Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dùng lạm phát để khắc phục lỗ hổng chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dùng lạm phát để khắc phục lỗ hổng chính sách

Nhều dự án đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Trong ảnh là cảnh thi công cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Lạm phát phi mã cũng là dịp tốt để khẳng định được tính đúng đắn của các chính sách kinh tế hiện hành. Một chính sách tốt không phải là không có sai lầm mà quan trọng là biết khả năng có thể mắc sai lầm để hạn chế những sai lầm đó có thể xảy ra.

Nhiều phân tích của các chuyên gia cho thấy lạm phát hiện nay làm bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập mang tính nội tại của nền kinh tế. Các báo cáo của Chính phủ gần đây cũng chỉ rõ những yếu kém, bất cập này và thừa nhận chúng xuất phát từ trong điều hành các chính sách và cân đối vĩ mô, thể hiện ở lĩnh vực tiền tệ và tài khóa, trong việc điều hành và quản lý giá cả, quản lý đất đai và thị trường bất động sản, trong hoạt động đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và những bất cập yếu kém của hệ thống quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đặt giả sử nếu như nền kinh tế không xảy ra lạm phát phi mã như trong thời gian qua thì liệu có những phê phán và tự phê phán thẳng thắn, nghiêm túc như vậy không. Chắc hẳn những hạn chế, yếu kém trên sẽ còn tiếp tục tồn tại, ngày qua ngày, chúng tiếp tục ẩn mình và tích tụ càng nhiều hơn vào mạch máu của nền kinh tế, và như một thứ cholesterol gây hại rồi đến một lúc nào đó sẽ làm bùng phát và gây ra những di chứng nặng nề khó lường hơn, đau đớn hơn cho cơ thể kinh tế Việt Nam.

Không phải sớm nhưng cũng không quá muộn khi Chính phủ nhận thức rõ điều này và đúc rút những bài học hết sức ý nghĩa về mặt quản lý kinh tế và chính sách.

Hệ thống tám nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững do Chính phủ đề ra vào trung tuần tháng 4-2008 thể hiện quyết tâm cao của những nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong công cuộc chống lạm phát.

Các nhóm giải pháp đó không những được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao về mặt chính sách mà điều quan trọng hơn chúng nhận được sự đồng thuận rộng rãi của người dân và đây là yếu tố có tính then chốt đảm bảo cho sự thành công của chính sách.

Qua hơn sáu tháng triển khai các giải pháp này, bước đầu lạm phát có dấu hiệu suy giảm. Đó là một tín hiệu đáng mừng không chỉ về mặt hiệu quả của chính sách mà còn là hiệu lực trong quá trình hoạch định và thực thi, chỉ đạo và điều hành chính sách.

Trong hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô thì chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa luôn giữ vị trí trung tâm trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Nhưng lạm phát thời gian qua đã làm lộ rõ không ít những yếu kém trong không chỉ năng lực điều hành chính sách mà còn là cơ chế phối tác giữa hai chính sách này.

Về chính sách tiền tệ, như nhiều phân tích cho thấy, việc nới lỏng chính sách trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính gây nên lạm phát. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi lạm phát xảy ra thì chính sách tiền tệ đã tỏ ra quá bị động trong đối phó.

Điều này một mặt là do hệ thống các công cụ của chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở… bị trơ cứng trong thời gian dài không được sử dụng nay tỏ ra kém hiệu lực trước mục tiêu kiểm soát lạm phát. Mặt khác, với mô hình trực thuộc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khó để có thể thực thi một chính sách tiền tệ độc lập với các mục tiêu chính sách khác của Chính phủ.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, chính sách tiền tệ từ thế bị động nay đã chuyển sang thế chủ động và linh hoạt hơn trong việc ứng phó với lạm phát. Các công cụ của chính sách tiền tệ đã được NHNN sử dụng có quy tắc và dựa trên các tín hiệu của thị trường chứ không còn mang tính tùy nghi.

Một trong những cải cách về mặt công cụ mà NHNN đang hướng đến là cơ chế lãi suất mục tiêu theo mô hình của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù NHNN còn nhiều việc phải làm để có thể đưa cơ chế lãi suất mục tiêu này sớm trở thành một công cụ chính sách thực sự nhưng những gì NHNN đang làm là một hướng đi đúng về mặt chính sách phù hợp với xu thế các nước.

Đối với chính sách tài khóa, tình trạng bội chi ngân sách liên tục trong nhiều năm không được khắc phục được Quốc hội mổ xẻ là một trong những nguyên nhân của lạm phát hiện nay. Quan trọng hơn, chi đầu tư từ khu vực nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nhưng hiệu quả thấp.

Tình trạng lãng phí, thất thoát, không hiệu quả trong chi tiêu và đầu tư công, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ bản, là vấn đề lớn của chính sách ngân sách. Quyết định cắt giảm chi tiêu và đầu tư công một cách có chọn lọc mà Chính phủ đang thực hiện là một tín hiệu tốt cho tăng trưởng bền vững hay ít ra cũng làm cho vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng có ý thức hơn, không dễ tùy tiện.

Không ai định nghĩa một chính sách tài khóa mạnh là không thâm hụt, nhưng một chính sách với cơ cấu thu chi hợp lý, có tính minh bạch cao và có hệ thống giám sát tài chính tốt là những đòi hỏi cơ bản của một chính sách tài khóa mạnh. Hệ thống giám sát tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính tuân thủ luật pháp, qua đó đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực. Một hệ thống giám sát đủ hiệu lực còn có khả năng ngăn ngừa và chặn đứng khả năng tham ô, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Lạm phát cho thấy sự dễ dãi và tùy tiện trong chi tiêu và đầu tư công là hệ quả của hệ thống giám sát tài chính có quá nhiều yếu kém và bất cập. Đó là một hệ thống lỏng lẻo về thể chế, hoạt động có tính cục bộ, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu công cụ giám sát và chế tài. Hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính nhà nước là một yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch hơn trong các hoạt động tài chính nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao tính đồng bộ trong việc hoạch định và thực thi các chính sách, đặc biệt là giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng là một bài học quan trọng khác làm cho các chính sách đó trở nên hiệu quả hơn. Tám nhóm giải pháp của Chính phủ phát huy hiệu quả một phần không nhỏ là nhờ tính đồng bộ của chúng. Nếu thiếu sự đồng bộ đó thì có khả năng sẽ xảy ra cái gọi là sự “vô hiệu hóa”. Khi ấy không những mục tiêu của mỗi chính sách có thể không đạt được như mong muốn mà còn tạo ra những hệ quả không tốt cho tăng trưởng hay thậm chí có thể làm trầm trọng hơn vấn đề chính sách.

Tóm lại, đánh giá một hệ thống chính sách kinh tế tốt không chỉ nhìn ở khía cạnh tạo ra tăng trưởng kinh tế mà còn ở khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát, thất nghiệp, suy thoái hay khủng hoảng. Lạm phát phi mã cũng là dịp tốt để khẳng định được tính đúng đắn của các chính sách kinh tế hiện hành. Một chính sách tốt không phải là không có sai lầm mà quan trọng là biết khả năng có thể mắc sai lầm để hạn chế những sai lầm đó có thể xảy ra.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới