Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường hồi hương ngổn ngang tâm sự

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường hồi hương ngổn ngang tâm sự

Trần Thanh Bình

(KTSG) – Những ngày cuối tháng 7 dịch bùng phát mạnh, cũng là lúc có nhiều tin tức trái chiều về chuyện những người hồi hương, rời đi từ vùng dịch phía Nam. Bình thường, quê hương bản quán vốn là nơi để trở về nghỉ ngơi sau thời gian mệt mỏi lo sinh kế nơi thị thành. Lần này, buộc phải về bằng mọi ngả đường, bằng đủ thứ phương tiện, là chuyện chẳng đặng đừng đối với biết bao người.

Tin tức ngày 30-7, trong khi tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị thêm nhiều khu cách ly để đón bà con hồi hương, thì cùng lúc, tỉnh Quảng Ngãi phát đi văn bản tạm dừng đón người dân về từ các tỉnh phía Nam, khi vẫn đang chuẩn bị các khu cách ly cấp xã để bố trí cho những người đã… lỡ về!

Tỉnh Bình Thuận thì tổ chức đón người dân trở về đợt một với quy mô khoảng 2.500 người đã đăng ký. Trong khi đó, theo ngả Quốc lộ 14, hàng trăm người đi làm ăn ở Đồng Nai chạy xe máy trở về quê nhà Đắk Lắk. Để đón khoảng 400 người về theo kiểu “tự phát” này, tỉnh Đắk Lắk đã sắp xếp Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng ở thành phố Buôn Ma Thuột để bà con làm nơi trú ngụ. Và tỉnh này cũng dự liệu tiếp tục đón hơn 400 người nữa từ TPHCM về trong những ngày đầu tháng 8. Trước đó, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên… cũng đã tổ chức đón hàng ngàn người dân về quê bằng đủ các loại phương tiện: tàu hỏa, máy bay, xe khách.

Những chuyến hồi hương của hàng chục ngàn người ấy mang theo bao nhiêu là câu chuyện, mỗi người một tâm trạng, một hoàn cảnh. Nhưng trước cả những nỗi lo về chuyện sẽ phải ăn ở ra sao, sẽ làm việc gì để kiếm sống trong mùa dịch… là nỗi lo canh cánh không biết mình có mang theo mầm bệnh dịch hay không. Đang “trên đường thiên lý”, anh bạn tôi – một người có tuổi và có bệnh nền – đã nhắn gửi lời tâm sự: “Nếu tôi có mang theo virus, dù chưa biết ngày mai ra sao, nhưng đó sẽ là điều làm tôi áy náy nhất”.

Cái sự áy náy ấy như đang trở thành lời xin lỗi trước với cộng đồng, và hầu hết những lưu dân khi trở về đều mong người ở quê nhà hết sức thông cảm. Tôi cũng có thể hình dung ra chuyện giữa một vùng quê yên bình bỗng có thông tin xuất hiện một (hoặc vài) ca dương tính. Khi ấy, những người hồi hương, dù đã cách ly theo quy định, dù đã được xét nghiệm đi xét nghiệm lại và có giấy chứng nhận, thì nỗi lo sợ mơ hồ của cộng đồng quê nhà cũng sẽ khiến chuyến về quê từ vùng dịch của họ thiếu đi sự bảo bọc, ấm áp tình thân như những chuyến về quê trong hoàn cảnh bình thường!

Báo chí hàng ngày vẫn đưa tin các địa phương tiếp tục ghi nhận những ca bệnh về từ TPHCM, từ Bình Dương…, nên cũng không khó hiểu khi một số nơi bắt đầu “từ chối” người về từ vùng dịch phía Nam. Họ lo ngại các khu cách ly của tỉnh nhà có nguy cơ quá tải, họ e sợ nguồn nhân lực, vật lực, năng lực y tế và cả năng lực quản lý ở địa phương có hạn, sẽ không thể kham nổi một khi dịch bùng phát…

Rốt cuộc, những nỗi lo lắng của người đi kẻ ở, tại nơi quê nhà hay nơi họ từng nhập cuộc sinh kế bao ngày, cứ bám riết trong từng thời khắc suy nghĩ giữa những ngày dịch dã.

Tự dưng, dù đang ngồi một chỗ, tôi bỗng thèm lắm một chút thanh thản của chuyến về quê hôm nào, khi chưa có dịch và cũng không hề có sự bận tâm nào len vào tâm trí, mặc cho chuyến tàu cứ xình xịch ru mình vào giấc ngủ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới