Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường cao tốc: suất đầu tư hay chi phí xây dựng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường cao tốc: suất đầu tư hay chi phí xây dựng?

Phạm Sanh (*)

(TBKTSG) – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần đánh giá lại việc kiểm soát chi phí xây dựng thực tế của từng đường cao tốc đã đầu tư, thay vì tranh luận về suất đầu tư dựa trên các số liệu không khoa học và cũng không chính thức.

Vừa qua, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về chi phí đường cao tốc Việt Nam khá cao so với thế giới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra suất vốn đầu tư đường cao tốc của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, bằng với Trung Quốc, thấp hơn của Hàn Quốc, thấp xa so với của Nhật Bản… Ở Việt Nam, khái niệm suất vốn đầu tư được hiểu ra sao?

Trong xây dựng, khái niệm suất vốn đầu tư được đề cập từ Nghị định 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản công bố suất vốn đầu tư hàng năm của Bộ Xây dựng, mới nhất là Văn bản số 634/2014 công bố suất vốn đầu tư năm 2013. Theo nghị định và văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng, có ba điểm cần chú ý khi áp dụng suất vốn đầu tư. Thứ nhất là những phương pháp xác định tổng mức đầu tư của dự án và quản lý chi phí xây dựng công trình. Thứ hai, suất vốn đầu tư chỉ áp dụng cho những công trình phổ biến. Thứ ba, suất vốn đầu tư chưa tính đến các điều kiện đặc thù của từng dự án như xử lý nền móng, lãi vay, dự phòng phí, bồi thường giải tỏa…

Như vậy, khi Bộ Xây dựng và Bộ GTVT trình Chính phủ suất vốn đầu tư đường cao tốc là đã hiểu sai cơ bản khái niệm về suất vốn đầu tư theo luật định và theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất, Việt Nam chỉ mới làm một số đường cao tốc theo nhiều dạng khác nhau (hai làn xe, bốn làn xe, sáu làn xe…), việc quyết toán chưa đầy đủ, do vậy chắc chắn không đủ dữ liệu tối thiểu để phân tích bài toán thống kê. Thứ hai, so với các văn bản pháp luật của Chính phủ và Bộ Xây dựng về suất vốn đầu tư, sử dụng cụm từ “suất vốn đầu tư đường cao tốc” của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT là chưa chuẩn xác và chỉ nên gọi là chi phí đầu tư cho 1 ki lô mét đường cao tốc thì đúng bản chất hơn.

Thứ ba, trên thế giới, không một nước nào, kể cả Mỹ là nước đang có hệ thống cao tốc tương đối hoàn chỉnh, dám công bố suất đầu tư cho đường cao tốc, bởi vì chi phí đầu tư cho 1 ki lô mét đường cao tốc trên thế giới khác xa nhau không phải vài lần mà là vài chục lần ngay trong cùng một nước, do các đặc thù về địa hình, địa chất, số lượng hầm chui cầu vượt, mật độ dân cư nhà cửa hai bên, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về môi trường, nguồn vốn và hình thức đầu tư…

Thật ra, song song với quản lý chi phí theo trình tự thủ tục, cái mà Bộ GTVT cần quan tâm kiểm soát chính là chi phí đầu tư đường cao tốc sao cho hiệu quả trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Nếu để ý so sánh sẽ thấy hiện tượng không bình thường của một số tuyến đường trong cùng một điều kiện tự nhiên nhưng chi phí cho một ki lô mét cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cao gấp gần hai lần so với cao tốc TPHCM – Trung Lương. Và chi phí đầu tư cho 1 ki lô mét cao tốc Bến Lức – Long Thành cao gấp gần ba lần cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Hậu quả của việc không kiểm soát được chi phí thực tế xây dựng đường cao tốc sẽ rất nguy hiểm, vì hầu hết các dự án đều sử dụng vốn vay và hợp đồng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) hoặc BT (xây dựng – chuyển giao). Nhà đầu tư không ai bỏ vốn ra làm hạ tầng giao thông mà không thu hồi vốn và có lãi, thêm vào đó là các rủi ro khá cao khi đầu tư dài hạn, dẫn đến xu hướng tính toán không chính xác ngay từ ban đầu, làm tăng chi phí đầu tư, thậm chí giảm chất lượng.

Ai cũng mừng khi thấy dự án chạy thông suốt, nhưng rồi gánh nặng thu phí sẽ đè lên người dân, gián tiếp phân bổ ra cho các hoạt động kinh tế khác, vô hình tác động hết sức tiêu cực đến sản xuất toàn xã hội vài chục năm về sau. Cho nên hiện nay một số nước đang phát triển đã bắt đầu dè dặt chuyện đầu tư đường cao tốc dạng BOT thu phí.

Tóm lại, Bộ GTVT nên đánh giá lại việc kiểm soát chi phí xây dựng thực tế của từng đường cao tốc đã đầu tư, thay vì tranh luận hay giải thích về suất đầu tư cao tốc dựa trên các số liệu không khoa học và cũng không chính thức. Ngoài ra, Bộ GTVT nên cùng các bộ khác như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng… tham mưu Chính phủ bổ sung chỉnh sửa lại các quy định về quản lý hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng BOT đồng thời nhanh chóng hoàn thiện cập nhật quy hoạch ngành và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống đường cao tốc.

(*) Nguyên tổ trưởng tổ điều hành xây dựng cầu Phú Mỹ và hiện đang giảng dạy bộ môn cầu, đường tại một số trường đại học ở TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới