Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng bịt mắt mình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng bịt mắt mình

(TBKTSG) – Tại cuộc hội thảo tuần rồi ở Cần Thơ, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Viện Nghiên cứu phát triển IDS, khuyên các doanh nghiệp phải nhìn thẳng và chấp nhận đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái để tìm ra lối thoát.

Ảm đạm!

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2008, dự báo năm 2009, những trao đổi với doanh nghiệp ĐBSCL” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức, ông Doanh kể rằng, chủ một bãi xe ở Mỹ vừa than phiền về tình trạng quá tải và không có tiền xoay xở chi phí, khi có đến khoảng 10.000 chiếc ô tô đang nằm bãi mà chờ mãi chẳng có đầu ra. Bãi xe này chuyên chứa những ô tô bị siết nợ, tức chủ nhân của nó nợ tiền trả góp quá sáu tháng. Xe cứ kéo về xếp thành dãy, mà chủ nhân không thấy đến “chuộc”, còn “chủ nợ” tìm mãi cũng chẳng thấy đầu mối thanh lý.

Kể câu chuyện này, ông Doanh muốn dẫn chứng một thực tế là kinh tế nhiều nước lớn đang suy thoái, sản xuất đình đốn, người dân phải siết chặt chi tiêu… “Iceland đã vỡ nợ quốc gia, còn Ukraina và Pakistan đã phải xin IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) trợ giúp”, ông nói. Theo ông, khủng hoảng tài chính sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế thực, khủng hoảng việc làm và khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị… Dự báo, sẽ có thêm 100 triệu người trở lại tình trạng nghèo khổ.

Theo ông Doanh, dù chính phủ nhiều nước đang rất nỗ lực cứu vãn nền kinh tế, nhưng tình hình ảm đạm có thể kéo dài, sớm nhất là sau quí 2-2009 mới có thể hồi phục.

Trung Quốc đã bị tác động khá nặng, hàng trăm ngàn xí nghiệp đóng cửa, hàng triệu người mất việc làm. Và điều khiến ông Doanh lo nhất, sau khi đọc bản báo cáo của một công ty tư vấn Hồng Kông, là Trung Quốc đang có kế hoạch tống một lượng hàng khá lớn ra bên ngoài để thu tiền về nhằm cứu vãn phần nào tình hình. “Đó sẽ là áo sơ mi, giày dép, ti vi màn hình phẳng, ô tô giá khoảng 5.000 đô la Mỹ, xe máy giá “bèo” 500 đô la Mỹ… “Chúng ta phải có kế hoạch đối phó nếu không muốn vừa phải gánh “bệnh” của mình, vừa phải gánh “bệnh” của Trung Quốc. Bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam tương tự Trung Quốc, nhưng yếu hơn”, ông nhận định.

Việt Nam khó tránh tác động

“Bệnh” của Việt Nam hiện tại, theo ông Doanh, đã thể hiện qua những “triệu chứng” về giá lúa, việc làm, giá dầu mỏ, than, sắt thép, nhựa… Hệ thống tài chính của Việt Nam không bị thiệt hại trực tiếp từ các vụ đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, song chịu tác động qua tỷ giá. “Những tháng cuối năm, xuất khẩu tháng sau thấp hơn tháng trước vì doanh nghiệp không còn hợp đồng, giá giảm…”, ông dẫn chứng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn lớn, trong số đó không ít doanh nghiệp đã tạm thời ngừng hoạt động.

Theo ông Doanh, thời gian qua Việt Nam đã phải đắp đổi cán cân thương mại bằng nhiều nguồn. “Nhập siêu khoảng 19 tỉ đô la Mỹ và chúng ta “bù” bằng 8 tỉ đô la Mỹ kiều hối, 8 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, 2 tỉ đô la Mỹ vốn ODA và 1,6 tỉ từ du lịch. Chúng ta đã phải đắp đổi bằng túi tiền của người khác!”, ông nói.

Theo khảo sát mới đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ, năm 2008 có 15,5% doanh nghiệp ở ĐBSCL bị giảm doanh thu so với năm trước vì những khó khăn chung như lạm phát, lãi suất biến động liên tục, sự suy giảm của thị trường chứng khoán và bất động sản. Và nếu như hồi giữa năm có tới 72,4% doanh nghiệp còn đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 50% thì đến cuối năm, tỷ lệ này chỉ còn 37,6%. Chính 54% doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, tình hình hiện nay là xấu và rất xấu.

Kinh tế thế giới suy giảm cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, mà theo ông Doanh, trước mắt là việc giải ngân vốn FDI và ODA, xuất khẩu, việc làm giảm sút. “Tốc độ giải ngân vẫn tốt? Theo tôi chưa hẳn vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải lo tồn tại, thêm nữa họ cũng đã mất lòng tin vào thành công. Còn vốn ODA, họ vẫn cam kết nhưng giải ngân thì lại không đơn giản, bởi nước của họ cũng đang gặp khó. Còn lượng kiều hối có tăng mạnh thì có thể phần nhiều do gửi về để ăn chênh lệch lãi suất”, ông phân tích.

“Tình hình rất xấu! Phải nhìn thẳng, nắm thông tin kịp thời và đánh giá đúng”, ông Doanh nói. Theo ông, vừa qua một số cơ quan thông tin tại Việt Nam lại có dấu hiệu không muốn công bố những khó khăn như ông vừa nêu. “Theo tôi, đừng nhắm mắt lại mà xem rằng những chuyện đó không có”, ông nói.

Riêng với các doanh nghiệp, ông Doanh cho rằng phải chấp nhận chuyện sẽ có những doanh nghiệp phải giải thể, nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp mới ra đời. “Doanh nghiệp cần có ngay giải pháp tình thế, trước mắt là cho năm 2009. Thời điểm này, đừng nên đầu tư lớn mà phải chờ sau khi kinh tế thế giới hồi phục, cơ cấu mặt hàng ổn định lại”, ông khuyên.

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới