Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Được vay vốn ưu đãi 20 năm để xây nhà xã hội cho thuê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Được vay vốn ưu đãi 20 năm để xây nhà xã hội cho thuê

Mạnh Tùng

Được vay vốn ưu đãi 20 năm để xây nhà xã hội cho thuê
Một gia đình công nhân ở Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Tùng

(TBKTSG Online) – Theo Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê có thể được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn tối đa 20 năm.

Dự thảo Nghị định trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội mà Chính phủ ban hành từ  cuối năm 2013.

Theo điều 12 của dự thảo nghị định trên, ba đối tượng được vay vốn để phát triển nhà ở xã hội gồm (i) doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1, điều 53 của Luật Nhà ở (vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức…) để cho thuê, cho thuê mua, bán; (ii) hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; (iii) doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê nhà với mức giá thuê không quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành.

Điều kiện để được vay vốn cũng được dự thảo nghị định quy định rõ ràng hơn. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phải được thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã; có năng lực pháp luật dân sự; chủ doanh nghiệp tư nhân phải có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi, được công nhận là pháp nhân.

Đồng thời, các dự án nhà ở xã hội trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có văn bản chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền, đã có quyết định của UBND cấp tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, đã hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, dự án buộc phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn và chủ đầu tư có tối thiểu 30% vốn tự có. Chủ đầu tư sẽ được cho vay ở mức tối đa bằng 70% giá trị dự toán được duyệt và không quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, thời hạn cho vay tối đa 20 năm; để cho thuê mua thì thời hạn cho vay tối đa là 10 năm và để bán thì thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.

Lãi suất cho vay sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trao đổi với TBKTSG Online, một phó giám đốc doanh nghiệp địa ốc ở TPHCM nhận xét, dự thảo nghị định phát triển nhà ở xã hội trên mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến không có nhiều đột phá so với Nghị định 188/2013/NĐ-CP trước đó, có chăng là các quy định chặt chẽ, rõ ràng và có thêm một số ưu đãi, chẳng hạn như thời gian cho vay tối đa như trên.

Tuy nhiên, ông phó giám đốc này cho rằng, phát triển nhà ở xã hội với doanh nghiệp không khó, nhưng đầu ra hiện nay rất khó do nhiều dự án nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá rẻ ra đời, cạnh tranh gay gắt với loại hình nhà ở này.

Trong khi đó, các điều kiện để được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với người dân vốn khắt khe, phức tạp lại chưa được giải quyết khiến nhiều dự án hoàn thành mà vắng người ở.

Điều này dẫn đến tâm lý nhiều doanh nghiệp tư nhân, cá nhân không mặn mà đầu tư phát triển loại hình nhà ở này mà họ sẽ tập trung xây nhà ở thương mại giá rẻ, vừa bán dễ hơn, vừa nhanh thu hồi vốn, theo ông phó giám đốc.

Mời đọc thêm:

>> Bộ trưởng Xây dựng: Cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới