Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng ỷ lại mình là… nông dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng ỷ lại mình là… nông dân

Mọi thứ chất thải từ thuyền đánh cá của ngư dân đều xả thẳng xuống biển, trong khi các nước nhập khẩu thủy sản quy định ghe tàu đánh bắt phải có nhà vệ sinh. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Nếu ai chịu khó quan sát thì sẽ thấy lâu nay, các chính sách của Chính phủ hay các bộ ngành ban hành có liên quan tới đời sống và sản xuất của nông, ngư dân trong nước thường phải sửa đổi sau một thời gian thực hiện. Nhưng không phải vì chính sách đó sai sót, mà nguyên nhân chính là vì sức ỳ của nông dân.

Mới đây nhất, qua báo đài, nông dân, chủ trang trại than phiền chính sách kích cầu qua việc cho nông dân vay vốn kể cả vốn lưu động và vốn trung dài hạn, rằng có nhiều điểm chưa phù hợp với nông dân.

Khách quan mà nói, những điều nông dân kêu ca cũng có cái đúng. Do đặc thù của sản xuất nông thủy sản là theo mùa vụ, chẳng hạn cho vay vốn kích cầu cho vụ sản xuất lúa đông xuân thì những ai vay hiện nay mới được hỗ trợ lãi suất; trong khi nông dân sản xuất theo mùa vụ, tức cuối vụ lúa hè thu năm ngoái là đã phải làm thủ tục vay để chi phí cho vụ đông xuân bây giờ, còn gọi là vay lưu vụ.

Do vậy, một số ngân hàng thương mại đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho hỗ trợ lãi suất trường hợp vay lưu vụ, cho phù hợp với sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, không phải kêu ca nào cũng đúng, có chăng là đúng với tập quán sản xuất quá ư cũ kỹ hàng bao năm nay và đã đến lúc cần thay đổi để phát triển.

Nguyên tắc của vay vốn bình thường chứ đừng nói vay vốn có hỗ trợ lãi suất thì người cho vay là ngân hàng, bao giờ cũng đòi hỏi khách hàng vay, dù bất cứ ai, cũng  phải chứng minh tiền vay của mình chi ra như thế nào, thể hiện đơn giản nhất là mua vật tư, nguyên liệu phải có hóa đơn chứng từ, nếu có hợp đồng kinh tế càng tốt.

Vậy là bà con nông dân ta kêu lên rằng điều này không phù hợp, vì nông dân khi mua phân, thuốc bảo vệ thực vật hay thức ăn cho thủy sản chẳng ai đòi đại lý cung cấp hóa đơn.

Người viết bài này từng hỏi một số nông dân, tại sao không yêu cầu đại lý bán vật tư cung cấp hóa đơn? Câu trả lời đại loại: “chắc gì đại lý nó có, mà ai mua cũng không lấy hóa đơn, mình lấy thì kỳ lắm”. Trong khi ai cũng biết, càng hiện đại, dù là nông nghiệp, chi phí sản xuất phải thể hiện trên sổ sách, có hóa đơn chứng từ, có hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào hay đầu ra.

Còn nhớ đợt Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân đánh bắt thủy sản cách nay chưa lâu, quy định rằng nếu chủ ghe thuyền muốn nhận được tiền, phải có hợp đồng lao động với thuyền viên, phải mua bảo hiểm cho thuyền viên. Vậy là báo chí lẫn nông dân đều kêu ca là không phù hợp tập quán đi biển của ngư dân hiện nay vì rất hiếm ghe nào có hợp đồng giữa chủ ghe với ngư dân huống chi nói tới chuyện mua bảo hiểm.

Cuối cùng Bộ Tài chính phải dựa theo phản ánh của ngư dân, sửa đổi cho phù hợp với số đông, vì nếu không, chính sách hỗ trợ tiền dầu sẽ thất bại. Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì khuyến khích ngư dân đi vào sản xuất hiện đại, đóng ghe công suất lớn, trang bị hiện đại, đi xa bờ dài ngày, có hợp đồng với thuyền viên, mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên phòng khi bất trắc.

Ngày 20-4 tới đây, đoàn thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm của EU sẽ sang Việt Nam kiểm tra các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng một cán bộ phụ trách kiểm tra ghe thuyền đánh cá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa cho biết rằng trong hàng ngàn chiếc tàu của ngư dân tỉnh này chỉ có vài chiếc có nhà vệ sinh theo đúng quy định của EU.

Thực ra, nhà vệ sinh trên ghe tàu không là chuyện mới của thế giới nhưng với Việt Nam thì quá mới với tập quán đi biển của ngư dân, mọi cái đều “thải” thẳng xuống biển. Thậm chí vị cán bộ này còn bảo cán bộ thủy sản xuống ghe kiểm tra và hướng dẫn ngư dân thực hiện các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm thì cán bộ là nam giới mới được bước xuống ghe, nữ thì ngư dân kiên quyết không cho, sợ ra biển bị… xui.

Nhiều chính sách liên quan tới nông dân hiện nay đều ít nhiều hướng dẫn nông dân đi vào sản xuất hiện đại nhưng nông dân thì vẫn ỷ lại mình là … nhà nông, với những kêu ca dựa vào cung cách sản xuất cũ, thói quen cũ. Khác với phản ứng của các bộ ngành và chính quyền các địa phương trong nước, các đối tác nước ngoài – cụ thể như trường hợp đoàn thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm của EU sắp sang Việt Nam sẽ không có chuyện du di, châm chước theo những tập quán sản xuất lạc hậu của chúng ta.

Vì thế, nếu không có ý thức và hành động cụ thể đổi mới tập quán trong quan hệ và phương thức sản xuất, người nông dân, ngư dân chúng ta sẽ gặp phải nhiều rắc rối, ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ.

VÕ MINH DUY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới