Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng biến con người thành những thị dân bất đắc dĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng biến con người thành những thị dân bất đắc dĩ

Trương Điện Thắng

(TBKTSG) – Chủ tịch UBND một thành phố đi tiếp dân tại một dự án đô thị hóa. Trước đó, khu vực này vốn là một vùng nông thôn, dân chúng sống bằng nghề nông. Bà con họ hàng ở chung một xóm, có nhà thờ tộc, nhà có vườn rau ao cá. Khi mở rộng đô thị, mỗi gia đình chỉ được giao đất mới theo mức chung để xây dựng nhà phố. Nhưng nhà thờ tộc, chi phái thì sao?

Vị chủ tịch cũng là người trong vùng nên hiểu rằng ngoài đất tái định cư cho người sống, cũng phải trả lại một diện tích thỏa đáng để người dân có nơi thực hiện tín ngưỡng. Câu chuyện này là một trong những vấn đề phức tạp và sâu sắc thuộc lĩnh vực nghiên cứu xã hội học mà nhiều nước đã nghiên cứu khá sớm, nhưng ở nước ta thì vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực.

Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị

Đô thị trung tâm có phát triển thì kinh tế mới phát triển

Đừng biến con người thành những thị dân bất đắc dĩ
Trẻ em vui chơi tại một công viên mới được cải tạo. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Đô thị hóa không chỉ do công nghIệp hóa

Theo nhà xã hội học Mỹ, Giáo sư Alvin Boskoff, gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em, tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em, sự di cư, vấn đề chủng tộc, người già, trạng thái tâm lý, giai cấp xã hội, tôn giáo, học vấn và các xu hướng trong đời sống xã hội đô thị, là những vấn đề quan tâm của xã hội học đô thị.

Gần đây, các nhà nghiên cứu trong nước đã đề cập đến các vấn đề quy hoạch đô thị, sự phân hóa giàu nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của đô thị hóa… Nhiều nhà nghiên cứu cũng nêu lên các nhóm giải pháp khác nhau để giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội dưới khía cạnh “xã hội học đô thị”, nhưng những nội dung trên là chưa đủ và thiếu tính hệ thống.

Quá trình đô thị hóa ở nước ta trong một vài thập niên vừa qua, theo Viện Xã hội học, không hoàn toàn chỉ do công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nguồn tăng dân số tự nhiên cũng như tăng cơ học truyền thống. Việc điều chỉnh lại địa giới hành chính, biến các vùng nông thôn ven đô trở thành nội thành do yêu cầu mở rộng không gian đô thị đã biến đổi các xã ngoại thành trở thành phường nội thị…, tạo ra một chuỗi thay đổi cho cá nhân lẫn cộng đồng, bao gồm sự chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu lao động, việc làm của dân cư.

Như chúng ta thấy trên thực tế, người dân từ đa số làm nông nghiệp (ở các ngoại thành trước đây), khi chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp, thậm chí kiếm sống bằng các nghề nghiệp phi chính thức, đã tạo ra nhiều áp lực về an sinh.

Sự chuyển đổi đời sống văn hóa tinh thần, lối sống từ nông thôn sang lối sống đô thị lại đòi hỏi sự hỗ trợ của thời gian và sự cải thiện các tập quán. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, biến đổi cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu lao động, sinh hoạt, đời sống ở đô thị, thay đổi bộ máy quản lý hành chính từ nông thôn (làng, xã) sang đô thị (phường) cũng tạo ra những bất cập trong quản lý…

Những hệ lụy

Một nhà nghiên cứu tại TPHCM đã mô tả một đô thị Việt Nam hiện nay với tám đặc điểm:

1- Đô thị là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế, là đầu mối của nhiều cấp, nhiều ngành quản lý nhưng thiếu sự phối hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hành chính đô thị.

2- Đô thị là nơi tập trung dân cư đông đúc hơn so với khu vực nông thôn và dân đô thị là dân tứ xứ được tụ tập lại.

3- Dân cư phi nông nghiệp ở đô thị chiếm tỷ lệ không lớn lắm.

4- Đô thị là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng vật chất quan trọng, nhưng vẫn chưa ngang tầm với các đô thị trên thế giới.

5- Lối sống đô thị là lối sống hợp cư, luôn biến động, hầu như không có sự liên kết về huyết thống, tập quán, truyền thống; luôn tôn trọng những chuẩn mực có tính pháp lý hơn là những quy tắc có tính cộng đồng.

6- Người dân đô thị có trình độ chuyên môn cao hơn nông thôn.

7- Phân chia địa giới hành chính trong các đô thị không có ý nghĩa lớn đối với dân cư.

8- Đô thị cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề xã hội, thất nghiệp, tình trạng tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và hàng loạt vấn đề khác…(1)

Ta thấy rằng năm trong tám đặc điểm trên đây liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những nội dung của xã hội học đô thị. Nhưng ở Việt Nam, do nhiều yếu tố, chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ ở khía cạnh xã hội học trên cơ sở các điều tra cơ bản thích hợp.

Người dân đô thị (hay gọi tắt là thị dân) vừa có những đặc điểm giống các đô thị khác (hợp cư trong cộng đồng đô thị, quan hệ huyết thống làng xã lỏng lẻo dần) nhưng đồng thời lại mang những sắc thái riêng từ nguồn gốc văn hóa nông nghiệp, đi ngược lại những yếu tố cần có của thị dân như thiếu ý thức về tính liên đới trong đời sống; từ tập quán lâu đời, lối sống của họ thường cố thoát ra những ràng buộc, chi phối bởi các định chế pháp lý, khỏi các quy tắc ứng xử đô thị.

Những đặc trưng đó xuất phát từ quá trình đô thị hóa “nhảy vọt” và dẫn đến các hệ quả nặng nề về môi trường và trật tự xã hội, tạo ra những gánh nặng không đáng có cho các cấp quản lý, từ hành chính đến hoạch định chính sách vốn còn yếu kém ở các đô thị non trẻ, trong đó có gánh nặng về giải quyết việc làm và nhà ở cho người nhập cư thu nhập thấp.

Cần nói thêm, từng cá thể cư dân vừa-nhà-quê-vừa-thành-thị đó cũng bị tổn thương về nhiều mặt khi phải thích nghi với cuộc sống mới không do chính họ tạo ra, trong đó có tổn thương tâm lý khi thay đổi không gian sống truyền thống. Đây là khía cạnh quan trọng chưa thấy có các công trình điều tra hoặc nghiên cứu nghiêm túc.

Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nếu trước năm 1975 chỉ có chín tỉnh, sáu thành phố và hơn 100 huyện, thị; thì gần nửa thế kỷ sau, hiện toàn khu vực có 18 tỉnh, thành với 18 thành phố, trong đó, năm thành phố loại I, 14 thị xã, 150 thị trấn và trên 1.000 thị tứ.

Đô thị hóa nhanh chóng đã kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội mà chính quyền và người dân đang phải đối diện với một giá khá đắt. Dẫu rằng điều đó chưa bằng các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, nhưng thiết nghĩ nó cần phải được xem xét.

Thêm vào đó, những vấn đề mang tính riêng biệt của truyền thống văn hóa-xã hội Á Đông (và Việt Nam) sẽ thay đổi ra sao trong quá trình đô thị hóa (như quan hệ tộc họ, làng xóm…) cũng cần có những nghiên cứu và giải pháp căn cơ. Nếu không, con người bỗng chốc sẽ trở thành những thị dân… bất đắc dĩ! 

(1) Những đặc điểm của đô thị ở Việt Nam hiện nay; ThS. Phan Anh Hồng – HVHCQG

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới