Thứ Bảy, 10/06/2023, 19:39
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đừng để luật phụ thuộc quá nhiều hướng dẫn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng để luật phụ thuộc quá nhiều hướng dẫn

(TBKTSG Online) – Giới luật sư cho rằng, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) tuy đã được bổ sung sửa đổi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là phải cụ thể, chính xác.  

Luật… mà không phải luật!

Sau hơn 10 năm áp dụng vào cuộc sống, Luật Thuế GTGT đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, theo một số chuyên gia trong ngành luật nhận định.

Một trong những khiếm khuyết là luật phụ thuộc quá nhiều vào “rừng” thông tư, nghị định, và rơi vào cảnh luật nhưng vẫn không làm được theo luật vì phải đợi văn bản hướng dẫn. Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, và luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban thư ký HĐQT Ngân hàng Hàng hải, cùng cho rằng, dù đã qua hai lần sửa đổi, nhưng dự thảo (năm 2008) này vẫn còn mỏng và quá sơ lược trong khi nghị định và thông tư hướng dẫn nhiều hơn cả luật.

“Dự thảo sửa đổi chỉ có 14 trang, nhưng nghị định cụ thể hóa lại có 21 trang và thông tư hướng dẫn thi hành thì lên đến 147 trang”, luật sư Đức than phiền. Còn luật sư Tiền cảnh báo: “Luật rất mỏng, đừng để phải quy định thêm nhiều nghị định, thông tư”.

Luật sửa đổi sau khi được “cắt gọt” chỉ còn lại 14 điều, lược đi tới 16 điều khoản so với luật hiện hành (thực chất là chuyển vào Luật Quản lý thuế), nên càng cần phải được soạn thảo chi tiết, chặt chẽ hơn.

Lấy ví dụ, “dịch vụ tín dụng” là một hoạt động được miễn thuế GTGT theo quy định trong luật hiện nay, nhưng không nói rõ đó là loại dịch vụ cụ thể nào.

Theo luật sư Đức, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng không hề có khái niệm “dịch vụ tín dụng”, mà chỉ có “hoạt động tín dụng” và “cấp tín dụng”.  “Không ai có thể hiểu được chính xác khái niệm tưởng chừng rất đơn giản này, và như vậy, sẽ để cho nghị định, thông tư muốn hướng dẫn thế nào cũng được”, luật sư Đức phản biện.  

Quan điểm làm luật như thế rõ ràng chưa có tiến bộ so với trước, vẫn phải chờ các văn bản dưới luật khác, và “vẫn là luật khung, luật ống, luật khẩu hiệu”, nó sẽ tiếp tục bị nghị định, thông tư “thoải mái nhào nặn và trói buộc như đa số các đạo luật khác”.

Mức thuế suất nào hợp lý?

Luật Thuế GTGT ban hành lần đầu năm 1997 quy định bốn mức thuế suất: 0%, 5%, 10% và 20%, nhưng sau đó, mức thuế 20% đã bị loại bỏ, vì quá cao đối với dịch vụ, hàng hoá và không hợp lý khi áp dụng trong thực tế.

Quyết định bỏ thuế suất 20% được cụ thể hoá bằng một nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50% mức thuế của các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 20%, thực chất là để hủy bỏ thuế suất này.   

Việc áp dụng thống nhất ba mức thuế suất 0%, 5% và 10% phù hợp trong giai đoạn đầu ban hành luật, tuy nhiên, quy định này sẽ dần bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, đặc biệt nó gây khó khăn cho việc đóng thuế của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, những điều khoản quy định rất phức tạp về các mức thuế GTGT cho từng hàng hoá, dịch vụ có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp lúng túng và áp sai thuế, dẫn đến bị truy thu hoặc phải nộp thuế oan.

Theo thống kê, hàng năm cơ quan quản lý thuế các cấp đã phải phát hành hàng chục nghìn công văn để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về thuế suất.

Nhiều nước trên thế giới đã thống nhất một mức thuế suất thuế GTGT nhằm đảm bảo sự công bằng về cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đơn giản hoá và giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi đóng thuế. Vì vậy, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, chỉ nên áp dụng thống nhất hai loại thuế suất: 0% và 10%. Trong đó, mức thuế 0% mà dự luật quy định sẽ được áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, là hoạt động được nhà nước ưu đãi, khuyến khích phát triển, với điều kiện phải tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bày tỏ quan điểm cần bổ sung dịch vụ vận tải quốc tế và viễn thông, internet từ nước ngoài vào Việt Nam vào diện chịu thuế suất GTGT 0%, trừ dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài, chuyển nhượng vốn, bưu chính… Lý do là các dịch vụ này có ích cho sự phát triển của đất nước.

Dự luật cũng quy định, mức thuế 5% sẽ áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho tiêu dùng thiết yếu. Theo bà Cúc, mức thuế 10% sẽ hợp lý hơn mức 5% để áp dụng cho các nhóm hàng hoá, dịch vụ này, vì nó bảo đảm tính cân bằng, phù hợp với ưu đãi đã dành cho các loại trên (không phải chịu thuế đầu vào).

Các chuyên gia cũng cho rằng để hạn chế những tác động cho nền kinh tế từ chính sách thuế, vấn đề này cần được cân nhắc kỹ với sự tư vấn của giới chuyên môn, trước khi dự thảo được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 này.    

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới