Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường còn nhiều chông gai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường còn nhiều chông gai

Thu Hiền

Minh họa: Khều.

(TBVTSG)- Từ những năm trước, giấy chứng nhận CMMi đã được nhắc đến như là giấy thông thành cần thiết đi vào thị trường quốc tế nhằm khẳng định thương hiệu và năng lực của doanh nghiệp sản xuất, gia công phần mềm và nội dung số trong nước.Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng cho đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp đạt chuẩn CMMi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

CMMi (Capability Intergration Model – Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) là tiêu chuẩn đánh giá mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp phần mềm (SEI) của Mỹ phát triển, được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong nhiều năm qua.

Việc sở hữu chứng chỉ quốc tế như CMMi sẽ giúp doanh nghiệp phần mềm và nội dung số chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên đồng thời được công nhận về năng lực và có cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tiêu chuẩn của phát triển bền vững

Tại cuộc hội thảo về hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi diễn ra ở TP.HCM vào trung tuần tháng Sáu, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trần Đức Lai nêu một chuyện không vui là trong khi nhiều quốc gia có ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số phát triển đang xem việc áp dụng tiêu chuẩn CMMi là điều kiện cần thiết để chuyên nghiệp hóa các quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh thì tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này còn rất ít. Thậm chí, khái niệm CMMi còn khá mới lạ với nhiều doanh nghiệp.

Thống kê sơ bộ của bộ cho thấy với tổng số gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, hiện mới có 10 doanh nghiệp đạt được chứng chỉ CMMi; khoảng 30 doanh nghiệp khác công bố sẽ áp dụng CMMi.

Thông thường, CMMi được xem là một dạng “chuẩn” quốc tế như ISO 9001 về quản lý chất lượng hay ISO 27001 về hệ thống bảo mật thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, CMMi có thể xem là một mô hình được sử dụng thông dụng nhất hiện nay để đánh giá năng lực trưởng thành của một công ty sản xuất phần mềm. Mô hình này tập hợp các kinh nghiệm hữu ích, giúp các doanh nghiệp xây dựng và đánh giá hệ thống của mình. Cũng có quan niệm cho rằng áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình CMMi là nhằm giúp quản lý dự án tốt hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.

Ảnh chụp Công ty Phần mềm FPT, doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận CMMi.

Đề cập đến lợi ích thực sự mà CMMi đem lại cho doanh nghiệp, ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft Việt Nam, doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ CMMi mức độ 4, nói rằng CMMi là mô hình giúp doanh nghiệp xây dựng và đánh giá năng lực của hệ thống, giúp hệ thống hoạt động có hiệu quả thông qua việc cải tiến và nâng cao năng lực của nhiều thành phần bao gồm con người, quy trình quản lý, quy trình làm việc, công cụ, cơ sở hạ tầng…

“Do đó, nói CMMi giúp cải tiến chất lượng dự án là không sai nhưng chưa đủ. Cải tiến chất lượng là hệ quả của việc nâng cao mức trưởng thành và năng lực của hệ thống. Tuy nhiên, vế ngược lại cho thấy, nếu năng lực của hệ thống chưa thật sự trưởng thành, thì dù công ty có dày công phát triển quy trình hoàn toàn tương thích với CMMi chất lượng các dự án và sản phẩm cũng không hoàn toàn bảo đảm’’, ông Toàn nhấn mạnh.

Bà Võ Phương Tâm, Giám đốc công nghệ thông tin (CNTT) của Công ty TUV Rheinland Việt Nam, đơn vị đang cung cấp dịch vụ tư vấn triển khai CMMi, lại cho rằng lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp sẽ gặt hái được là các hoạt động của họ gắn liền với mục tiêu kinh doanh, hiệu suất làm việc gia tăng, chất lượng dịch vụ và sản phẩm được cải tiến tốt hơn. Đồng thời, mô hình này còn giúp tăng mức độ hài lòng của khách hàng, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp về lâu dài và lợi nhuận thu về trên mức đầu tư tốt hơn.

Điều không dễ thực hiện

Lợi ích của việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi thì đã rõ song áp dụng CMMi vào thực tế là điều hoàn toàn không dễ dàng. Bà Tâm cho rằng không thể nóng vội trong việc áp dụng ngay CMMi vào hoạt động của doanh nghiệp bởi việc thực hiện cải tiến chất lượng nào cũng đòi hỏi quá trình và thời gian. Theo bà, khi muốn áp dụng CMMi, doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố như cam kết của nhà lãnh đạo thông qua hành động cụ thể và kịp thời, việc thường xuyên giám sát tiến độ thực hiện, việc cấp kinh phí và nguồn lực cho dự án và mức độ ưu tiên cao đối với dự án.

Ngoài ra, người lãnh đạo cần giám sát chặt chẽ các rủi ro của dự án và có phương án giải quyết hữu hiệu, kịp thời, đồng thời cần có quy trình áp dụng đơn giản và phù hợp với doanh nghiệp… Bên cạnh đó, trưởng ban dự án phải được trao quyền hạn đầy đủ và đặc biệt họ không phải là thành viên trong ban lãnh đạo.

Là người có kinh nghiệm trong việc triển khai CMMi tại Global CyberSoft Việt Nam ngay từ những ngày đầu, ông Toàn nghiệm ra rằng khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp này gặp phải là việc vừa phải duy trì cường độ và tiến độ của các dự án vốn đã rất cao, vừa phải bảo đảm nhân lực tham gia triển khai CMMi thông qua các hoạt động huấn luyện và áp dụng quy trình mới. Để bảo đảm được điều này, hầu hết nhân viên đã phải nỗ lực vượt bậc.

Quá trình triển khai đã khó khăn, việc duy trì sản xuất “hậu CMMi” cũng là điều không mấy dễ dàng. Ông Toàn kể rằng dự án CMMi tại công ty ông gắn liền với việc cải tiến quy trình và năng lực của hệ thống, nó không đơn thuần chỉ là việc “viết ra” một số quy trình rồi yêu cầu nhân viên áp dụng chúng.

Vì vậy, để duy trì sản xuất theo CMMi đã được xây dựng, Global CyberSoft Việt Nam đã sử dụng công cụ hỗ trợ tích hợp tự động để tránh việc nhân viên phải nhớ quá nhiều quy trình và chú trọng vào mô hình huấn luyện theo vai trò trong dự án (role-based training) và trong công việc đảm nhiệm (on-the-job training) để một thành viên thuộc dự án không nhất thiết phải hiểu hết toàn bộ hệ thống phức tạp, nhưng hiểu rõ những gì mình cần làm. Và sau cùng là triển khai hoạt động giám sát quy trình độc lập, do các kỹ sư quy trình đảm nhiệm.

Với vai trò là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông, cũng cho rằng để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia có ngành phần mềm phát triển, rất cần thiết phải đi theo một quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, nếu Việt Nam có 100 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi, chắc chắn thương hiệu của ngành phần mềm Việt Nam sẽ được cải thiện trên thị trường thế giới.

“Sản xuất theo quy trình CMMi rất khó song là chuyện không thể không làm và Chính phủ cùng các cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa để biến mục tiêu 100 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn CMMi thành hiện thực”, ông Đường nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới