Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng quá nặng về tên gọi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng quá nặng về tên gọi

(TBKTSG) – Một trong những vấn đề được giới chuyên môn thảo luận nhiều tại Hội thảo góp ý Dự luật Quy hoạch đô thị là: có nên có chức danh kiến trúc sư trưởng (KTST)? Hội thảo do trường Đại học Kiến trúc TPHCM và Hội Kiến trúc sư (KTS) TPHCM tổ chức hôm 23-3-2009.

Tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi: Có cần thiết đưa chức danh KTST thành phố vào Dự luật Quy hoạch đô thị? Theo bà Thảo, đây là vấn đề cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc trước khi dự luật được thông qua.

KTS. Nguyễn Hồng Việt nêu câu hỏi: Hiện nay, trên thế giới có nước nào còn tồn tại chức danh KTST? Hà Nội và TPHCM đã từng có KTST nhưng hoạt động không hiệu quả. Vậy vì sao chúng ta lại “dựng dậy” một chức danh đã “chết”? Hơn nữa, vai trò của KTST quy định trong dự luật rất chung chung. “Nếu quy định như thế thì không ai có đủ trình độ để làm KTST cả”, ông Việt nói.

Vì vậy, để chức danh KTST không hữu danh vô thực, cần phải có những quy định cụ thể vai trò của KTST; đồng thời phải có một hành lang pháp lý rõ ràng để KTST cũng như lãnh đạo thành phố tuân theo. Theo KTS. Lê Văn Năm, nguyên KTST TPHCM, đừng quá nặng về từ KTST.

Nếu KTST là người căn cứ theo luật để quyết định các vấn đề liên quan đến quy hoạch kiến trúc, thì ở nước nào cũng cần người này, vấn đề khác nhau chỉ là tên gọi mà thôi.Nhưng để cho KTST hay người kiến tạo diện mạo thành phố hoạt động có hiệu quả thì trong Luật Quy hoạch đô thị phải quy định rõ ràng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của KTST. Điều này theo KTS. Nguyễn Hồng Việt là cực kỳ khó với cơ chế như hiện nay.

Theo KTS. Lê Văn Năm, nếu nói KTST đứng trên chính quyền là không đúng. KTST là người giúp chính quyền trong lĩnh vực chuyên môn. KTST có thể là người đứng đầu một cơ quan thực hiện những công việc của cả Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng hiện nay. Ông Năm cho rằng, đã đưa chức danh KTST vào Luật Quy hoạch đô thị thì vấn đề là luật phải làm sao tạo điều kiện cho họ hoạt động hiệu quả, tránh chịu tác động bởi các “bản quy hoạch miệng” của các vị lãnh đạo.

Từng giữ chức KTST, ông Năm cho rằng mắc mứu của người làm quy hoạch không phải là chuyên môn mà là thể chế. Ông tâm sự: “Quy hoạch tác động đến đời sống nhân dân ghê lắm. Đụng chạm kinh hoàng lắm. Mà làm tới đâu, đụng tới đó! Muốn làm cho thành phố đẹp không dễ. Nhiều khi muốn mở một con đường cho đẹp khu phố nhưng gặp nhà của quan chức, phải quẹo”.

Ông Năm cho rằng, bộ máy quản lý chúng ta hiện nay quá “phức tạp”. Nhiều khi thực hiện đồ án quy hoạch làm nửa chừng nhưng lãnh đạo “hết nhiệm kỳ” coi như việc triển khai quy hoạch đó phải dừng lại. Vì vậy, ông mong muốn Luật Quy hoạch đô thị sớm được ban hành để có một hành lang pháp lý cho người làm công tác quy hoạch – kiến trúc đóng góp hiệu quả vào việc phát triển và làm đẹp đô thị.

ĐÁ BÀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới