Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng tự tay châm lửa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng tự tay châm lửa!

BS. Lương Lễ Hoàng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Cơ chế sinh bệnh của “hội chứng cháy sạch” đã từng bước được phơi bày dưới lăng kính y học. Vấn đề tuy không còn phức tạp nhưng giải pháp lại không đơn giản chút nào vì mấy khi nạn nhân chịu nhận mình chính là… thủ phạm!

Không lạ gì khi nhiều trường đại học y dược ở xứ khác đã “nâng cấp” bệnh lý do stress thành khoa hẳn hòi. Khó tránh không đặt nặng vấn đề đến thế khi y sĩ đoàn ở nhiều nước phương Tây trong mấy năm vừa qua đã liên tục gióng cao tiếng chuông báo động về “hội chứng cháy sạch” (burnout syndrome) do số nạn nhân gia tăng với mức độ đáng ngại, chẳng khác nào một loại bệnh dịch ngấm ngầm lây lan dù không có yếu tố truyền nhiễm!

Đáng nói hơn nữa là tình trạng chán ngấy mọi việc, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, lại rất ít khi xảy ra ở người ngã ngựa! Mặt khác, hội chứng này rõ ràng có “ái tính” rất cao với một số nghề nghiệp ít nhiều đòi hỏi đam mê nhưng cũng đầy gian truân như thầy giáo, thầy thuốc, doanh nhân, vận động viên chuyên nghiệp, văn nghệ sĩ… Điểm lạ là ở hầu hết nạn nhân đều đang thành đạt, nhiều người thậm chí ở ngay đỉnh cao sự nghiệp lại thêm bề ngoài coi rất khỏe, nhưng bỗng dưng gãy gánh sau khi dẫn đầu gần hết đường đua!

Trước đây, dưới góc nhìn theo kiểu chắc đâu đó phải có mầm bệnh, các nhà nghiên cứu đã mang định kiến về loại siêu vi thứ dữ nào đó như nguyên nhân phá hoại sức đề kháng của nạn nhân. Giả thuyết đó hiện nay không còn đứng vững, phần vì tìm hoài không ra siêu vi, phần vì liệu pháp theo hướng đó chẳng khác nào nước đổ đầu vịt.

Từ cảm xúc, hay nói chính xác hơn là từ một loại mặc cảm luôn dày vò tinh thần với nỗi bứt rứt không hài lòng với tính chất hoàn hảo của công việc đã thực hiện đi kèm với cảm giác lo sợ vô cớ trước các dự án sắp tiến hành của nhóm đối tượng này, chuyên gia ngành tâm lý đang nghi ngờ tâm trạng quá hăng say và tinh thần trách nhiệm quá cao chính là đòn bẩy khiến nạn nhân chợt một ngày hụt hẫng trong mê lộ của chính mình.

Nhưng chuyện không bao giờ xảy ra cái rụp. Cũng nhờ nhiều công trình nghiên cứu về hội chứng này trong thời gian gần đây nên thầy thuốc biết chắc là bệnh đã âm ỉ từ lâu, thậm chí cả một năm trước khi lộ diện. Điều thầy thuốc có thể không ngờ là bệnh quá đa dạng, người thì nhức đầu, kẻ thường mất ngủ. Dễ gì định bệnh khi với cuộc sống hiện nay liệu mấy ai không đau đầu khó ngủ? Nhưng với bệnh nhân thì không. Nạn nhân biết rõ hơn ai hết về cảm giác khó tả, cảm giác ghét cay ghét đắng công việc đi kèm với nỗi chán chường trước những lời tâng bốc. Nhưng mấy ai có thể ngưng việc sớm trong dòng chảy không ngừng của áp lực công việc?

“Hội chứng cháy sạch” vì thế từng ngày chiếm thế thượng phong với sự tiếp tay của chính gia chủ. Điểm bộc phát là thời điểm nạn nhân không còn hiệu năng như trước nhưng vẫn phải che giấu thực tế là mình đã trúng thương từ lâu. Từ ngày đó đối tượng của “hội chứng cháy sạch” bắt đầu cách ly với mọi người chung quanh để càng lúc càng cô đơn trong góc tối của người không mong gì hơn được thua cho sớm để nghỉ, nhưng vẫn phải ra sân để cố tìm bàn thắng trước ánh mắt mong đợi của khán giả không chấp nhận kết quả hòa.

Đáng trách, đáng tiếc cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc vì hội chứng này trên thực tế cũng có dấu hiệu báo động, thông thường qua ba giai đoạn: 1) mất khả năng hội nhập cộng đồng vì hết pin sau nhiều ngày dấn thân cho an vui của người khác. Nạn nhân vì đặt nhãn hiệu “làm việc không biết mệt” vào vị trí quá cao nên e mất mặt nếu tìm nơi nghỉ ngơi. Hậu quả là nước đến chân vẫn chưa chịu nhảy; 2) mất hứng thú trong công việc và vì thế đâm ra khó chịu với mọi người như đó là nguyên nhân khiến mình mất hiệu năng; 3) mất tự tin vào khả năng của chính mình và vì thế dễ suy nhược thần kinh với ba triệu chứng điển hình là mất ngủ, đau đầu và trầm uất.Đáng lo cho người bệnh vì quả thật thầy thuốc chưa có loại thuốc đặc hiệu nào trong tầm tay để trị dứt hội chứng này.

Bên cạnh liệu pháp tâm lý cũng như áp dụng những loại thuốc cải thiện dưỡng khí tế bào và ổn định dẫn truyền thần kinh, việc chủ động thay đổi nếp sinh hoạt và cách tư duy của người bệnh chính là yếu tố quyết định. Nói nghe thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó vì nếu người bệnh đủ sáng suốt để thắng kịp trước bờ vực thẳm thì làm gì đến độ cháy sạch. Tuy vậy, nói thế không có nghĩa hễ cháy phải sạch sành sanh. Vẫn có một số giải pháp tương đối để hỗ trợ hệ thần kinh và sức đề kháng của nạn nhân trên tinh thần nếu móng tay đủ nhọn thì vỏ quýt nào có mỏng.

Từ nhận thức đó, chuyên gia về bệnh do stress đã đồng lòng đề cao một số biện pháp như: đừng tìm cách nghỉ ngơi vì đằng nào cũng bất khả thi với cá tính ngồi yên chịu không nổi của nạn nhân. Càng nghĩ càng điên đầu vì không thể tắt máy tính nghỉ ngơi. Trái lại, nên dồn hết khả năng sáng tạo vào một công việc giải trí nào đó, miễn là khác biệt, thậm chí trái ngược với công việc thường ngày.

Chẳng hạn người lao động trí óc nên làm vườn, học nghề thủ công mỹ nghệ… Ngược lại, người vì chén cơm manh áo phải nặng tay nặng chân cần chọn giải pháp nặng phần tư duy như đọc sách, học nhạc, vẽ tranh, chơi cờ…; cắn răng thay đổi cho bằng được nếp tư duy bằng cách chia việc cho người khác, thay vì nuôi riết định kiến “chuyện gì cũng phải có thằng này!”; đặt mục tiêu của cuộc sống cho thật thực tế bằng cách kéo chỉ tiêu xuống thật thấp, thay vì tự hành hạ bản thân qua tiêu chí chuyện gì cũng không được phép trật vuột…

Tuy vậy, tất cả phương án nêu trên chỉ có giá trị tương đối, thậm chí rất giới hạn. Biện pháp quyết định nhằm giải quyết “hội chứng cháy sạch” cũng không nằm trong tầm tay của thầy thuốc vì trong căn bệnh này rõ ràng “không mày đố thầy làm nên”. Ngày nào nạn nhân, đồng thời là thủ phạm, không đủ can đảm để nói không với chuyện không cần thiết, hay quan trọng hơn nữa là dứt khoát nói không với cái tôi đáng ghét của chính mình, ngày đó “hội chứng cháy sạch” chắc chắn tiếp tục chiếm thế thượng phong cho đến khi nạn nhân bị đốt rụi cả tâm lẫn thể.

Đừng quên, thầy thuốc có mát tay cách mấy cũng chỉ đóng vai phụ. Vở tuồng “bể bánh khi đang ngon trớn” không thể hạ màn nếu nạn nhân chưa tìm được một góc tĩnh lặng nào đó để quán triệt câu “tri túc tiện túc hà thời túc”, để từ đó hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhạt nhòa của hai tiếng hoàn hảo trong cuộc đời chỉ toàn chuyện không thể hoàn chỉnh.

Không ai vui gì khi cháy sạch. Bén lửa thì đành chịu cháy. Đáng nói chỉ ở điểm sống làm sao để đừng vụng về đến độ gắp lửa bỏ ngay tay… mình!

____________________________

(*) Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, vui lòng truy cập địa chỉ: www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/suckhoe.

Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi đến các bác sĩ chuyên về từng lĩnh vực để giải đáp cho bạn đọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới