Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đức giảm sự phụ thuộc, mở đường cho lệnh cấm vận dầu thô của Nga trên toàn EU

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một lệnh cấm vận dầu thô của Nga trên toàn châu Âu đang tiến gần đến hiện thực hơn sau khi Đức tuyên bố đã cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô từ Nga đến mức đủ để quản lý được tình hình nếu lệnh cấm vận được triển khai.

Các bồn chứa dầu ở cảng Transneft-Kozmino, nằm gần thị trấn Nakhodka của Nga. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Warsaw (Ba Lan) hôm 26-4 khi đang có chuyến thăm tại đây để thảo luận vấn đề an ninh năng lượng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức, Robert Habeck cho biết tỉ trọng dầu của Nga trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Đức đã giảm xuống còn 12% từ mức 35% trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Ông hy vọng việc thay thế nguồn dầu thô mà Nga đang cung cấp cho cho nhà máy lọc dầu Schwedt ở đông bắc Đức, nơi Tập đoàn năng lượng Rosneft (Nga) có cổ phần, có thể thực hiện trong vài ngày tới. Điều này đồng nghĩa với việc Đức không cần đến dầu của Nga nữa vì nhà máy lọc dầu này đang tiêu thụ tất cả lượng dầu mà Đức nhập khẩu từ Nga.

Ông nói: “Vấn đề mà dường như rất lớn đối với Đức chỉ cách đây vài tuần giờ đây đã đã nhỏ hơn nhiều. Đức đã đến rất gần với việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga”.

Trước khi chiến sự Ukraine bùng lên vào cuối tháng 2, hai nhà máy lọc dầu Schwedt và Leuna ở đông Đức xử lý khoảng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày với phần lớn đến từ Nga.

Nhà máy lọc dầu Schwedt cung cấp 90% lượng xăng, diesel, nhiên liệu máy bay và dầu đốt lò sưởi ở Berlin và bang Brandenburg. Nhà máy lọc dầu Leuna là nhà cung cấp nhiên liệu chính cho các vùng Thuringia, Saxony, Saxony-Anhalt, bao gồm hai thành phố Dresden và Leipzig.

Với vai trò quan trọng của hai nhà máy lọc dầu Schwedt và Leuna đối với nhu cầu nhiên liệu của Đức và khu vực Đông Âu, trong suốt thời gian qua, Berlin là một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch của EU nhằm thiết lập lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

Song giờ đây, Phó thủ tướng Habeck nói chính phủ Đức dự định sử dụng nguồn dầu dự trữ từ tây Đức để cung cấp cho hai nhà máy máy lọc dầu này để có thể sớm chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga. Ông tiết lộ máy lọc dầu Leuna đã tìm kiếm được nguồn cung dầu thô thay thế. Ông cho hay Tập đoàn Rosneft  đang vận hành nhà máy lọc dầu Schwedt và mô hình kinh doanh của nó “dựa vào việc mua dầu của Nga”.  Hơn nữa, nhà máy này được kết nối với một đường ống dẫn dầu trực tiếp từ Nga.

Tuy nhiên, ông cho biết đang tìm nguồn cung dầu thay thế ở nhà máy này. Các quan chức Đức và Ba Lan thảo luận về phương án Đức nhập dầu thô bằng sà lan thông qua kho cảng dầu Gdansk của Ba Lan.

Phát biểu tại cuộc họp báp chung với ông Habeck, Bộ trưởng Môi trường và khí hậu Ba Lan, Anna Moskwa nói rằng Warsaw sẵn sàng tham gia cùng các đối tác EU trong việc chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga.

“Chúng tôi đánh giá cao động thái cấm vận than của Nga và chúng tôi kỳ vọng một lệnh cấm vận đối với các nguồn tài nguyên khác của Nga sẽ được thực hiện ngay, chứ không nên trì hoãn mà không có lý do chính đáng”, bà Moskwa nói.

Đức, Ba Lan cùng với Hà Lan là những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.

Trước đó, Đức đã đã nhất trí với lệnh cấm vận than của Nga do EU điều phối và nước này cũng đang mở rộng công suất kho cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, hướng đến mục tiêu chấm dứt mua khí đốt của Nga trong năm 2024.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận các biện pháp mà EU có thể triển khai để hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga, bao gồm lệnh cấm vận, giới hạn mức giá mua và thiết lập cơ chế thanh toán để giữ lại doanh thu bán dầu mà Nga trong một quỹ ủy thác. Dầu và các chế phẩm dầu mỏ đóng góp hơn 1/3 doanh số xuất khẩu của Nga vào năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, hôm 27-4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây được xem là lời cảnh báo đối với Đức và Ý, hai khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga.

Phản ứng trước thông tin trên, Phó thủ tướng Robert Habeck nhấn mạnh các công ty Đức sẽ tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng đô la hoặc euro vì đây là điều khoản đã được quy định trong hợp đồng.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới