Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng để nước đến chân…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng để nước đến chân…

Xử lý rác điện tử-CNTT ngay trên vỉa hè ở chợ Nhật Tảo, TP.HCM. Ảnh: Tuấn Linh.

LTS.: Tác giả bài viết là một thạc sĩ ngành xây dựng, hiện đang điều hành một công ty chuyên về xây dựng và trang trí nội thất. Sử dụng máy tính và điện thoại di động để làm việc, với anh gần như là chuyện “áo mặc, cơm ăn” và chẳng bận tâm gì đến chuyện môi trường. Nhưng rồi, anh chợt giật mình nhận ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường mà mình cũng góp phần vào không nhỏ…

TBVTSG xin giới thiệu bài viết và cũng là lời tâm sự của anh.

Hai mươi năm sử dụng máy tính, mười năm xài điện thoại di động, người viết bài này đã “hóa kiếp” cho năm chiếc máy tính và không dưới mười chiếc điện thoại.

Đó là chưa kể những lần nâng cấp ổ cứng, đổi màn hình lớn hoặc thay pin điện thoại và lúc nào cũng có sẵn hai ba cục pin, vỏ máy để tiện sử dụng. Rồi sau này khi máy tính xách tay trở nên phổ biến và tiện dụng, tôi cũng không dưới một lần “chạy theo mốt”…

Số máy cũ, hỏng hóc đó, tôi thật tình chẳng biết chúng “đi đâu, về đâu” và cũng không mấy bận tâm đến việc chúng có thể gây hại cho môi trường sống như thế nào. Nhưng rồi tôi không thể bàng quan mãi.  

Đừng để quá muộn…  

Người viết bài này đã từng nhiều lần đến khu vực chợ Nhật Tảo – nơi tiếp nhận và xử lý các loại máy móc điện tử – CNTT đã qua sử dụng lớn nhất TPHCM và cả nước – mới thấy tình trạng ô nhiễm môi trường do loại rác thải này gây ra lớn đến mức nào.

Ở đây, hàng trăm hộ kinh doanh “vô tư” xử lý rác ngay trên vỉa hè, lòng đường với một quy trình hết sức thủ công và rất hiếm người được trang bị “bảo hộ lao động” tối thiểu (găng tay, khẩu trang…).  

Đành rằng, có thể “ở TPHCM/Việt Nam, gần như không có linh kiện điện tử nằm ở các bãi rác. Những năm gần đây, lượng thiết bị điện tử đã qua sử dụng được tái chế gần như toàn bộ”, vì những “công nhân Nhật Tảo” có “tay nghề cao” đã tận dụng, thu hồi, tái chế triệt để các chất độc hại có trong sản phẩm điện tử-CNTT; so với “bãi rác điện tử khổng lồ” Guiyu ở Quảng Đông (Trung Quốc) hay một vài nước châu Phi, mức độ ô nhiễm môi trường ở đây chưa đáng phải đưa vào “tình trạng báo động”, thế nhưng, có cá nhân hay cơ quan chức năng nào dám khẳng định những người này không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe khi xử lý loại rác đó hằng ngày? Và, môi trường sống của hàng ngàn cư dân ở khu vực này không bị ảnh hưởng bởi các loại khí, tro và kim loại độc hại được xả thẳng ra môi trường trong quá trình xử lý?  

Theo thống kê chưa chính thức, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 triệu máy tính để bàn và 1 triệu máy tính xách tay đang lưu hành. Trong lúc đó, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố trong sáu tháng đầu năm nay, tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam đã đạt con số 50 triệu và đến cuối năm nay đạt khoảng 65 triệu.

Vậy số lượng rác thải điện tử-CNTT ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng chắc chắn rằng con số này là không nhỏ và rất đáng để chúng ta phải quan tâm.  

Mới đây, UBND quận 10 đã có quyết định di dời chợ Nhật Tảo. Thế nhưng, việc di dời này chủ yếu là quy tụ các hộ kinh doanh linh kiện điện tử vào “nhà lồng” mới, chứ không thấy đề cập đến các hộ “xử lý, tận thu, tái chế” hàng điện tử-CNTT nói trên.  

Thật ra, việc ngăn cấm hoàn toàn các hộ gia đình hành nghề này là hoàn toàn không khả thi trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc quy hoạch một khu vực riêng biệt cho loại hình sản xuất-kinh doanh này để “khoanh vùng” và hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường là điều có thể thực hiện được.  

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp di dời các hộ gia đình nói trên ra ngoại thành, xa khu dân cư để hình thành một khu vực sản xuất tập trung, có thể xem như một kiểu “làng nghề truyền thống”. Bên cạnh đó, để được tiếp tục hành nghề, các hộ này cần phải chấp hành nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải…  

Tuy nhiên, giải pháp nói trên cũng chỉ mới giải quyết được “phần ngọn”. Cái gốc của vấn đề là trong 5-10 năm tới, chúng ta phải thành lập và phát triển những doanh nghiệp có quy mô, chuyên thu gom, xử lý và tái chế rác điện tử-CNTT.

Các doanh nghiệp này phải được trang bị những công nghệ tiên tiến, hiện đại để có thể xử lý toàn bộ những phế phẩm không còn sử dụng hay tái chế được. Và cũng chính những doanh nghiệp này sẽ là nơi tiếp nhận phần lớn “công nhân Nhật Tảo” khi điều kiện cho phép thực hiện việc xóa sổ “làng nghề” nói trên.  

Một vấn đề nữa mà người viết thiết nghĩ cũng rất quan trọng, đó chính là việc nhanh chóng xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh và khoa học để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý rác thải nguy hại (nói chung) và rác thải điện tử-CNTT (nói riêng).  

“Đã 33 năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có được bản Quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại”; và đến nay, “một số văn bản pháp luật phục vụ cho việc quản lý chất thải điện tử-CNTT cũng đang được soạn thảo” (theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM ) thì quả là đã quá muộn!  

Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng  

“Gắn trách nhiệm cho nhà sản xuất sẽ là một trong những giải pháp có tính khả thi cao nhất để góp phần giải quyết vấn đề rác thải điện tử-CNTT” (TBVTSG, ngày 10-11-2008). Điều này hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, khó mà áp dụng giải pháp này với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều máy tính thương hiệu Việt Nam được người tiêu dùng chấp nhận.  

Tuy nhiên, các thương hiệu này thực chất cũng chỉ là hàng lắp ráp từ linh kiện ngập ngoại, chứ chúng ta chưa thể tự sản xuất được. Thế nên, việc “các nhà sản xuất đưa chi phí quản lý rác thải vào giá thành, thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm” và “các nhà sản xuất buộc phải thiết kế sản phẩm sạch hơn bằng cách loại bớt các chất nguy hại, thay thế bằng các vật liệu an toàn hơn” là việc khó khả thi.  

Rất nhiều chuyên gia CNTT và môi trường đều nhất trí rằng, cách tốt nhất là yêu cầu nhà sản xuất phải nhận lại để tiêu hủy hoặc tái chế chính sản phẩm của mình. Điều đó có nghĩa là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng ban hành những quy định buộc các nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm do mình sản xuất đã hết thời hạn sử dụng, hư hỏng… Có thể thực hiện công việc này thông qua những chương trình khuyến mại “đổi máy cũ lấy máy mới”.  

Trong lúc đó, cần khuyến khích các nhà phân phối (chủ yếu là sản phẩm nước ngoài) buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải có cam kết hoặc ràng buộc về những điều khoản thu hồi sản phẩm cũ, hư hỏng của chính họ ở thị trường Việt Nam. Điều này không khó thực hiện, vì thực ra các tập đoàn có uy tín cũng rất có thiện chí trong vấn đề này. Cách đây không lâu, hãng sản xuất máy in Lexmark đã quyết định chi khoảng 70.000 đô-la Mỹ để hỗ trợ Digiworld – nhà phân phối sản phẩm Lexmark tại Việt Nam – thu hồi máy in cũ và hộp mực đã qua sử dụng để có kế hoạch tiêu hủy.  

Cuối cùng là nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sống của chính mình và cộng đồng. Mua sắm và sử dụng sản phẩm điện tử-CNTT một cách khoa học, tránh “chạy theo thời trang” (điều này là cực khó đối với lứa tuổi thanh niên và những người yêu thích công nghệ), lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp có trách nhiệm (thu hồi sản phẩm cũ)… cũng là cách góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.  

KIẾN PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới