Đừng để doanh nghiệp chạy vạy kích cầu
(TBKTSG) - Ở nước ta, việc giải cứu kinh tế suy thoái bằng gói kích cầu tương đương 1 tỉ và 6 tỉ đô la đã được bàn bạc khá nhiều, điều mà người viết muốn lạm bàn ở đây là cách tổ chức thực hiện.
Vào cuối những năm 1990, Chính phủ đưa ra gói “kích cầu đầu tư” trong đó tập trung vào ưu đãi lãi suất đầu tư và chính sách miễn giảm thuế sau đầu tư. Vào thời gian đó, nhiều hội viên thuộc Hội Dệt may Thêu đan và Hội Da giày TPHCM được Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như Quỹ Đầu tư Phát triển của thành phố mời đến phổ biến nội dung và cách làm nhằm nhận sự tài trợ từ chương trình này.
Một số doanh nghiệp đã lập hồ sơ tham gia chương trình nhưng không ít doanh nghiệp phải bỏ cuộc vì thủ tục rắc rối và doanh nghiệp phải tự vay và trả lãi cho ngân hàng trước, còn kết quả có nhận được khoản tài trợ hay không lại là chuyện khác.
Ngay cả khi doanh nghiệp đầu tư xong một nhà máy mới, ai cũng thấy và hồ sơ xây dựng được cấp phép hẳn hoi nhưng doanh nghiệp vẫn phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê mới được cấp giấy chứng nhận ưu đãi thuế. Nhìn chung, thủ tục hành chính là trở ngại cực kỳ lớn để doanh nghiệp đến được với các chính sách ưu đãi!
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào gói kích cầu mà Chính phủ vừa đưa ra nhưng đều có tâm trạng là không biết lợi ích này có đến được với doanh nghiệp mình không và phải làm sao để hưởng được!
Theo tôi, cần công khai và minh bạch việc sử dụng gói kích cầu. Dù đã bàn nhiều, nhưng đến nay chưa có một công bố chính thức đầy đủ về các đối tượng thụ hưởng cụ thể cũng như cách thức thụ hưởng. Cần công khai đối tượng, trường hợp và mức được tài trợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tất cả các trang web của Chính phủ. Một kênh quan trọng mà Chính phủ có thể phổ biến thông tin về gói kích cầu đến doanh nghiệp là các hiệp hội trung ương và các hội địa phương.
- Nên xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng để chính các doanh nghiệp tự xét xem mình có phải là đối tượng của chương trình này hay không. Bên cạnh đó, nên xây dựng một quy trình với các biểu mẫu thật cụ thể và đơn giản để các doanh nghiệp có thể trực tiếp thực hiện mà không cần phải qua tư vấn hoặc chạy vạy.
- Nên tạo điều kiện để các đối tượng được thụ hưởng tự động thay vì phải qua thủ tục xin cho, vừa giúp cho gói kích cầu có tác dụng nhanh vừa cắt cơ hội của “cò dự án” và tham nhũng. Thí dụ trong gói kích cầu 1 tỉ đô la mà Chính phủ dự định dành cho việc hỗ trợ lãi suất vay, nên thực hiện ngay tại nguồn, tức là tại các ngân hàng thương mại hoặc một số ngân hàng có sự ủy thác phê duyệt của Chính phủ.
Theo đó, các ngân hàng này có trách nhiệm xem xét và có quyền cấp vốn với mức lãi suất đã được giảm, doanh nghiệp không cần ứng tiền trả trước, cũng không cần phải làm thêm các thủ tục khác và không phải chạy hết ban này ngành nọ để được phê duyệt thoái lại lãi suất như trước đây. Trường hợp miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nên thực hiện tự động, doanh nghiệp không phải nộp vào rồi nhận thoái ra như trường hợp thuế VAT.
DIỆP THÀNH KIỆT (*)
(*) Phó chủ tịch Hội Da giày TPHCM