Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng để người dân lẻ loi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng để người dân lẻ loi

(TBKTSG) – Nếu như các cơ quan chức năng đã tốn không biết bao nhiêu công sức, khó khăn để đưa vụ việc xả nước thải trái phép của Vedan ra ánh sáng thì nhiệm vụ tiếp theo có ý nghĩa không kém phần quan trọng cả về pháp luật lẫn đạo lý là buộc công ty này phải khắc phục hậu quả do hành vi phạm pháp của họ gây ra.

Đến nay, đã có 5.000 – 6.000 đơn yêu cầu đòi bồi thường của bà con nông dân thuộc Đồng Nai, TPHCM và nếu được thụ lý thì có thể nói đây sẽ là vụ kiện lớn nhất trong lịch sử tố tụng dân sự tại nước ta. Trong trường hợp này, thẩm quyền giải quyết đối với thủ tục sơ thẩm thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện.

Có ý kiến cho rằng trong trường hợp cần thiết thậm chí có thể kiện Vedan ngay tại Đài Loan, nơi công ty mẹ của Vedan đóng trụ sở, sau đó yêu cầu công nhận bản án đó tại Việt Nam. Đây là một ý kiến thú vị cần được nghiên cứu, xem xét.

Như vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp không đến nỗi quá phức tạp nhưng điều đáng nói là quá trình thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại lại có nguy cơ bị đùn đẩy, rơi vào bế tắc. Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, gần 4.000 đơn yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại của bà con nông dân ở tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có ai nhận trách nhiệm giải quyết.

Người dân yêu cầu trực tiếp với Vedan thì bị né tránh, còn đơn gửi đến các tòa án huyện hoặc ủy ban nhân dân các cấp thì bị từ chối nhận. Việc tòa án không nhận đơn với lý do người khởi kiện chưa có đủ chứng cứ chứng minh bị thiệt hại, nếu đúng như Hội Nông dân cho biết, thì điều đó chẳng những không phù hợp về mặt pháp lý mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền khởi kiện vụ án dân sự đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004. Vả lại, đòi hỏi trên là vô lý bởi lẽ làm sao có thể bắt buộc đương sự phải chứng minh đầy đủ thiệt hại khi họ đang trong quá trình gửi đơn kiện và việc xét xử chưa xảy ra?

Ngoài ra, việc bắt buộc người dân phải gửi đơn đến Vedan, nơi đây giải quyết không thỏa đáng mới được kiện ra tòa cũng là cách hiểu gây ngộ nhận, khiến cho vụ việc càng phức tạp. Theo Luật Bảo vệ môi trường, để giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường, người dân có thể chọn một trong ba cách: tự thỏa thuận của các bên; yêu cầu trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án.

Điều đó có nghĩa không nhất thiết phải khiếu nại Vedan trước rồi mới được khởi kiện sau như một số ý kiến gây ngộ nhận mà có quyền kiện thẳng vụ việc ra tòa, nhất là khi các bên đã không tự hòa giải được với nhau để giải quyết.

Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường sẽ không đơn giản vì khi vụ án được thụ lý, bên khởi kiện phải thực hiện hàng loạt thủ tục về pháp lý cần thiết, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh thiệt hại; mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật của Công ty Vedan…

Trong khi đó, người khởi kiện phần lớn lại là bà con nông dân, kiến thức luật pháp cũng như điều kiện để theo đuổi vụ kiện của họ rất hạn chế. Vì vậy, việc Hội Nông dân trở thành đầu mối đại diện cho bà con nông dân trong vụ kiện này là điều cần thiết.

Nhưng hội sẽ rất khó thực hiện nhiệm vụ của mình nếu như cứ phải hành xử theo cơ chế “thông qua và xin ý kiến Tỉnh ủy mới có thể làm được” mà không được thực hiện trọn vẹn quyền hạn, trách nhiệm với tư cách là một đại diện ủy quyền trong vụ kiện. Hội cũng sẽ khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình nếu như không có sự hỗ trợ mạnh mẽ cả về vật chất lẫn tinh thần, trí tuệ từ phía xã hội, chẳng hạn sự góp sức của các luật sư, các nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường…

Chỉ riêng việc viết đơn khởi kiện, nếu chỉ tiêu mỗi ngày/một đơn thì với 5.000 – 6.000 trường hợp một văn phòng luật sư phải mất trên 10 năm mới có thể hoàn thành nhưng nếu có nhiều văn phòng, nhiều luật sư hợp lực trợ giúp thì chắc chắn công việc sẽ thúc đẩy nhanh hơn.

Trên thế giới, đã từng có những vụ kiện có hàng trăm luật sư “sắp hàng” xin được tham gia trợ giúp pháp lý và họ coi đây như một vinh dự vì bằng việc giúp đỡ những người yếu thế họ đang thực hiện thiên chức góp phần tạo lập, mang lại lẽ công bằng cho xã hội. Nhưng để đạt được lẽ công bằng nhanh hơn cả, ít tốn kém hơn cả, cách tốt nhất cho các bên có lẽ là bằng con đường hòa giải, thay vì phải đấu nhau tại tòa.

Trong trường hợp hòa giải thành, Công ty Vedan chấp nhận các yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì không chỉ bà con nông dân, xã hội mà ngay cả chính bên bị đơn cũng bớt đi gánh nặng về công sức, tiền bạc, thời gian… phải theo đuổi vụ kiện.

Thử hỏi, nếu 5.000 – 6.000 đơn kiện được thụ lý, Vedan sẽ phải xử lý như thế nào trước áp lực công việc khổng lồ ấy? Và rồi liệu Vedan có còn đủ uy tín để tồn tại trên thương trường? Ngược lại, nếu hành xử một cách có thiện chí, uy tín có thể lấy lại được và đây chính là cơ hội “vàng” để Vedan làm việc đó.

Nguyễn Tiến Tài – Trịnh Thanh (*)

(*) Văn phòng luật sư Người Nghèo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới