Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Được nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Được nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ

Vân Ly

Được nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ
Chỉ được nhập khẩu tàu biển cũ đáp ứng yêu cầu môi trường. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Lần đầu tiên Việt Nam có quy định về việc nhập khẩu tàu biển cũ. Theo một dự thảo nghị định sắp trình Chính phủ thông qua, từ năm sau các cá nhân, doanh nghiệp sẽ được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hoặc sử dụng nếu đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường xin ý kiến góp ý, hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua.

Điều kiện để nhập khẩu tàu biển cũ

Tại hội thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường và Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức để cộng đồng doanh nghiệp góp ý dự thảo vào ngày 26-9, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế – Tổng cục Môi trường, tàu biển đã qua sử dụng có thể được phép nhập khẩu để phá dỡ nhưng có kèm theo các điều kiện.

Theo dự thảo, nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được hiểu là nhập khẩu phế liệu và được áp dụng theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường về nhập khẩu phế liệu. Các tổ chức, cá nhân có cơ sở phá dỡ tàu biển phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường mới được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.

Để nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng, doanh nghiệp cần phải có hồ sơ về bảo vệ môi trường với các nội dung như: bản kê khai tình trạng tàu (cũng như các chất có trên tàu) và bản cam kết của tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng đảm bảo đáp ứng quy chuẩn môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường của cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp; cam kết của tổ chức, cá nhân xin phép nhập khẩu tàu biển để sử dụng hoặc phá dỡ đối với các thông tin đã cung cấp…

Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng, cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: có kết quả thẩm định, kết quả đánh giá tình trạng thực tế của tàu biển đã qua sử dụng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đã thực hiện việc ký quỹ bảo đảm nhập khẩu phế liệu đối với trường hợp nhập khẩu để phá dỡ hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với trường hợp nhập khẩu để sử dụng.

Trường hợp tình trạng thực tế bảo vệ môi trường tàu biển đã qua sử dụng không đúng, không đầy đủ với thông tin, tài liệu tổ chức, cá nhân đã cung cấp, cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường có trách nhiệm lập biên bản hiện trạng bảo vệ môi trường của tàu biển đã qua sử dụng; xác nhận bằng văn bản việc không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng để nhập khẩu, phá dỡ.

Bắt buộc phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường

Theo ông An, dự thảo nghị định nêu rõ bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại khoản 3, Điều 167 Luật Bảo vệ Môi trường là bảo hiểm bắt buộc với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ cao đến môi trường.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: xả nước thải, khí thải, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; gây tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường…

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường như: di dời địa điểm; cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã gây ô nhiễm…

Muốn nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ

Cùng với dự thảo nghị định trên, bộ Tài Nguyên Môi trường còn đang soạn dự thảo và lấy ý kiến góp ý về nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

Nghị định này quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ đối với từng lô hàng phế liệu được nhập khẩu. Khoản tiền ký quỹ được quy định là 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu được nhập khẩu theo hợp đồng thỏa thuận mua bán phế liệu giữa tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu phế liệu.

Mục đích của ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Việc ký quỹ được thực hiện tại Quỹ bảo vệ môi trường hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại tỉnh, thành phố nơi đăng ký kinh doanh và phải được thực hiện trước khi tiến hành nhập khẩu phế liệu 30 ngày.

Góp ý về nội dung trên tại hội thảo, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng ngành thép của Việt Nam còn non trẻ, tính cạnh tranh quốc tế còn chưa cao vậy mà lại phải gánh thêm tiền ký quỹ như thế thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Ông Cường cho rằng nghị định không nên quy định việc ký quỹ nhập phế liệu. Vì nếu đơn vị nào vi phạm thì đã có các chế tài để xử phạt rồi. Không nên vì vài đơn vị vi phạm mà quy định cả ngành như thế thì gây khó khăn.

Ông An cho hay, tất cả các nội dung góp ý về các dự thảo sẽ được ban soạn thảo ghi nhận và sẽ cố gắng chỉnh sửa tối đa những điểm thấy hợp lý. Dự kiến các dự thảo trên sẽ được trình Chính phủ vào 15-10 tới để có thể ban hành vào 15-11 để kịp có hiệu lực với Luật Bảo vệ môi trường vào đầu năm sau.

>>> 53 tàu biển đang bị bỏ hoang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới