Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường sắt cao tốc, Vinashin tiếp tục “hâm nóng” Quốc hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường sắt cao tốc, Vinashin tiếp tục “hâm nóng” Quốc hội

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và việc Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thua lỗ, nợ nần quá lớn là hai vấn đề đã trở nên khá nóng tại buổi chất vấn chiều 23-11, được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Chỉ nghiên cứu; Quốc hội quyết mới đầu tư

Theo bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, tại kỳ họp trước, Quốc hội chưa thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Vì Quốc hội chưa thông qua nên Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo Bộ giao thông vận tải tiến hành đầu tư dự án. Nhưng Bộ Giao thông vận tải được sự chỉ đạo của Thủ tướng có tiến hành tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Ông Dũng nói rằng, về luật, Chính phủ được phép tiến hành việc nghiên cứu dự án. Hiện bộ cũng đang nghiên cứu nhiều dự án khác, dưới dạng báo cáo khả thi để phục vụ làm rõ thêm báo cáo tiền khả thi lúc trước chưa được làm rõ như công nghệ, môi trường, hiệu quả dự án, huy động vốn, sức chịu đựng của nền kinh tế…

Việc nghiên cứu để phục vụ công tác quy hoạch ngành giao thông thông vận tải mà Chính phủ có yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tuyến Bắc Nam trong cả nước, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc. Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu khả thi một số dự án đường sắt khác. Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu, chừng nào Chính phủ thấy khả thi, báo cáo Quốc hội ở thời điểm thích hợp, và Quốc hội quyết định làm thì Chính phủ mới tiến hành đầu tư.

Theo ông Dũng, dự thảo Chiến lược phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 được Bộ Chính trị kết luận cũng có nêu phát triển đường sắt là vấn đề được ưu tiên. Hệ thống đường sắt Bắc Nam sẽ được kết nối vào các tuyến đường sắt nội đô như 5 tuyến đường sắt nội đô của TPHCM và 6 tuyến của Hà Nội.

“Vinashin phải tự trả nợ của mình”

Công nhân đóng tàu của Vinashin – Ảnh: tư liệu

“Tôi xin khẳng định rằng không có chuyện Vinashin bị lỗ đến 100 ngàn tỉ đồng”, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói như vậy sau khi nhiều đại biểu nêu ý kiến băn khoăn về khoản nợ quá lớn của Vinashin cũng như phương án trả nợ của đơn vị này.

Chất vấn về vấn đề Vinashin, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng báo cáo Chính phủ nói Vinashin nợ 86 ngàn tỉ đồng, nhưng liệu số nợ này có “lớn lên” theo thời gian hay không, vì theo tính toán tiền lãi vay thì “mỗi ngày chúng ta mở mắt là thấy phải trả 30 tỉ đồng cho Vinashin”.

Theo ông Thuyết, một nghiên cứu của một chuyên gia kinh tế tại TPHCM cho thấy Vinashin nợ đến trên 96.000 tỉ đồng. “Một trong những nguyên nhân được Chính phủ nói Vinashin bị thua lỗ là do Vinashin báo cáo không trung thực, vậy làm sao tin được con số nợ 86 ngàn tỉ đồng như Vinashin báo cáo?”, ông Thuyết đặt vấn đề.

Phân tích khoản nợ 86 ngàn tỉ của Vinashin, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải có vay, có nợ. Nhưng cái bất thường của Vinashin ở đây chính là nợ vượt quá cao so với mức cho phép, nợ cao so với vốn chủ sở hữu nhiều lần.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, số nợ này đang nằm trong các tài sản hiện hữu của Vinashin, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất, có 28 đơn vị đóng tàu đang hoạt động, có 14 cơ sở đang triển khai đầu tư, có hàng chục hợp đồng đóng tàu đang thực hiện…

“Bản thân Vinashin phải tự trả nợ. Bằng nhiều cơ chế đúng pháp luật, Chính phủ và Nhà nước đang tạo điều kiện cho Vinashin tiếp cận vốn, dần phục hồi hoạt động sản xuất trở lại. Với đà phục hồi kinh tế thế giới nhìn chung như hiện nay, Vinashin có thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của mình và có thể trả được nợ của mình”, ông Dũng nói.

“Chính phủ không cấp tiền cho Vinashin trả nợ”, ông Ninh khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới