Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Đừng xấu hổ mà hãy tìm mọi cách để tồn tại’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Đừng xấu hổ mà hãy tìm mọi cách để tồn tại’

Vũ Dung thực hiện

(TBKTSG Online) – Các công ty khởi nghiệp (startup) đang tìm nhiều cách khác nhau để tồn tại. Có nhà sáng lập chấp nhận không nhận lương cho tới khi dịch qua đi, có người xoay xở tìm nguồn thu khác tạm sống qua ngày.

Bà Thạch Lê Anh – CEO và là nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley, Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam – đã có buổi trao đổi với TBKTSG Online liên quan tới nguồn vốn cho startup và những phương án startup nên làm để vượt qua thời điểm khó khăn này.

'Đừng xấu hổ mà hãy tìm mọi cách để tồn tại'
Bà Thạch Lê Anh, CEO và nhà sáng lập của Vietnam Silicon Valley

– TBKTSG Online: Đại dịch Covid-19 có tác động như thế nào đến việc gọi vốn đầu tư của các startup Việt Nam thưa bà? Có trường hợp nào đã gọi vốn thành công nhưng phải dừng lại vì dịch bệnh không?

– Bà Thạch Lê Anh: Thông thường, các tổ chức quỹ đầu tư sẽ công bố các quyết định đầu tư khá sôi động vào dịp tháng 3, tháng 4 nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến việc rót vốn gần như “đóng băng”. Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia đổ vốn mạnh vào startup Việt lại đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến các nhà đầu tư không thể trực tiếp tìm hiểu startup.

Do đó, đây là sự ảnh hưởng rất lớn trong việc gọi vốn cho startup trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Ngay cả các startup được nhiều nhà đầu tư quan tâm cũng phải tạm hoãn gọi vốn.

Theo thông tin chúng tôi có được, Alium – một startup làm việc trên nền tảng sản xuất hàng may mặc, giúp khách hàng tạo ra các dòng sản phẩm thời trang của riêng mình và kết nối với các xưởng may mặc – đã phải hủy cuộc họp đầu tiên với một nhà đầu tư mới vì đại dịch.

– Có ý kiến cho rằng, việc giãn cách xã hội khiến các nhà đầu tư chọn đầu tư vào các startup cũ hơn là startup mới vì đây là lĩnh vực không chỉ dựa vào các bản báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh, mà còn phải dựa nhiều vào sự cảm nhận khi phỏng vấn. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

– Không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả startup cũng có xu hướng làm việc với những nhà đầu tư đã quen biết. Ngoài sự cảm nhận khi phỏng vấn, cả hai bên cũng cần có thời gian dài gặp gỡ và tìm hiểu để có thể đi tới việc hợp tác. Nhà đầu tư có thể sẵn sàng gặp startup qua một buổi hẹn trực tuyến, nhưng sẽ rất khó để họ có thể đưa ra quyết định mà không gặp mặt trực tiếp khi chưa có thời gian dài tìm hiểu startup trước đó.

Dù vậy vẫn có những startup thành công. Chẳng hạn, Loship – ứng dụng giao đồ ăn của người Việt – đã hoàn thành hoạt động tài chính Series B giữa mùa Covid 19 bởi các nhà đầu tư đã biết về công ty này và quá trình gọi vốn bắt đầu trước khi dịch bệnh bùng phát.

– Theo sự quan sát của bà, các startup đang làm gì để tồn tại?

– Không hiếm startup đã chuyển hướng mô hình kinh doanh hoặc nhanh chóng phát triển mảng ứng dụng trực tuyến cho phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Ngoài việc cắt giảm bớt các khoản chi phí cố định như thuê không gian, chi phí cho marketing, nhiều nhà sáng lập startup cũng tự nguyện cắt giảm lương của bản thân hoặc thậm chí không nhận lương cho tới khi tình hình khá lên. Các công ty khởi nghiệp ngoài việc cắt giảm chi phí còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác từ nguồn lực có sẵn.

Một startup du lịch có tên Tubudd – nền tảng công nghệ kết nối du khách và bạn bè địa phương tại gần 10 quốc gia và hơn 20 thành phố trên thế giới – gần như không có doanh thu trong vài tháng nay do không có khách du lịch nào có thể đến Việt Nam vào mùa Covid-19 này. Nhưng Tubudd đã dựa vào nguồn lực có sẵn để chuyển sang bán thiết bị bảo vệ cá nhân (Personal Protective Equipment -PPE) để bổ sung doanh thu.

Trong khi đó, một số startup lại đạt được doanh thu tăng trưởng tốt hơn, chẳng hạn như startup True Juice – chuyên pha chế nước trái cây tươi và giao cho khách hàng tại nhà. Startup này đã có sự tăng trưởng lớn về doanh số trong suốt thời gian cách ly toàn xã hội.

– Bà có lời khuyên gì cho startup tại thời điểm này?

– Mọi thứ có lẽ sẽ chỉ thực sự bắt đầu trở lại bình thường khi vaccine cho Covid-19 được đưa ra, có thể là từ một năm đến 1,5 năm nữa. Các quỹ vẫn đầu tư đã thận trọng hơn nhiều só với trước, nhưng hiện họ cũng không có lý do gì để vội vàng đầu tư trong thời gian này. Do vậy startup đừng quá đặt nặng vào vấn đề định giá của doanh nghiệp. Nếu bạn có cơ hội được nhận đầu tư để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì hãy nắm bắt lấy nó.

Nếu bạn không phải lo lắng về việc gọi vốn thì đây là cơ hội tốt để các bạn nhìn lại và cải thiện cỗ máy bên trong tổ chức của mình. Giá trị cốt lõi của tổ chức là gì? Tầm nhìn của tổ chức là gì? Liệu tất cả các thành viên trong tổ chức có hiểu được giá trị này? Giá trị cốt lõi đó có được thể hiện trong mọi hoạt động bên trong của tổ chức lẫn truyền đạt ra ngoài với các đối tác, khách hàng không?

Khi tổ chức lớn lên và phát triển, nếu giá trị cốt lõi và tầm nhìn bị mất đi, hoặc thậm chí chưa bao giờ được xác định, thì rất khó để tổ chức có thể tồn tại lâu dài. Nghe tưởng chừng là điều ai cũng biết, nhưng phần lớn startup thường không xác định được giá trị cốt lõi và tầm nhìn của mình, hoặc không thật sự hiểu ý nghĩa của nó.

Trong thời gian nổ ra bong bóng dot-com tại Thung lũng Silicon trước đây, nhiều nhà sáng lập startup đã phải nhận làm thêm công việc thứ hai để có thể duy trì công ty. Theo tôi, không có gì phải xấu hổ. Hãy thực hiện mọi biện pháp cắt giảm chi phí kể cả lương nhưng hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng với việc cắt giảm lực lượng nhân sự. Đừng cho nhân viên nghỉ việc trừ khi đó là điều thực sự cần thiết. Đây là một cơ hội tốt để các CEO có được lòng trung thành và sự tôn trọng của các thành viên trong công ty.

Xin cảm ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới