (bảo vệ cuộc sống của bạn) thuộc bản quyền của kỹ sư Trần Vũ Thành tại trụ sở UBND xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri. Máy nước ngọt NL-300 hoạt động suốt đêm với công suất thực tế lên tới 420 lít/giờ, sản xuất ra hơn 5m3 nước ngọt/ngày cung cấp cho người dân. Trên tinh thần chung tay vượt qua khó khăn, nhường nhịn và chia sẻ, mỗi hộ được cấp miến phí 30 lít nước ngọt/ngày.

Trong suốt tháng 4 và 5 vừa qua, dự án “Nước ngọt nghĩa tình” đã lắp đặt được 13 máy ATM lọc nước mặn thành nước ngọt tại một số điểm trường học, trụ sở UBND xã và ở những điểm đông dân cư tại các xã nghèo ven biển. Ba trong tổng số máy kể trên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Nhóm Trường Sa HQ571-2014 tài trợ kinh phí.

Ban tổ chức chương trình "Nước ngọt nghĩa tình" cho biết để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 45 máy lọc nước ngọt cung cấp cho miền Tây Nam Bộ trong năm 2020, hẳn rất cần sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các câu lạc bộ thiện nguyện…

Kỹ sư Trần Vũ Thành cho biết, chương trình “Nước ngọt nghĩa tình” là một dự án an sinh kết hợp phân phối sản phẩm (có ưu đãi trợ giá) dựa trên hai nguồn kinh phí chủ yếu. Thứ nhất, kinh phí đến từ nguồn xã hội hóa – do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ chi phí sản xuất và lắp đặt thiết bị, rồi thông qua dự án tặng lại cho địa phương. Thứ hai, kinh phí đến từ nguồn ngân sách hỗ trợ dài hạn của Công ty SYL – SDVico, do kỹ sư Trần Vũ Thành sáng lập (thuộc Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội – Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật HN). Đối tượng thụ hưởng dự án là học sinh và người dân tại các vùng hạn mặn.

Những chiếc máy cung cấp nước ngọt (dòng máy NL-300 công suất 300 lít/giờ) được lắp đặt miễn phí tại các tỉnh miền Tây suốt 5 năm qua chủ yếu do các mạnh thường quân tài trợ. Đơn giá cho một máy lọc nước NL-300 dao động trong khoảng 120-150 triệu đồng (chưa VAT); nếu tính thêm chi phí máy bơm, điện năng sử dụng thì tổng kinh phí đầu tư cho một thiết bị vào khoảng 180 triệu đồng, so với mặt bằng chung về thiết bị lọc nước trên thị trường thì không cao. Song,  đối với đa số bà con ở miền Tây thì đây là khoản đầu tư rất lớn so với mặt bằng thu nhập. Chính vì vậy, nhiều hộ nghèo, khu vực dân cư khó khăn vẫn chưa thể tiếp cận với thiết bị lọc nước.

Tìm nguồn kinh phí bền vững để “nuôi” dự án là bài toán khó nhưng không phải không có cách giải. Nhóm kỹ sư Trần Vũ Thành và các cộng sự đã cho ra đời những thiết kế máy nhỏ công suất 100 lít/giờ, có giá từ 60 triệu – 80 triệu và bán trợ giá cho những hộ dân có nhu cầu. Đây cũng là dòng máy Công ty SYL- SDVico bán cho các tàu cá nhỏ tại Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Bến Tre và Quảng Ngãi. Một phần lợi nhuận của mảng kinh doanh này được công ty trích ra đóng góp vào dự án “Nước ngọt nghĩa tình”.

Vào cao điểm hạn mặn bà con phải mua nước ngọt với giá cao gần 200 ngàn đồng/m³ để sinh hoạt; một bình nước uống 20 lít có giá 12-18 ngàn đồng. Ghi nhận từ một số hộ dân đã mua máy về tự lọc nước dùng sinh hoạt vừa bán nước ngọt kinh doanh, tiền lãi mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng/m3. Theo tính toán, tuổi thọ tối thiểu của dòng máy SYL (công suất 100-300 lít/giờ) là 5 năm với chi phí chạy máy khoảng 60 ngàn đồng/m3 nước ngọt; mỗi ngày chạy 10 giờ đồng hồ, tiền điện dùng cho máy bơm là 30 đồng/ngày. Sau hai năm hộ kinh doanh có thể hoàn đủ tiền vốn đầu tư mua máy lọc nước.

Dự án đang nghiên cứu triển khai mô hình phân phối bán trả góp cho hộ kinh doanh loại máy lọc nước cỡ nhỏ, thuận tiện chở được trên xe ba gác chạy lưu động giữa các khu dân cư. Nếu so với với việc bà con phải mua nước từ đầu nguồn, cách xa nhà cả chục cây số sẽ rút ngắn quãng đường tiết kiệm chi phí vận chuyển; vừa giúp tạo việc làm và quan trọng là chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.

 

Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay (1-6), món quà ý nghĩa đối với các trẻ em ở vùng hạn mặn rất đơn giản nhưng thiết thực là có nước ngọt để uống no và tắm mát.

“Một máy "ATM nước ngọt học đường" công suất 300 lít/giờ đã được lắp đặt tại điểm Trường học tiểu học Trần Văn Ơn, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vào đúng dịp đầu tháng 6. Máy do tập đoàn Nam Dược tài trợ”, kỹ sư Trần Văn Thành phấn khởi khoe.

Những hồ trữ nước ngọt khổng lồ cạn khô ngay khi học sinh trở lại trường sau khoảng thời gian giãn cách mùa dịch Covid-19; những vòi nước sinh hoạt dùng nguồn nước từ nhà máy bị mặn chát; tinh thể muối bám đầy bề mặt bồn rửa… những hình ảnh đó đã được thay thế dần bởi hình ảnh những chiếc máy lọc nước

Nhớ lại năm 2016, khi đợt hạn mặn lịch sử diễn ra, nhóm kỹ sư dự án đến với các điểm trường tại các xã ven biển Tây Nam Bộ, đã có rất nhiều học sinh bỏ học do không có nước ngọt sinh hoạt, ở đây nước ngọt thậm chí còn quý hơn cả sữa.

“Tôi mãi không quên ánh mắt vui vẻ, sáng ngời như những ngôi sao đang thắp lửa đợi chờ dòng nước mát lành tuôn chảy từ máy ATM nước ngọt học đường đặt trong khoảnh sân hẹp của một ngôi trường tiểu học ở miền Tây năm đó”, kỹ sư Thành xúc động nhớ lại.

Mấy năm đã qua đi song tại nhiều thôn ấp nghèo miền Tây hiện nay vẫn phổ biến tình trạng cha mẹ xa xứ đi làm ăn, để con cái lại cho ông bà nuôi, sống nhờ vào trợ cấp của chính quyền, cả gia đình ông bà cháu rau cháo qua ngày, có được một chút tiền dành dụm phải dành cho việc mua nước ngọt, khó càng thêm khó.

Trẻ em cần được đi học, có tri thức mới mong thoát nghèo. Hãy kéo học sinh đến trường bằng nước ngọt, mỗi trường chỉ cần lắp một máy công suất 300 lít/giờ – nhu cầu nhân sinh cấp thiết này đến nay vẫn chưa giải quyết được do thiếu nguồn kinh phí. Tháng 9 này học sinh đón năm học mới, tháng 12 vào ngay mùa khô – các em sẽ lại phải tiếp tục chống chịu một mùa hạn mặn mới…

Điều kỹ sư Thành và các cộng sự trăn trở là tình trạng hạn mặn sẽ tiếp tục kéo dài và ngày càng dữ dội hơn theo sự gia tăng của biến đổi khí hậu, nước ngọt trong mùa khô sẽ ngày càng hiếm ở các năm tiếp theo, nước mặn sẽ tiến sâu thêm vào đất liền trong những đợt triều cường. Bởi vậy, người dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần phải đổi mới cách nghĩ và cách làm.

"Ở cấp địa phương, đối với các hộ gia đình có điều kiện hơn và nhất là tại các điểm trường học, việc sở hữu riêng máy lọc nước để chủ động được nguồn nước ngọt là cần thiết. Đây được xem là biện pháp căn cơ góp phần rất nhỏ bé để cùng giải bài toán lớn hạn mặn miền Tây và ĐBSCL vẫn tuần tự xảy đến vào mùa khô hằng năm", kỹ sư Thành phân tích.

“Đừng sợ thiên tai. Hãy chủ động ứng phó với thiên tai”, câu khẩu hiệu đã trở thành động lực để Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội phát động và bền bỉ thực hiện dự án “Nước ngọt nghĩa tình” trong những năm qua đã dần trở nên thân quen và đang được những tấm lòng thiện nguyện nỗ lực lan tỏa mỗi ngày.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới