Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng vội tách rời nông nghiệp!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng vội tách rời nông nghiệp!

(TBKTSG) – Tiếp tục bàn về chuyện thiếu lao động ĐBSCL (xem TBKTSG số 28-2010, ra ngày 8-7-2010), chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, người gắn bó lâu năm với vùng đất này, đã đề xuất một số giải pháp.

Nhiều năm làm công tác tư vấn xây dựng khu, cụm công nghiệp tại ĐBSCL, ông Sơn khẳng định, nguyên tắc xây dựng khu, cụm công nghiệp để thay đổi cơ cấu kinh tế là một chủ trương đúng. Chủ trương này ra đời khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu lao động nông nghiệp cũng giảm dần. Vì thế, xây dựng khu, cụm công nghiệp là bước đi thay thế cần thiết để tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn.

Chủ trương này được hầu hết các nước áp dụng từ nhiều năm qua. Tuy vậy, điểm khác biệt của Việt Nam so với các nước chính là những thay đổi này diễn ra quá nhanh so với sự phát triển của nguồn nhân lực.

Vấn đề này ông Sơn cũng đã tư vấn cho các tỉnh khi xây dựng khu, cụm công nghiệp để có thể chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho sự thay đổi cơ cấu kinh tế. “Nhưng phần lớn các tỉnh đều nóng ruột mở khu công nghiệp để nhanh chóng tiến lên hiện đại hóa nên họ ít quan tâm đến vấn đề này”.

“Đừng bao giờ đưa các ngành sản xuất công nghiệp có trình độ công nghệ, kỹ thuật cao về ĐBSCL một cách tức thời. Cách tốt nhất để phát triển các khu, cụm công nghiệp ở đây là chế biến hàng nông sản, các ngành công nghiệp mang tính chất phục vụ cho nông, ngư nghiệp như cơ khí, chế tạo máy… Đây chính là bước đệm để người lao động nông thôn thích nghi dần với môi trường công nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.

“Hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long không có nhiều nhà máy thuộc các ngành này. Trong lúc đó ngành dệt may, hay lắp ráp điện tử thì đòi hỏi trình độ tay nghề và kỷ luật lao động cao nên người lao động khó thích nghi và dễ bỏ cuộc vì họ khó từ bỏ được những thói quen, tập quán lao động nông nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay. Đó cũng là một trong các nguyên do khiến các doanh nghiệp này luôn ở vào tình trạng thiếu lao động”, ông Sơn nói thêm.

Một vấn đề khác nữa là lỗ hổng trong đào tạo nghề ở khu vực này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông Sơn cho rằng trong ba cấp độ đào tạo nghề: căn bản, thích nghi, nâng cao thì hiện nay ở ĐBSCL mới chỉ có đào tạo căn bản. “Nhưng thực tế cũng chưa đạt yêu cầu, do máy móc quá cũ kỹ, chương trình giảng dạy cũng không được cập nhật”, ông Sơn nói.

Còn đào tạo thích nghi, tức là người lao động sau khi được đào tạo căn bản thì được các khu công nghiệp đào tạo thêm cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đó, thì ở ĐBSCL hầu như không có bước đào tạo này. Trong khi đây là việc nhiều khu công nghiệp các nước đang làm, ở khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Bình Dương cũng có mô hình này.

Muốn cải thiện vấn đề lao động ở ĐBSCL, ông Sơn cho rằng những ngành công nghiệp đòi hỏi có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại thì nên làm tại nhà máy, trong khu công nghiệp; còn lại những ngành đơn giản thì nên đưa về gia đình – gọi là “home industry”. Đây là hình thức lao động dành cho những lao động nông nhàn, nhiều công đoạn trong lắp ráp điện tử, hay may mặc đều có thể áp dụng hình thức này để hạ giá thành sản phẩm (hiện nay ở ĐBSCL chỉ có lột vỏ hột điều là làm theo hình thức như thế).

“Nếu không cần có công nhân thường xuyên thì nên áp dụng hình thức này để tiết kiệm chi phí lương bổng và các loại chế độ. Thực tế, hình thức này được nhiều người lao động ủng hộ vì không gò bó thời gian của họ”.

Về chuyện Nhà nước hỗ trợ người lao động học nghề, ông Sơn cũng cho rằng nên nhìn vào bản chất vấn đề. “Nhiều người muốn học nghề nhưng vì chỉ được hỗ trợ học phí, không có sinh hoạt phí, nhà lại nghèo nên đi học thì không thể phụ giúp gia đình, cuối cùng lại bỏ học và tiếp tục là những lao động không tay nghề”.

Nhìn xa hơn, khoảng 10 năm nữa, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì ĐBSCL khó mà đi lên mạnh mẽ được khi lực lượng lao động nhiều mà không tinh, chỉ đông về số lượng nhưng kém về chất lượng.

Ông nhấn mạnh: “Chính sách cần phải cải thiện dần dần. Tất nhiên là không thể ngày một ngày hai mà có thể thay đổi thói quen nông nghiệp, nhưng phải làm từng bước, chậm mà chắc. Ví dụ cả khu công nghiệp nhiều nhà máy đông lạnh thì phải đào tạo cơ khí ngành lạnh, còn bây giờ đào tạo ngành này thì sẽ khó tìm người học vì khó kiếm việc. Những ngành có thể đào tạo và có nhu cầu sử dụng ngay là sửa máy móc nông nghiệp, xây dựng, điện…”.

Thanh Thương ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới