Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường sắt cao tốc: Không quan trọng ít hay nhiều tiền, mà quan trọng là lợi ích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường sắt cao tốc: Không quan trọng ít hay nhiều tiền, mà quan trọng là lợi ích

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Rất khó để chọn phương án 58,7 tỉ đô hay phương án 26 tỉ đô la cho dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là hiệu quả, quan trọng là người đứng đầu dám quyết và dám chịu trách nhiệm, theo các chuyên gia kinh tế.

Đường sắt cao tốc: Không quan trọng ít hay nhiều tiền, mà quan trọng là lợi ích
Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Japantourist/Kyotostation – Vnexpress

Vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi giữa các chuyên gia kinh tế liên quan tới các phương án làm đường cao tốc Bắc – Nam chênh nhau tới hơn 32 tỉ đô la.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng ông ủng hộ phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vì phương án này có độ rủi ro thấp hơn và hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Ông Phong, người đã có một bài phân tích về hiệu quả của dự án xây đường cao tốc Bắc – Nam cách đây 10 năm, ngay khi đề xuất đầu tiên được đưa ra để trình Quốc hội, cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa hai phương án của hai Bộ KH&ĐT và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan tới chi phí, tốc độ và phương thức xây dựng.

Trong khi Bộ GTVT đề xuất tốc độ lên tới 350 km/giờ, tổng mức đầu tư dự án lên tới 58,7 tỉ đô la thì Bộ KH&ĐT đề xuất tốc độ thấp hơn, chỉ 200 km/giờ nên tổng vốn đầu tư giảm đi đáng kể, chỉ còn 26 tỉ đô la. Hơn nữa, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất chia dự án làm hai giai đoạn. Theo đó kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2032, dự án sẽ hoàn thành đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TPHCM, đoạn có nhu cầu đi lại lớn nhất.

“Tôi ủng hộ phương án của Bộ KH&ĐT”, ông Phong nói. Lý giải ý kiến của mình, chuyên gia kinh tế từ báo Nhân dân cho rằng, đường cao tốc nên có tốc độ vừa phải trong bối cảnh thời tiết của Việt Nam tương đối khắc nghiệt, nếu tốc độ quá cao, dự án chỉ cần có sai sót nhỏ có thể gây ra hậu quả vô cùng lớn. Hơn nữa, đoạn nào đông khách thì làm trước, vắng khách làm sau nhằm giảm chi phí trong bối cảnh trần nợ công đang rất căng thẳng.

Có một cách nhìn thận trọng hơn TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, để xử lý một bài toán cần đặt ra ba vấn đề: mục tiêu; ràng buộc và cách tối ưu hóa ràng buộc đó. Bởi, không chắc phương án ít tiền đã tốt hơn phương án nhiều tiền, quan trọng là lợi ích mà dự án đó mang lại.

Tại thời điểm hiện tại, rất khó để các chuyên gia có thể nói phương án nào tốt hơn phương án nào vì vẫn chưa có một báo cáo đánh giá tác động đầy đủ từ các phương án mà hai bộ đưa ra liên quan tới lợi ích, chi phí, đặc biệt là rủi ro và các biện pháp tối thiểu hoá rủi ro từ các phương án.

“Chúng ta sẽ không tìm được phương án hoàn hảo nào vì tất cả đều ở thì tương lai”, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nói. “Điều quan trọng là người đứng đầu và Quốc hội có dám chơi, dám chịu trách nhiệm? Không thể để một dự án hàng chục năm mà vẫn chưa quyết được”.

Trước đó, ngay khi có phương án xây đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư gần 58,7 tỉ đô la từ Bộ GTVT, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hệ thống giao thông trong nước cơ bản còn yếu, đất nước còn thiếu vốn, nợ công cao và công nghiệp kém, dự án xây dựng đường sắt cao tốc quá sớm trong kế hoạch phát triển giao thông của một quốc gia còn nghèo, sẽ không bảo đảm được hiệu quả kinh tế và đẩy đất nước vào vòng nợ nần.

Tác dụng đòn bẩy của dự án này cũng không đáng kể vì công nghiệp nội địa chưa đủ nội lực để hấp thụ công nghệ cao và kinh nghiệm kỹ thuật để cùng các ngành kinh tế khác phát triển với công nghiệp đường sắt.

Theo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mới đây của Bộ KH&ĐT, với chiều dài hàng nghìn km, tốc độ thiết kế khoảng 200km/giờ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ đô la. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội – TPHCM khoảng 8 giờ.

Trong khi đó, Bộ GTVT cuối năm ngoái đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội – TP HCM là 5 giờ 20 phút, nếu không dừng ở một số ga và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Tổng vốn đầu tư là 58,7 tỉ đô la.


Mời đọc thêm:

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thời điểm đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới