Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dừng chạy tàu: hệ lụy khó lường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dừng chạy tàu: hệ lụy khó lường

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Nếu những vướng mắc về cơ chế không được tháo gỡ, ngành đường sắt buộc phải dừng chạy tàu thì sẽ khiến hàng ngàn người không có việc làm, vận tải hành khách và hàng hóa bị đình trệ.

Dừng chạy tàu: hệ lụy khó lường
Nếu dừng chạy tàu vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ bị ách tắc – Ảnh: Anh Quân

Nguy cơ về việc dừng chạy tàu đường sắt quốc gia có thể sẽ diễn ra nếu những vướng mắc về cơ chế trong việc giao vốn để bảo trì đường ray chậm được các cơ quan chức năng giải quyết.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngày 25-2 cho TBKTSG Online biết rằng, nếu dừng chạy tàu thì 11.315 người của ngành đường sắt không có việc làm, không có tiền lương vì tất cả số lao động này được trả lương từ ngân sách nhà nước, thông qua Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Năm 2019, ngân sách nhà nước đã chi trả khoảng 2.500 tỉ đồng để trả lương cho nhân lực bảo trì của ngành đường sắt.

Khi dừng chạy tàu thì 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam không có tiền mua vật tư để bảo trì đường ray vì đường sắt phải bảo trì thường xuyên. Trung bình mỗi tháng 20 doanh nghiệp công ích phải chi khoảng 200 tỉ đồng cho việc đảm bảo an toàn chạy tàu. Như vậy, mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 2.400 tỉ đồng cho việc đảm bảo chạy tàu.

Theo báo cáo số 1832 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam số tiền chi cho dịch vụ công ích tăng đều qua các năm nếu như năm 2015 số tiền chi cho sản phẩm dịch vụ công ích là 2.029 tỉ đồng thì năm 2018 đã tăng lên 2.565 tỉ đồng.

Theo ông Minh, khi ngân sách nhà nước chưa đưa xuống kịp, doanh nghiệp muốn đi vay ngân hàng cũng không vay được vì muốn vay ngân hàng các công ty buộc phải có hợp đồng kinh tế.

Việc dừng chạy tàu không chỉ ảnh hưởng đến công ăn việc làm, doanh thu của ngành đường sắt mà khiến vận tải hành khách và hàng hóa bị đình trệ. Số liệu thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến năm 2019, thị phần của đường sắt đang chiếm 3,57% với vận tải hành khách và chiếm 1,7% vận tải hàng hóa.

Trường hợp nếu ngành đường sắt dừng chạy tàu thì hành khách vẫn còn lựa chọn di chuyển bằng máy bay hoặc ô tô. Tuy nhiên, đối với vận tải hàng hóa dù đường sắt chỉ chiếm 1,7% thị phần nhưng lại có vai trò quan trọng vì những mặt hàng nặng, vận chuyển tuyến Bắc – Nam đều phải vận chuyển bằng đường sắt. Trường hợp dừng chạy tàu, vận chuyển hàng hóa tuyến Bắc – Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, khi đó, hàng hóa sẽ bị ùn tắc tại các cảng hoặc kho bãi.

Liên quan đến việc ngành đường sắt có thể phải dừng chạy tàu, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ cho cơ chế để bộ này giao vốn ngân sách xuống Tổng công ty đường sắt để doanh nghiệp này tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị hạ tầng trực thuộc như trước đây.  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Chính phủ đã yêu cầu đảm bảo hoạt động thông suốt các tuyến đường sắt nên Tổng công ty Đường sắt không được dừng chạy tàu.

Vướng mắc hiện nay có thể dẫn đến dừng chạy tàu là do Tổng công ty đường sắt Việt Nam trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (đại diện chủ sở hữu vốn). Trong khi, nguồn vốn ngân sách cấp để duy tu, bảo trì hạ tầng đường sắt vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Theo Luật Ngân sách nhà nước thì khoản tiền duy tu, bảo trì hạ tầng chỉ được cấp cho các đơn vị trực thuộc. Do vậy Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không thể giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt để thực hiện duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt.

Mời xem thêm:

Cơ chế làm cho đường sắt khó lớn

Đường sắt Việt Nam sẽ dừng chạy tàu vì cơ chế?

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới