Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng rằng hết gạo chạy rông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng rằng hết gạo chạy rông

Bảo Ninh

(TBKTSG) – Tuổi của tôi tử vi có cung nô thậm tốt nên từ thuở học trò đã đông bạn và đến giờ vẫn giữ bền được quan hệ với hầu hết. Mà các bạn của tôi hầu hết đã rất thành công trong đời.

Nhiều người làm lớn. Không cực lớn, nhưng cũng vài anh cỡ đầu tỉnh, chóp bu cấp huyện thì cả tá. Không mạnh hoạn lộ cũng phát đường doanh thương hay là cao sang về học vị. Các bạn nữ cũng đa phần như vậy.

Đại khái là nhờ bạn mà những khi hội trường hội lớp tôi đều được bước chân vào dinh thự của một Bộ hoặc một Ủy ban tỉnh, với huynh đệ tấp nập xe hơi biển xanh biển đỏ tới dự. Phải nói là hiếm có lứa học trò nào thành đạt được như thế hệ các bạn tôi.

Cố nhiên, tôi biết, để được như vậy các bạn của tôi đã phải phấn đấu và cống hiến rất nhiều, nhưng mà tôi cũng biết là họ đã vô cùng gặp may. Mà cái may mắn hàng đầu – ấy là họ đã trải qua tuổi học trò vào những năm 60 thế kỷ trước.

Nếu không gặp được thời ấy thì các bạn của tôi khó lòng tiến bộ được đến vậy. Bởi lẽ hầu hết họ là con em nông dân, và là nông dân ở một vùng quê mà vào thời thực dân phong kiến đã phận dân đen thì sẽ cứ mãi đời nối đời thất học. Thế nhưng vào những năm 1960 ấy, ở miền quê đói nghèo và lưu niên mù chữ đó nói riêng cũng như nói chung toàn bộ nông thôn miền Bắc, mặc dù đang thời chiến, song con em nông dân lại đã được học hành rất tử tế.

Nghe có vẻ bình thường mà thật sự là rất phi thường. Tất cả thanh thiếu niên nông thôn đang độ tuổi đi học thì đều đi học, bất kể gia cảnh thế nào. Trong mọi thôn xóm tôi đã từng sơ tán về, các bạn của tôi tất cả đều học lên tới hết cấp hai. Còn ai đã vào được cấp ba thì đều đèn sách cho tới chí ít là đến khi thi tốt nghiệp.

Hình ảnh một nông thôn được học hành đàng hoàng tử tế tôi còn được thấy rõ ở trong quân ngũ. Đơn vị tôi từ thuở ban đầu vào chiến trường, qua nhiều đợt bổ sung, lúc nào quân số cũng chín mươi phần trăm là con em nông dân, đồng thời cũng luôn luôn trăm phần trăm trình độ văn hóa từ hết cấp hai trở lên. Đặc biệt, đến chiến dịch mùa khô 1972, trung đoàn chúng tôi nhận một đợt tân binh mà tất cả đều đang là sinh viên. Và tất cả cũng đều con nhà nông, quê Thanh Nghệ Tĩnh.

Ngày nay nhiều người trong số họ đã rất vinh hiển, tuy nhiên thời chân đất áo vá cắp sách tới trường họ chuyên tâm học hành không phải để vinh thân. Họ học vì đất nước. Mà đất nước cũng khẩn thiết cần đến sự có học hành thành tài của con em nông dân. Bởi không chỉ sức lực, vật lực mà cả kiến thức và trí tuệ của nông thôn cũng là một trong những nguồn nội lực lớn lao cứu nguy cho Tổ Quốc trong những năm nước sôi lửa bỏng ấy. Mặt khác, việc con em nông dân được học hành chu đáo cũng minh chứng cho lẽ công bằng xã hội của thời đó. Cơm no áo ấm chưa có được vì vướng giặc ngoại xâm, nhưng nhờ lớp trẻ đã có được chữ nghĩa mà nông thôn vẫn bừng sáng hẳn lên.

Bản thân tôi nhờ những năm đi học sơ tán và đời bộ đội mà đã nhận thức ra được một lẽ đời giản dị, rằng đất nước tồn tại được là nhờ nông dân, nhờ đồng ruộng, núi rừng, sông suối. Nếu không được sự ủng hộ bằng công sức, bằng máu xương cùng trí tuệ của nông dân, không có những miền quê vựa lúa bao bọc thì mọi sự nghiệp với cơ đồ dù to tát tày trời rồi cũng bất thành và bất kể là ai, tài thánh cỡ nào rồi cũng sẽ phải hết gạo chạy rông mà thôi.

Nhưng thật ra đâu cần phải qua những thử thách của chiến tranh mới thấy sự thật ấy. “Nhất sĩ nhì nông – hết gạo chạy rông – nhất nông nhì sĩ”. Cái lẽ hiển nhiên đó, hồi trước chiến tranh, sĩ tử ở Hà Nội được giáo dục thường xuyên, và không chỉ qua sách vở. Như lứa chúng tôi, từ lớp Năm, 12 tuổi, mà mỗi năm hai vụ gặt nhà trường đều cho về lao động ở hợp tác xã. Trò cấp hai ba ngày, cấp ba thì cả nửa tháng, gặt, gánh, đập lúa, phơi thóc, cắt rơm, xén rạ. Làm tất. Làm lụng như vậy cùng bà con nông dân chúng tôi được thực tiễn dạy cho mà thấu một cách sống động cái đạo lý nền tảng có thực mới vực được đạo của đời sống con người và nhớ được nằm lòng rằng nhờ đồng lúa mới có phố xá Hà Thành, hay nói rộng ra mới có nước Việt Nam độc lập tự do, dân chủ cộng hòa. * * *

Tuy nhiên, có thực mới vực được đạo, sự ấy ai mà không biết, cũng tựa như ai mà không biết phải có khí trời để thở mới sống được. Do vậy, vì quá hiển nhiên, nên cái chân lý nặng như núi ấy về hạt gạo và mồ hôi nước mắt của nông dân lại thường trở nên nhẹ hều và vô nghĩa lý một khi con người ta ngày nào cũng được ăn no chén đẫy.

Có thực mới vực được đạo, nhưng ngày nay dường như thực càng đầy thì đạo càng vơi. Chìm lún trong dư thừa, nhiều lớp người trong xã hội mà nhất là ở thành thị, như đã khô kiệt dần đi niềm tri ân đối với ân tình và ơn nghĩa sâu nặng của các miền quê. Xuất thân từ nông thôn nhưng do quá tôn thờ lối sống thị dân trưởng giả mà biết bao người đã sớm để cho những thói tật cố hữu của lối sống ấy lấn át mất bản tính tốt đẹp của người nông dân vốn có trong con người mình. Đồng thời cũng làm hư hoại đi những đức tính và phẩm giá từng làm cho người Hà Nội thành thị được người dân quê ở mọi miền thương mến và quý trọng.

Thú thực là xưa giờ tôi không cách sao ưa được cái câu “không thơm cũng thể hoa nhài…”. Nhất là vào dịp lễ lạt mới rồi, vừa đi từ trong Trung mênh mông nước lụt trở ra, tôi thật sự ù tai choáng đầu bởi cái câu vè khệnh khạng vỗ ngực ta đây người Tràng An ấy cứ oang oang dội xuống từ các loa phường.

Và cũng thú thực là tôi không hiểu nổi tại sao càng ngày càng có nhiều người tự giới thiệu: “Tôi, Hà Nội gốc!”. Vì sao họ không xưng, chẳng hạn: “Tôi, người nhà quê!”, mặc dù rõ ràng hiện thời nếu không tất cả thì cũng già nửa những người hộ tịch Hà Nội đều cũng như tôi: Quảng Bình gốc, Thanh Hóa gốc, Yên Bái gốc, Ninh Bình gốc…

Ở xứ mô không biết chứ ở ta, có ai, là quan chức, là doanh nhân, giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo… dẫu dù nhà cao cửa rộng chốn đô thành mà không vốn là một nông dân, hoặc là con, là cháu của một nông dân. Vậy tại sao ở ta khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị lại cứ ngày một rộng hoác ra như vậy?

Tôi có anh bạn học hiện làm quan to Sở Giáo dục ở tỉnh quê nhà anh. Mới đây họp lớp được bạn bè hỏi tại sao số học sinh phải bỏ học ở tỉnh anh lại nhiều đến vậy, anh bảo, mọi miền quê đều tình trạng đó chứ riêng gì quê ai. Giải thích dài dòng, song đại để ý anh là, trẻ em nhà quê mà leo nổi được hết lớp này lên lớp nọ mới lạ, chứ phải từ bỏ chữ nghĩa để về mà quét lá đa là lẽ đời muôn thuở của phận người nghèo!

Tự nhiên tôi nhớ tới túp nhà mái tranh vách đất ngày xưa của gia đình anh và con đường đồng xa ngái anh vẫn ngày ngày chân đất tới trường. Phải chăng chính nhờ ngày xưa quê nhà nghèo khổ mà anh đã học được thành tài. Và nhờ vậy nên ngày nay nền giáo dục quê nhà mới có được kiến thức của anh.

Nghĩ về tài trí của người nông dân nghèo, nguồn nội lực lớn lao của đất nước, tôi không thể không nhớ đến một câu chuyện nho nhỏ ở chung cư của tôi. Hồi đó, nơi gầm cầu thang nhà B5 có hai đứa bé hành khất thường trú. Đứa lớn chừng 12, 13 cõng đứa nhỏ chừng 6, 7 tuổi. Ban ngày vạ vật xó chợ, buổi tối chúng về đó. Bỗng dưng bẵng đi, hai đứa không bén mảng ra chợ, cứ ở lỳ hốc cầu thang. Nhưng lạ là không chịu đi xin mà chúng lại cơm ăn đều đều. Mãi sau thiên hạ mới hiểu ra. Ấy là do thằng anh đã mở được lớp “dạy thêm” cho bọn trẻ ở chung cư. Không chỉ những đứa học cấp 1 mà cả đang đầu cấp 2 đã chung tiền quà sáng thuê thằng nhỏ hành khất giảng và giải bài tập toán cho chúng. Toán cấp 1 và toán lớp 6, lớp 7!

Năm tháng trôi qua, lũ nhóc chung cư ngày đó đều đã thấp nhất cũng cử nhân cả rồi. Thằng bé kia thì sau khi kiến thức đã không còn đủ để làm thầy con nhà người ta nữa, lại cõng em ra chợ. Chẳng biết bây giờ hai anh em anh ta đời đã ra thế nào rồi? Tôi thầm tự hỏi.

* * *

Song, thầm tự hỏi hay là hỏi to lên cũng chẳng để làm chi. Sự đời hôm nay mà thế hệ chúng tôi đã từng góp phần rất lớn làm nên, nó đã như thế này thì hy vọng là nó sẽ cứ như thế. Thế hệ chúng tôi đã an bài cuộc sống tất nhiên chúng tôi mong đời sống thế gian cũng cứ vậy yên ổn mà an bài. Vả chăng, ru rú chốn thị thành, đứng ở trên nóc tum nhà mình nhìn quanh ít nhiều cũng thấy hài lòng. Dù sao đi nữa đời sống hôm nay cũng khấm khá so với thời bao cấp và tất nhiên là hơn hẳn thời “chị Dậu tắt đèn”.

Song, nhắm mắt lắng lòng cho khuây đi tất tật là điều chẳng dễ. Vẫn cứ luôn phấp phỏng, nửa mừng nửa lo. Mà đầu bảng là nỗi lo hết gạo chạy rông. Nỗi lo ấy vẫn khiến chúng tôi không dám mạnh bạo tin rằng, chẳng hạn, làm giàu là yêu nước. Khuyên nhủ con cái, chúng tôi vẫn cứ phải nói thêm rằng: chịu khó học hành khai trí và tích cực lao động để làm giàu, là yêu nước.

Và có lẽ do nền giáo dục được tiếp thu từ bé, do kinh nghiệm sống những năm gian khổ thời chiến nên chúng tôi vẫn thấy thót tim trước cảnh tượng những đồng lúa mênh mông được san lấp để làm khu chế xuất, làm xa lộ, làm vùng biệt thự cao cấp, làm sân gôn… Dù đã được người ta nói cho biết rằng qui ra tiền thì đồng lúa không là cái gì hết so với những thứ kia, mà vẫn cứ thấy sợ.

Muốn hùng cường, thì núi cần phải cho nổ để lấy đá. Rừng cần phải đốn để lấy gỗ. Bờ biển cần phải ngăn chia và quây tường bao đặng phát triển du lịch. Biết rõ vậy mà vẫn sợ. Sợ hết gạo chạy rông, nỗi sợ muôn đời, đã thành thâm căn cố đế. Con sông Hồng cuồn cuộn tiềm tàng bao tai họa vào mùa lũ từng làm chúng tôi khiếp sợ như cha ông đã từng khiếp sợ cả ngàn năm qua song lại không khiến chúng tôi kinh hãi cho bằng con sông Hồng ngày nay đã được người ta chế ngự để chỉ còn là một dòng nước lờ đờ ủ ê trôi trong những mùa khô.

Cũng biết đấy là nỗi sợ rất lạc hậu và lạc thời, nỗi sợ do thiếu tầm nhìn kinh tế, hoặc như nhiều người nói đấy là một thứ hoang mang không có cơ sở pháp lý, vậy mà vẫn cứ sợ, thậm chí càng năm càng thấy sợ hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới