Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng bỏ rơi “kinh tế vỉa hè” trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng bỏ rơi “kinh tế vỉa hè” trong đại dịch

TS. Nguyễn Văn Đáng (*)

(TBKTSG) – Để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã dự thảo nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; trợ cấp người lao động… Tuy nhiên, sự hỗ trợ này rất có thể không đủ để đến được với các thành phần “kinh tế vỉa hè”, bao gồm các hộ kinh doanh và người buôn bán tự do – những nhóm đối tượng được xác định là “không có nhiều sức chịu đựng” nếu dịch kéo dài.

Đại gia bán lẻ dính đòn ‘hồi mã thương’ vì chiến lược mở chuỗi phủ thị trường

Bi quan và tuyệt vọng đáng sợ hơn đại dịch

Đừng bỏ rơi “kinh tế vỉa hè” trong đại dịch
Nhà nước khó có đủ nguồn lực để hỗ trợ tới nhóm kinh tế vỉa hè, xã hội cần chung tay giúp đồng bào. Ảnh: Thành Hoa

Kinh tế vỉa hè

Dưới góc nhìn xã hội học, “kinh tế vỉa hè” thường được dùng để chỉ những người phụ thuộc vào vỉa hè, thậm chí lòng đường cho việc buôn bán. Họ là các hộ gia đình có cửa hàng và những người bán hàng di động.

Các hộ gia đình chủ yếu sử dụng ngay chính nơi ở của mình hoặc thuê địa điểm để làm nơi kinh doanh. Lực lượng lao động chủ yếu là người thân trong gia đình hoặc những người làm thuê theo các “thỏa thuận miệng”.

Những người bán hàng và phục vụ tự do có đặc điểm chính là “di động”, như bán hàng rong, bán vé số, nước giải khát, đánh giày…

Đặc điểm chung của các chủ thể kinh tế vỉa hè là nguồn lực kinh doanh hạn chế, thường là vốn tự có hoặc huy động từ các kênh phi chính thức như người thân, bạn bè, hàng xóm… Mọi thu nhập của họ đến từ việc buôn bán hàng ngày, nhất là với những người di cư từ các địa bàn nông thôn vào đô thị. Khả năng tích lũy nguồn lực để chống chịu với sự ngưng trệ của nền kinh tế là yếu hơn so với các chủ thể kinh doanh khác.

Các biện pháp hành chính chống dịch sẽ có ảnh hưởng ngay đến hai nhóm đối tượng nêu trên. Họ phải đóng cửa hàng hoặc dừng tất cả các hình thức phục vụ di động. Kể cả họ có tiếp tục kinh doanh sau dịch thì nhiều khả năng cũng vẫn ít khách hàng. Đây chính là cơ sở để đưa ra nhận định: họ là nhóm yếu nhất về khả năng kháng cự với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cộng đồng kinh doanh.

Không thể bỏ quên nhóm này

Hai nhóm nêu trên vẫn thường được coi là các thành phần kinh tế phi chính thức, bởi vai trò hạn chế của họ trong nền kinh tế quốc dân. Cũng bởi vậy, rất khó để họ nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách quốc gia bởi hỗ trợ của Chính phủ sẽ phải ưu tiên những đối tượng có đóng góp lớn cho nền kinh tế, qua đó giúp nền kinh tế đất nước nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, kinh tế vỉa hè là một thực tế chưa thể xóa bỏ trong các nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù nhóm này có đóng góp hạn chế vào ngân sách địa phương nhưng bản thân sự tồn tại của họ cũng cho thấy vai trò nhất định. Quan trọng nhất là vai trò tự tạo công ăn việc làm, qua đó góp phần ổn định xã hội.

Do đó, thiệt hại của kinh tế vỉa hè có thể không gây ra nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia nhưng hệ lụy xã hội sẽ rất lớn. Bởi trước hết, các hộ gia đình thường chỉ có nguồn thu nhập duy nhất từ việc kinh doanh này. Sự ngưng trệ kinh doanh sẽ tác động lớn đến cuộc sống của các thành viên gia đình. Hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn với nhóm bán hàng lưu động vì tuyệt đại đa số họ thường là người nghèo trong xã hội.

Rất nhiều người là nông dân từ các vùng nông thôn di cư vào thành thị. Những người này sẽ không thể có nguồn thu nhập thay thế để trang trải cho các nhu cầu sống tối thiểu như: thuê nhà, thực phẩm, y tế, hay học hành của con cái họ. Những bức bách về kinh tế có thể lại trở thành nguyên nhân cho các vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, căng thẳng hay mâu thuẫn xã hội.

Một thách thức là làm sao xác định được những người thực sự cần hỗ trợ. Với hộ gia đình, chính quyền địa phương có thể dựa vào địa điểm kinh doanh của họ để lập danh sách và xác định nhu cầu hỗ trợ. Với những người buôn bán tự do và di động thì có thể dựa vào nơi cư trú của họ để lập danh sách. Do Nhà nước khó có đủ nguồn lực để hỗ trợ tới nhóm kinh tế vỉa hè, cơ chế xã hội chung tay chia sẻ cùng đồng bào nên là chiến lược ưu tiên.

Ứng phó với đại dịch như Covid-19 này là tình huống bất thường, chưa từng có tiền lệ, ít nhất là trong vài thập kỷ gần đây. Cũng bởi thế, sẽ là thách thức cho chính quyền các cấp trong việc thiết kế các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm hỗ trợ người dân sau các tình huống như: thiên tai, khủng hoảng môi trường…có thể hữu ích để đề ra giải pháp hỗ trợ hữu hiệu nhất.

Giải pháp xã hội chung tay

Việt Nam đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến chống sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là lúc mà các thành tố thuộc hệ thống chính trị cần phát huy chức năng và vai trò của họ để cùng chính quyền các cấp hỗ trợ người dân.

Vì cả hai nhóm trên đều phải bám vỉa hè để kinh doanh, nên chính quyền cơ sở có thể xem xét nới lỏng các biện pháp quản lý hành chính về trật tự đô thị trong một thời gian nhất định sau dịch để giúp người dân nhanh chóng phục hồi việc kinh doanh. Các biện pháp nới lỏng quản lý đô thị cần đi kèm khuyến cáo rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng cũng như việc lợi dụng khó khăn sau dịch để kéo dài việc kinh doanh tùy tiện.

Chính quyền địa phương có thể xem xét miễn đóng góp về y tế và giáo dục trong một thời gian nhất định với những người thực sự khó khăn khi họ đến khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập; hoặc con cái họ đang học tại trường công lập.

Mặt trận tổ quốc nên phát động phong trào “tương thân tương ái”, đồng bào giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn. Mặt trận có thể lập danh sách những hộ gia đình khó khăn để cử đại diện đến vận động các chủ cho thuê nhà hoặc địa điểm kinh doanh, để họ giảm giá thuê và giãn thời gian thanh toán. Biện pháp này không đòi hỏi kinh phí từ chính quyền, cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến các chủ nhà, nhưng lại có thể giúp những người cần giúp đỡ giảm được áp lực tài chính.

Hội phụ nữ và đoàn thanh niên có thể phối hợp để phát động phong trào quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn trên địa bàn. Các tổ chức này có thể cử người đi vận động ủng hộ từ những người có điều kiện hơn như cán bộ, công chức, doanh nghiệp… Tất cả các nguồn lực ủng hộ cần được chuyển thành các suất ăn miễn phí để hàng ngày cấp cho bà con thực sự khó khăn.

Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng nên tạo thuận lợi cho các cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn nếu họ có kế hoạch hỗ trợ người dân khó khăn. Để các sự kiện hỗ trợ được tổ chức trong trật tự, đúng đối tượng và mục đích, chính quyền có thể hướng dẫn, cung cấp địa điểm phù hợp, cùng sự bảo đảm về an ninh trật tự cho các sự kiện trợ giúp đồng bào. 

(*) Nhà nghiên cứu quản trị và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới