Đừng ép con trẻ phải thành công
Hoàng Việt
(TBKTSG) – Cách đây không lâu, vụ hai học sinh rơi khỏi xe đưa đón chúng trên đường từ lớp học buổi sáng đến nhà cô chủ nhiệm (để ăn trưa và rồi để học thêm cho tới chiều tối) khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Không đơn giản là sự bất cẩn của người lái xe, tôi muốn nhìn sự việc từ khía cạnh sự bất cẩn của nền giáo dục.
![]() |
Giới trẻ đang chìm ngập trong văn hóa ám ảnh thành công. |
Vấn nạn dạy – học thêm chẳng phải vì giáo án trên lớp quá nặng, cũng chẳng phải do học sinh dốt, càng không phải tại giáo viên thiếu năng lực, mà là do cách nhìn sai lệch của nhiều người trong chúng ta về giáo dục. Cô thầy giáo cần có cả thành tích lẫn nguồn thu nhập thêm.
Phụ huynh học sinh thì vừa muốn con em mình thành công hơn người lại vừa muốn bớt thời gian chăm sóc, chuyện trò với chúng. Cuối cùng, lớp trẻ bị định hướng theo người lớn, chúng chẳng còn thời gian thư giãn thì nói gì đến phát triển kỹ năng và sáng tạo.
Giáo dục là để mở mang trí tuệ chứ không phải để nhồi nhét. Cách nay nhiều thập niên, các nhà giáo dục của chúng ta đã biết đến ý niệm về một nền giáo dục khai phóng nhằm kích thích bộ não phát triển để nhận thức, để sáng tạo và để giải quyết vấn đề. Nhưng nay, với việc áp đặt mục tiêu thành công, chúng ta đang trở lại với thời kỳ nhồi nhét từ chương.
Phương Tây đi trước phương Đông về giáo dục khai phóng. Nhưng từ hơn 10 năm trước, Singapore đã nổi tiếng về hệ thống giáo dục trung học, và trong những năm gần đây, các trường đại học tại đây chẳng những đã bắt kịp mà có khi còn qua mặt các đại học danh tiếng ở phương Tây. Mặc dù vậy, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, đảo quốc này đang vật lộn với thách thức thúc đẩy một chương trình giảng dạy sáng tạo hơn – khác với định hướng giáo dục thi cử, bao gồm cả việc giới thiệu các khóa học không có điểm số trong các trường học.
Ít nhất một phần mười số sinh viên được tuyển sinh vào các trường đại học bây giờ là dựa trên năng khiếu chứ không hoàn toàn dựa trên kết quả học tập. Họ đang theo mô hình giáo dục của phương Tây: ít chú trọng kiểm tra mà tập trung vào kỹ năng, công nghệ và giúp học sinh suy nghĩ linh hoạt để có thể thích nghi với môi trường thay đổi.
Ở các xã hội lấy bằng cấp, chức vụ và sự thành đạt làm thước đo giá trị, áp lực thành công đã xuất hiện sớm từ khi người ta còn ngồi trên ghế nhà trường, và rồi trở thành thứ văn hóa ám ảnh thành công (success-obsessed culture). Văn hóa này thể hiện rõ nét ở các nước Đông Á và Đông Nam Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam. Trong khi loại giá trị này thúc đẩy sự cạnh tranh thì nó cũng để lộ những mặt trái không thể sửa chữa, đặc biệt là làm gia tăng số người tự tử hàng năm, nhất là những người trẻ. Mức tự tử ở Hàn Quốc trong năm 2018 lên đến 24,7/100.000 người, và ở Nhật Bản là 16,16/100.000.
Xin đừng ép trẻ phải thành công theo định hướng của người lớn, bởi quan niệm thành công của chúng ta khác với lớp trẻ. Người trẻ ngày nay cần được thấy, được chứng minh chứ không phải chỉ nghe và hiểu, bởi chính họ là người đưa ra giải pháp cho các vấn đề. Họ cần được vào đời vui vẻ hơn, thậm chí thành công hơn. Thế kỷ 21 là thế kỷ của khởi nghiệp sáng tạo, và chỉ những trí óc mở ra mới có đủ năng lực làm chủ tương lai của mình.
Tài liệu tham khảo:
*https://theaseanpost.com/article/innovating-education-industry-40
*https://qz.com/work/1714750/south-koreas-government-is-trying-to-teach-people-how-to-fail/
*https://asia.nikkei.com/Opinion/Employers-must-help-cut-Japan-s-suicide-rate