Đừng để nhà khoa học ở ngoài cuộc
TS. Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức)
![]() |
Minh họa: Khều. |
(TBKTSG) – Bỏ phiếu tại quốc hội là đặc trưng phổ quát của xã hội dân chủ, phủ quyết hay chấp thuận là chuyện bình thường. Việc này không phải là một cuộc chiến mang bản chất thắng thua, loại trừ lẫn nhau mà là đi tìm tiếng nói chung trên nguyên tắc đa số, vì lợi ích chung cho cả hai bên.
Với ý nghĩa đó, có thể kết luận, kết quả bỏ phiếu không thông qua dự án đường sắt cao tốc là thắng lợi không của riêng ai, mà là của cả đất nước. Vấn đề còn lại, là những câu hỏi nào cần đặt ra từ kết quả bỏ phiếu đó, để sau này với những cuộc bỏ phiếu tương tự, tiếng nói của đa số người dân sẽ được lắng nghe.
Đường sắt cao tốc là một tiến bộ khoa học kỹ thuật không còn mới lạ, đã được khẳng định bằng khoa học và qua thực tế thế giới ứng dụng, trên tất cả mọi phương diện. Bàn cãi thuần túy về nó không phải chức năng của Quốc hội mà là chức năng của các cơ quan khoa học. Đại biểu Quốc hội, không thể thay thế nhà khoa học, và càng không thể lấy trải nghiệm bản thân, thay cho khoa học.
Thực tế trên đòi hỏi Quốc hội cần có quy chế điều trần, thuê giám định khoa học đối với bất cứ vấn đề nào đưa ra bàn thảo. Phía giám định khoa học phải chịu trách nhiệm pháp lý với báo cáo khoa học của mình, để giải tỏa bất cứ ngờ vực nào của bất cứ đại biểu nào về mặt khoa học đối với bản thân vấn đề đó, trước khi biểu quyết; nếu chưa được thì phải dừng lại; đừng cố, bởi biểu quyết trong trường hợp đó sẽ mang tính chất may rủi nhiều hơn.
Chức năng của Quốc hội đối với dự án đường sắt cao tốc, rốt cuộc chỉ ở chỗ như một chủ nhân, quyết định dùng nó hay không, căn cứ vào lợi ích nó mang lại tính toán được, đối chiếu với đòi hỏi của thực tế, cân đối trong tổng thể thu chi tài chính quốc gia, thể hiện trên những con số. Bất cứ dự án nào cũng đều phải vậy, bởi nước nào tài lực dù mạnh đến mấy đều có giới hạn, chi khoản này thì buộc phải thôi khoản khác.
Để có được căn cứ đó cũng không thể không cần đến các công trình khoa học có phản biện. Ở các nước Âu Mỹ, đó là những báo cáo giám định khoa học độc lập. Đánh giá nền kinh tế và hoạch định chính sách hàng năm là chức năng của chính phủ Đức, họ có đầy đủ các ban bệ, cơ quan khoa học trực thuộc làm điều đó, nhưng Quốc hội Đức vẫn phải thuê 5 chuyên gia hàng đầu về kinh tế, trả thù lao tốn kém, đánh giá riêng để đối chứng. Quốc hội ta cần tham khảo cách làm đó, nếu không, sẽ không bao giờ có thể độc lập giám sát nổi Chính phủ.
“Tiền không phải là tất cả mọi thứ, nhưng không tiền mọi thứ đều không”, câu tục ngữ Đức đề cập đến vai trò đồng tiền này, đúng cho cả quốc gia. Chính vì vậy, nợ quốc gia như ở Đức luôn là nội dung hàng đầu trong tranh cử bầu đại biểu Quốc hội của các đảng phái, và để được Quốc hội thông qua, cần không biết bao kỳ họp, bảo vệ nó như bảo vệ luận án khoa học, trước phản biện của các đảng phái đối lập.
Không nên để tái diễn lại trường hợp dự án đường sắt cao tốc đã không có một báo cáo tài chính chi tiết thuyết phục nào, cân đối giữa đầu tư đường sắt cao tốc với đầu tư các hạng mục công trình thuộc bộ, ngành, nghề khác; giữa vay và hoàn nợ, trên cơ sở phân bổ ngân sách, tài chính, cho dù là chủ trương, để cả Quốc hội lẫn dân chúng quan tâm có được một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế quốc dân, kiểm tra xem có bền vững cân đối hay không.
Bất cứ quốc sách nào thành công đều cần đến cơ sở khoa học, và thực tiễn – cũng chính là thước đo của chân lý, nhưng sẽ thất bại nếu sử dụng nó như một công cụ có thể biến hóa phục vụ cho ý chí chủ quan, dù với động cơ tốt đẹp bao nhiêu. Khác với trước kia, thực tiễn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia, khó có thể dùng làm kiểm chứng, ngày nay thời đại của thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu, sử dụng thước đo quốc tế chứ không phải quốc gia, mọi chính sách đều có thể tham khảo tất cả các nước, theo bất cứ tiêu thức nào mình muốn. Đó chính là lợi thế mới, cơ hội cho các nước đi sau, học hỏi chọn lọc những thành công đã được các nước đi trước khẳng định, nhanh chóng đuổi kịp họ, không có bất cứ mưu mẹo nào khác thay thế được, để đi tắt đón đầu họ cả.
Những nhà khoa học, trong cũng như ngoài nước, khi có điều kiện luôn sẵn sàng cung cấp cơ sở thực tế nước ngoài cho bất cứ quốc sách nào Chính phủ, Quốc hội cần. Đừng để họ ngoài cuộc. Sự kiện phản biện có giá trị thuyết phục vừa qua đối với dự án đường sắt cao tốc của các nhà khoa học chính là cơ hội thực tế để Nhà nước có hành động hữu hiệu tập hợp họ theo chuyên môn khi có quốc sách đòi hỏi.