Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng tiếp tục phụ thuộc vào tài nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng tiếp tục phụ thuộc vào tài nguyên

Việt Nguyễn thực hiện

Ông Phạm Quang Tú.

(TBKTSG) – TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, có trụ sở tại Hà Nội về các vấn đề liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản.

TBKTSG: Theo ông, thời gian qua ngành khai thác khoáng sản đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước?

Ông Phạm Quang Tú: Ngành khai thác tài nguyên khoáng sản đã ít nhiều có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt hai ngành dầu khí và than đã đóng góp vào GDP khoảng 8%, một trong những nguồn lực phát triển trong giai đoạn vừa qua.

TBKTSG: Nhưng rõ ràng, việc khai thác quá mức tài nguyên khoáng sản cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường, xã hội. Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đòi hỏi phải có một chiến lược như thế nào?

– Theo tôi, trước tiên cần định vị lại ngành khoáng sản trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Trong những năm qua, khi đất nước cần có một lực đẩy để phát triển thì sự đóng góp của ngành này là rất cần thiết. Nhưng hiện nay, khi Việt Nam đã đạt đến ngưỡng là nước có thu nhập trung bình, thì cần phải có chiến lược mới, không nên quá phụ thuộc vào tài nguyên nữa. Thay vào đó, cần phải tối đa hóa giá trị đóng góp của lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tránh xuất khẩu dưới dạng thô, mà nên tăng cường các giải pháp công nghệ, cải tiến khoa học kỹ thuật để tạo giá trị gia tăng cho khoáng sản.

TBKTSG: Nhưng muốn vậy, các quy định pháp luật phải thực sự cụ thể, hiệu quả?

– Từ khi có Luật Khoáng sản sửa đổi bổ sung 2005, việc phân quyền cấp phép thăm dò khai thác và quản lý khoáng sản cho các địa phương đã khiến cho nhiều hình thức khai thác nở rộ. Từ năm 1996-2008, cấp bộ chỉ cấp hơn 800 giấy phép khai thác mỏ, trong khi đó, chỉ trong ba năm, 2005-2008, các địa phương đã cấp gần 3.500 giấy phép, gấp tám lần số giấy phép cấp bộ cấp trong vòng 12 năm.

Luật pháp quy định tăng cường chế biến sâu, nhưng cho đến nay khái niệm về chế biến sâu còn rất mơ hồ, thay vì cần phải xác định từng loại khoáng sản chế biến sâu đến đâu; mức độ nào mới được xuất khẩu…

Chẳng hạn, trong việc khai thác titan ở ven biển miền Trung, chúng ta cũng nói đến chế biến sâu, nhưng sản phẩm đầu tiên này mới chỉ là ilmenit, mà đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, sơ chế. Sau ilmenit là pigment, xỉ titan, cuối cùng là titan kim loại và các sản phẩm hợp kim sau titan… Như vậy, cần phải xác định trong chuỗi nói trên đâu là chế biến sâu, chứ nếu như hiện nay mới chỉ dừng lại ilmenit là định hình sai.

TBKTSG: Theo ông, sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này hiện nay là gì?

– Đến nay, cơ chế quản lý vẫn còn chồng chéo giữa các ngành; giữa ngành dọc và địa phương chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong vùng khai thác khoáng sản; hiện tượng cấp giấy phép tràn lan và ồ ạt trong thời gian vừa qua vẫn tiếp diễn; các quy định của pháp luật như ký quỹ phục hồi môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xã hội… tuy có nhưng chất lượng rất thấp.

Do đó, việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản phải quy về một mối, không nên để tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, cơ chế giám sát từ việc cấp phép, khai thác cũng như hoạt động sau khai thác phải có sự phối hợp đồng bộ. Ngoài Nhà nước giám sát thì phải tạo ra được động lực để xã hội cùng tham gia, đặc biệt là các tổ chức xã hội, tổ chức khoa học, người dân ở khu vực có khoáng sản. Còn như hiện nay, chúng ta chỉ để các cơ quan nhà nước giám sát, quản lý thì sẽ không đủ, vì lực lượng quá mỏng.

TBKTSG: Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?

– Theo tôi, Chính phủ nên nhanh chóng rà soát lại các thủ tục cũng như các quy trình cấp phép khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, phải có một cơ chế cho các tổ chức khoa học như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức trong hệ thống đó tham gia vào quy trình giám sát vì họ có chuyên môn về kinh tế, môi trường, xã hội.

Còn về phía doanh nghiệp, phải tăng cường trách nhiệm xã hội. Nếu họ tạo ra những tác động xấu đến môi trường và xã hội thì phải có trách nhiệm phục hồi, điều này phải được luật hóa, không thể trông chờ vào thiện chí hay lòng hảo tâm của các doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới