Được mùa cá ngừ, Việt Nam kỳ vọng tăng giá trị xuất khẩu
Ngọc Hùng
Cá ngừ vừa mới đánh bắt tại Phú Yên. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) – Trong hai tháng đầu năm nay, lượng cá ngừ khai thác của ngư dân các tỉnh miền Trung tăng gần 20% so với cùng kỳ, nghĩa là doanh nghiệp có nhiều nguồn nguyên liệu hơn để xuất khẩu, chứ không như năm 2016, nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do không đủ nguồn nguyên liệu.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ba tỉnh có thế mạnh về đánh bắt, khai thác cả ngừ đại dương hiện nay là Bình Đình, Phú Yên, Khánh Hòa.
Tuy trong 2 tháng đầu năm, sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên chỉ khoảng 432 tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ nhưng sản lượng cá ngừ đại dương của Khánh Hòa ước đạt 832 tấn, tăng hơn 68%, của Bình Định là 2.276 tấn, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Vì thế, tổng lượng lượng cá ngừ đánh bắt trong hai tháng của năm nay ước đạt 3.540 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2016, giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Ecuador sang EU chiếm 16%, đứng đầu các nước có xuất khẩu sang EU là nhờ được hưởng ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập mới (GSP+), trong khi các đối thủ đến từ các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia thị phần đều giảm.
Đối với sản phẩm thăn, phile cá ngừ đông lạnh, Hàn Quốc chiếm thị phần lớn tại EU khi chiếm 31% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này, tiếp theo là Việt Nam với 12/%, Mexico chiếm 9%, Ecuador chiếm 7% và Mauritius chiếm 6%.
Đáng ra, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn cao hơn nữa nhưng do trong năm 2016, lượng cá ngừ đại dương đánh bắt giảm, nguồn nguyên liệu hạn để đáp ứng các đơn hàng, các doanh nghiệp phải nhập từ các nước trong khu vực nên đẩy giá lên, giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Trong thời gian tới, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang EU của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn vì mới đây, Ủy ban châu Âu kêu gọi các thành viên của Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới Bắc Nam Mỹ (IATTC) phải có biện pháp để bảo tồn các cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng ở khu vực này.
Một trong những kiến nghị mà Ủy ban châu Âu đưa ra là muốn IATTC tìm cách hạn chế số lượng đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cũng nhưng có những biện pháp hạn chế số lượng các thiết bị thu hút cá của những tàu đánh bắt của các quốc gia thành viên này.
Hiện IATTC, có 21 thành viên chính thức, trong đó, có những quốc gia có thể mạnh và chiếm thị phần xuất khẩu lớn vào EU như Ecuador, Mexico, Hàn Quốc…Như vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian tới.
Năm 2016, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Namg là 500 triệu đô la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây là năm có giá trị xuất khẩu tăng sau 3 năm giảm liên tiếp mặt hàng này. Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá ngừ có thể tăng nếu Việt Nam không bị hạn chế về nguồn nguyên liệu, vì để xuất khẩu, doanh nghiệp phải nhập cá ngừ từ các nước về chế biến.
Xem thêm
>>> VASEP dự báo năm 2017 xuất khẩu thủy sản đạt 7,4 tỉ đô la
>>> Hai tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 1,4%