Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng để mặc nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng để mặc nông dân

GS.TS. Võ Tòng Xuân

(TBKTSG) – Nhân dịp đầu năm mới 2009, TBKTSG đã phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân liên quan tới chính sách nông nghiệp ở Việt Nam…

TBKTSG: Hồi tháng 4-2008 trong nước lên cơn sốt gạo, Giáo sư đã có ý kiến trên TBKTSG là nên chớp thời cơ này cho xuất khẩu gạo giá cao để nông dân và doanh nghiệp được lợi. Nhưng chuyện đó không xảy ra. Bây giờ nông dân lại khổ vì lúa rớt giá…

GS.TS. VÕ TÒNG XUÂN: Có thể thấy việc tiêu thụ lúa gạo của nông dân luôn luôn là chuyện đau đầu, mọi rủi ro đều trút lên đầu người nông dân nghèo. Những gì đã và đang xảy ra, vẫn tiếp tục xảy ra cho người nông dân Việt Nam. Điều này cho thấy mặc dù ai cũng nói quan tâm đến nông dân và nông thôn, nhưng thực tế ít ai chịu tổ chức đồng bộ mọi lực lượng để giúp nông dân và nông thôn đạt mức lợi tức cao.

Thực trạng cái nghèo của nông dân và nông thôn là hệ quả của tính không ổn định của công cuộc xóa đói giảm nghèo không đồng bộ của ta. Nếu Nhà nước tiếp tục để cho nông dân tự bơi như hiện nay, không có những chính sách khuyến khích nông dân hợp tác với nhau, và cho các doanh nghiệp gắn liền với vùng nông sản nguyên liệu thì phải còn lâu lắm nông dân ta mới giàu lên được.

 

GS.TS. Võ Tòng Xuân là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng “Dioscoro L. Umali”. Đây là giải thưởng quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu đào tạo nông nghiệp Đông Nam Á thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á cùng Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Philippines và Quỹ D.L. Umali phối hợp thành lập năm 2008 để tôn vinh những nhà khoa học Đông Nam Á có nhiều thành tích đóng góp vào công cuộc phát triển nông nghiệp của vùng.

Tôi mong rằng các nhà làm chính sách của nước ta không nên chỉ dừng lại với những “định hướng” và “nghị quyết” rồi để ai muốn làm sao thì làm, mà nên tổ chức để các ngành cùng tham gia tiến tới định hướng ấy một cách thành công.

TBKTSG: Trong năm 2009, Giáo sư kỳ vọng gì nhất?

– Sang năm 2009, các dự đoán của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tư vấn tài chính quốc tế đều cho thấy sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, khuyến cáo mọi chính phủ phải có những chính sách kích cầu. Nhà nước ta cũng đang bơm tiền vào nền kinh tế và giảm hoặc miễn nhiều loại thuế, hy vọng sẽ vực dậy sự tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên Nhà nước vẫn chưa quản lý được giá cả hàng tiêu dùng và các dịch vụ mỗi khi có biến động giá xăng dầu, làm cho người dân – nhất là nông dân – bị thiệt thòi. Người nông dân phải bán lúa giá thấp và mua phân bón, thuốc trừ sâu với giá quá cao, không thể có tích lũy để tăng lợi tức.

Nông nghiệp của chúng ta sẽ hiện đại hơn nếu nông thôn chúng ta được đầu tư khang trang, quy hoạch thành từng vùng nguyên liệu có thương hiệu được các hội nông dân hoặc hợp tác xã nông nghiệp đồng nhất sản xuất theo đặt hàng của các doanh nghiệp, công ty do những nhà đầu tư có đầu óc kinh doanh giỏi đảm trách. Nhà nước không nên để mặc cho hàng triệu nông dân làm ăn manh mún.

HUỲNH KIM thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới