Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng cầu mong không bệnh tật!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng cầu mong không bệnh tật!

BS.Lê Hùng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Không ai trên đời này lại muốn mình bị bệnh. Thế nhưng, có trải qua một cơn bệnh, ta mới có thể hiểu bản thân mình hơn, thông cảm được với người bệnh và nhận thấy cuộc sống mới tươi đẹp, đáng quý biết bao.

Những người quá khỏe mạnh, quá sung sức thường không biết giữ gìn sức khỏe. Họ thường chủ quan, không có thói quen đi khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh. Vì vậy, đối với những người này, đến khi phát hiện, bệnh thường đã ở trong tình trạng nặng, khó phục hồi.

Một người có sức khỏe, uống bao nhiêu rượu bia cũng không say, mỗi ngày hút 1-2 gói thuốc lá vẫn khỏe mạnh, sung mãn, làm việc ào ào. Những người như vậy làm sao có thể tự dưng giảm uống rượu bia, giảm hút thuốc lá được?

Nếu những người ấy không quá khỏe mạnh, thì khi uống rượu bia họ sẽ bị viêm, đau dạ dày, ợ hơi ợ chua, khi hút thuốc nhiều thì sẽ bị viêm họng, viêm phế quản… Những bệnh lý đó sẽ giúp họ giảm hoặc ngưng hẳn rượu bia, thuốc lá dễ dàng hơn, về lâu dài chắc chắn có lợi cho sức khỏe của họ.

Những người quá mạnh mẽ về vấn đề tình dục cũng đừng tưởng rằng đó là “của trời cho”. Hãy cảnh giác, vì việc ham muốn tình dục quá mạnh mẽ thường vượt khỏi sức chịu đựng của người vợ (hoặc chồng).

Trong một số trường hợp, một người sẽ từ chối bớt quan hệ tình dục. Do đó người chồng (hoặc vợ) không được thỏa mãn đầy đủ. Từ đó có thể dẫn đến việc quan hệ vụng trộm, khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tốn tiền tốn của và có thể lây những căn bệnh khủng khiếp như bệnh hoa liễu, AIDS…

Một đời sống với việc ham muốn tình dục bình thường hay “yếu yếu” một chút có thể giúp người chồng (hoặc vợ) sống chung thủy với người bạn đời của mình hơn (vì như thế là quá đủ).

Một bác sĩ có sức khỏe quá tốt, không bao giờ bị đau ốm thì làm sao có thể cảm thông với nỗi thống khổ vì bệnh tật của bệnh nhân. Khi đang bị viêm dạ dày, lúc khám cho bệnh nhân bị bệnh dạ dày, bác sĩ sẽ có sự đồng cảm nhiều hơn, sẽ khám kỹ lưỡng, cho thuốc có tính toán kèm theo những lời khuyên đầy đủ về cách phòng chống bệnh dạ dày… Đối với những căn bệnh khác cũng tương tự như thế.

Một nữ y tá hay nhân viên điều dưỡng sau khi bị chấn thương hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật nho nhỏ sẽ hiểu được nỗi đau khi bị chích thuốc, thay băng. Khi chăm sóc bệnh nhân, họ sẽ có sự cảm thông, sẽ thay băng vết thương hay chích thuốc nhẹ nhàng hơn. Có nghĩa là khi chính người cán bộ y tế bị bệnh, họ sẽ đồng cảm và thương bệnh nhân hơn trước. Những nhà quản lý cũng cần trải qua một chứng bệnh nào đó để có thể thấu hiểu hơn nỗi khốn khó của bệnh nhân mà đề ra những chính sách về y tế phù hợp hơn, nhân bản hơn.

Những người quá khỏe mạnh, chưa bao giờ bị bệnh thường ham muốn nhiều, chạy theo danh vọng, đam mê vật chất. Người khỏe mạnh thường hưởng thụ và làm việc nhiều. Việc khỏe mạnh về thể chất thường đi kèm với sức mạnh tinh thần, nhờ đó những người này gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Việc khỏe mạnh và thành đạt thường làm cho họ kiêu hãnh, hun đúc cho cái tôi ngày càng lớn. Khi cái tôi đã lớn, sự kiêu ngạo sẽ lớn theo, lúc đó cánh cửa tâm hồn chỉ còn mở một chút ít hoặc có thể đóng sập lại, nên sự cảm thông, chia sẻ, lòng thương người sẽ rất khó thể hiện.

Vì quá khỏe mạnh nên rất khó nhận thấy được sự vô thường và hoại diệt của một kiếp người. Những người này nghĩ rằng cái tôi, cái thân xác của họ sẽ còn mãi với thời gian mà không hiểu rằng nó đang mục rã từng ngày. Họ chưa bị bệnh nên cứ sống ào ào, vui chơi, ăn uống thỏa thích, không cần kiêng cữ gì cả. Họ cho rằng bệnh tật là chuyện của ai đó chứ không phải của mình nên không chuẩn bị tinh thần để đón nhận quy luật tự nhiên đã sinh ra thì phải có lão và bệnh để mà tử! Vì không chuẩn bị nên những người này khi bị bệnh thường ở tình trạng nặng, gây lo âu, sợ hãi và suy sụp nhanh.

Nếu trải qua một cơn bệnh khi còn trẻ, chúng ta sẽ sớm nhận thấy cuộc sống này rất mong manh. Chúng ta sẽ nhận ra rằng dù giàu có, quyền cao chức trọng bao nhiêu chăng nữa, chỉ một hơi thở ra mà không có hít vào thì mọi việc sẽ tan thành mây khói. Cảm nhận được như thế thì cái tôi sẽ nhỏ lại, ta sẽ khiêm cung và từ bi với cuộc sống này. Đau một chút, yếu yếu một chút để thấy cần phải thương yêu, chăm chút cho bản thân hơn. Chưa từng bị đau mắt, đôi khi chúng ta sẽ không biết mình có hai con mắt sáng long lanh để nhìn cuộc đời.

Chưa từng bị bệnh viêm dạ dày hành hạ, chúng ta sẽ không nhớ rằng mình đang có cái dạ dày ngày đêm nhào nặn, xay nhuyễn thức ăn để nuôi sống ta. Nếu chưa từng bị đau chân sẽ không biết rằng ta đang có đôi chân để đi đứng, làm việc, rong chơi. Vì thế, có trải qua cơn đau chúng ta thấy trân quý từng thành phần cơ thể của mình. Có bệnh tật mới có thể hưởng được hạnh phúc của sự lành bệnh. Khi bị cảm cúm nặng, sốt cao, nằm bẹp một vài ngày trên giường, thì khi hết bệnh đi ra ngoài trời, ta mới thấy cuộc sống thật đáng yêu. Khi bị bệnh nặng, cận kề cái chết, đến khi lành bệnh, tiếp xúc lại với bầu trời, con người sẽ thấy cái ngọt ngào của một cơn gió thoảng, cái lung linh của cỏ xanh, cái kỳ diệu của bầu trời xanh, áng mây trắng và tiếng nói của con người sao thân thương và êm dịu đến như vậy. Ta sẽ cảm thấy yêu quá đỗi cuộc sống này. Những cảm xúc tuyệt vời kỳ lạ ấy, người lành mạnh sẽ không bao giờ có thể hiểu được!

Đừng cầu mong không bệnh tật vì sự cầu mong ấy là không có thật (trừ một vài trường hợp đặc biệt). Tuy nhiên, hãy cố gắng gìn giữ sức khỏe để nếu có bị bệnh thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Khi bị bệnh, cũng đừng quá lo lắng vì biết đâu bệnh tật sẽ giúp ta trải nghiệm cuộc sống tốt hơn.

___________________________________________________

(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới