Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dùng phần mềm lậu sẽ khó xuất hàng vào Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dùng phần mềm lậu sẽ khó xuất hàng vào Mỹ

Thu Hiền

Dùng phần mềm lậu sẽ khó xuất hàng vào Mỹ
Ông Nguyễn Mạnh Quý (trái), tưởng văn phòng đại diện Cục Bản Quyền tác giả tại TP.HCM trao biển khuyến cáo chống dùng phần mềm vi phạm bản quyền cho đại diện hệ thống bán lẻ Phong Vũ. Ảnh: Hoa Phạm.

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó tại thị trường Mỹ sau khi đạo luật mới về chống cạnh tranh bất bình đẳng (UCA) liên quan đến việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thông qua hồi tháng 6 năm nay.

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ có thể bị khởi kiện nếu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin bất hợp pháp trong quá trình sản xuất, phân phối, tiếp thị và bán hàng hóa đó.

Về cơ bản, luật này được ban hành nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp ở nước ngoài, bằng cách gây sức ép lên các nhà phân phối tại Mỹ để họ yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước thứ ba chấm dứt ngay việc sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Một khi nhà xuất khẩu bị phát hiện vi phạm thì họ phải đền bù thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh sử dụng phần mềm có bản quyền với giá trị thiệt hại thực tế, bị cấm bán hàng hóa tại các bang đang áp dụng đạo luật này, bị tịch thu hàng hóa… Thậm chí, có thể xảy ra tranh chấp tại tòa với phán quyết đền bù thiệt hại gấp ba lần so với thực tế.

Hiện, luật này mới chỉ có hiệu lực tại hai bang Washington và Louisiana.

Phát biểu tại cuộc hội thảo “Quản trị tài sản phầm mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” tại TPHCM hôm 12-10, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công Thương), cho rằng đây là một công cụ bảo hộ khá hữu hiệu ở các nước phát triển nhằm áp đặt nhiều hàng rào kỹ thuật lên các nhà xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Theo ông Phú, trong ngắn hạn đạo luật này sẽ tạo nên nhiều rào cản cho hàng hóa Việt Nam đến Mỹ. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải xuất trình chứng nhận việc họ có sử dụng các phần mềm hợp pháp trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của đạo luật trên họ sẽ gặp nguy cơ bị cấm hoặc gặp khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm của mình vào hai bang kể trên.

Ngoài ra, khi phải mua bản quyền phầm mềm nhiều sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và giá bán hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ. Điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong dài hạn, đạo luật này cũng làm tăng nguy cơ áp thuế chống bán phá giá, vì khi cơ quan điều tra tại Mỹ cộng thêm chi phí thực tế mua bản quyền phần mềm vào chi phí sản xuất để tính biên độ phá giá, làm cho biên độ phá giá tăng.

“Hiện, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, nên các nhà nhập khẩu trong đó có Mỹ sẽ sử dụng các nền kinh tế tương đương có tính tham chiếu như Ấn Độ, Banglades hay Philippines để tính chi phí thực tế mua bản quyền phần mềm. Điều này là bất lợi cho phía Việt Nam khi mà tỷ lệ vi phạm bản quyền ở các nền kinh tế nói trên tương đối cao,” ông Phú nói.

Để tránh bị khiếu kiện về vi phạm bản quyền phần mềm khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, Cục quản lý cạnh tranh và Cục Sở hữu trí tuệ khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu da giày, may mặc và đồ gỗ, cần rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin của mình. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức sử dụng phần mềm có bản quyền trong từng khâu sản xuất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới