Thứ Sáu, 24/03/2023, 09:33
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đừng rút nhầm bài học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng rút nhầm bài học

Vân Cầm thực hiện

TS. Jonathan Pincus.

(TBKTSG) – Dùng những chủ đề chính của hội nghị “Nhận dạng những thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam”, TBKTSG phỏng vấn TS. Jonathan Pincus, Giám đốc đào tạo Chương trình Việt Nam, trường Quản lý Kennedy, Đại học Harvard, một trong những diễn giả tại hội nghị.

TBKTSG: Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động như thế nào đến các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam? Và tình hình cập nhật đến nay ra sao?

TS. JONATHAN PINCUS: Cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay là sâu rộng nhất trong 60 năm qua. Chúng ta không nên đánh giá thấp sự nghiêm trọng của tình hình do suy thoái đồng thời ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gây ra. Các nước Đông Á không gây nên cơn suy thoái này, theo nghĩa các ngân hàng châu Á không hứng chịu quá nặng các loại chứng khoán cầm cố và sản phẩm phái sinh “hoán đổi vi ước tín dụng” đã làm sụp đổ nhiều thể chế tài chính lớn ở Mỹ và châu Âu. Tác động lan đến châu Á chủ yếu là tác động gián tiếp, hay nói cách khác là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu châu Á bị giảm sút, đầu tư vào lục địa này thấp hơn và giá trị tài sản vốn bị tụt dốc.

Bởi các tổ chức tài chính châu Á hầu hết là lành mạnh nên sự phục hồi của châu Á sẽ tương đối nhanh hơn một khi tình hình tín dụng và thị trường xuất khẩu trở nên bình thường. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ có thể điều tiết tác động khủng hoảng bằng cách đẩy mạnh cầu nội địa thông qua các gói kích cầu tài khóa.

Đây không phải là lựa chọn cho các nền kinh tế nhỏ do phải nhập khẩu một tỷ lệ lớn hàng tiêu dùng. Dù sao đây là một cuộc suy thoái nghiêm trọng; việc phục hồi sẽ không vững chắc chừng nào các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu chưa được cấp vốn đầy đủ và thị trường tín dụng toàn cầu ổn định trở lại. Làm được điều đó, người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới tiêu xài trở lại. Điều này không dễ xảy ra trong vài tuần hay thậm chí vài tháng.

– Bài học rút ra cho các nước châu Á là gì? Liệu mô hình hướng về xuất khẩu có bền vững?

– Đặc điểm lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu từ năm 1990 trở đi là nhịp độ và chiều sâu của toàn cầu hóa. Các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và ngay cả lao động đã đan chéo vào nhau hơn bao giờ hết. Hệ thống sản xuất ngày càng mang tính toàn cầu ở chỗ sản phẩm đầu cuối bao gồm những linh kiện sản xuất ở nhiều nước, thường cách xa nhau về mặt địa lý.

Với một hệ thống như vậy, khó lòng nói đến chuyện “tách bạch” được. Dù muốn dù không, nền kinh tế toàn cầu ngày càng hoạt động như một hệ thống duy nhất. Khi một bộ phận lớn của hệ thống này trục trặc, cả bộ máy sẽ ngừng trệ. Vì khó khăn mang tính toàn cầu nên giải pháp cũng phải mang tính toàn cầu. Sẽ rất khó cho châu Á thiết kế giải pháp cho riêng châu Á. Dĩ nhiên, các nước lớn có thể kích thích tiêu dùng trong nước và ít dựa vào xuất khẩu hơn nhưng ngay cả nước lớn như Trung Quốc cũng cần xuất khẩu để kiếm ngoại tệ dùng vào việc mua sắm công nghệ và nguyên liệu đầu vào không sản xuất được trong nước. Tách mình khỏi giao thương quốc tế không phải là lời giải.

Một trong những mối nguy lớn trong bối cảnh hiện nay là người ta có thể rút ra bài học sai từ cuộc suy thoái. Suy thoái xảy ra không phải vì các nước giao thương quá nhiều. Khủng hoảng là kết quả trực tiếp của các “phát minh” tài chính cho phép ngân hàng, quỹ đầu cơ và các tổ chức khác cá cược một cách đầy rủi ro, làm bất ổn toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Bài học đúng đắn cần rút ra là thị trường tài chính có bản chất đầy rủi ro, việc tự do hóa tài chính hoàn toàn là điều bất khả bởi sự sụp đổ của từng định chế sẽ tạo ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới.

Các nước như Việt Nam, vẫn còn ở giai đoạn đầu của phát triển, không nên lẩn tránh việc hội nhập vì cuộc khủng hoảng này. Việt Nam đã chứng tỏ trong hơn hai thập niên qua rằng tham gia vào thương mại toàn cầu là động lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển. Nếu không có giao thương quốc tế, nền kinh tế Việt Nam ắt đã phát triển chậm hơn nhiều. Bài học ở đây là xem thị trường tài chính khác với thị trường hàng hóa và dịch vụ. Thị trường tài chính cần được quản lý và giám sát để bảo đảm các “phát minh” tài chính không tạo ra rủi ro mang tính hệ thống trên thị trường nội địa có thể dẫn đến khủng hoảng hay suy thoái trong nước.

– Người ta cũng đã nói đến việc chuyển dịch sức mạnh kinh tế toàn cầu. Theo ông, Trung Quốc sẽ đóng vai trò như thế nào?

– Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một sức mạnh kinh tế toàn cầu tạo ra cơ hội và thách thức cho các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam. Một mặt, tốc độ tăng trưởng và quy mô thị trường nội địa của Trung Quốc tạo ra cơ hội xuất khẩu cho Đông Nam Á. Trung Quốc cần tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam Á và hy vọng cả hàng công nghiệp khi mức thu nhập ở Trung Quốc tăng lên. Mặt khác, quy mô sản xuất của Trung Quốc giúp các doanh nghiệp nước này chịu chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh ở Đông Nam Á nên dễ nhận ra áp lực bị tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ.

Việc Trung Quốc tham gia hầu hết các thị trường xuất khẩu đe dọa khép lại cơ hội chen chân cho các nước Đông Nam Á. Các nước này phải tập trung vào việc phát triển năng lực công nghệ để cạnh tranh có hiệu quả hơn với Trung Quốc và phải bổ sung lợi thế so sánh về xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên bằng tri thức và kỹ năng ở nhiều ngành cụ thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới