Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường sắt, đường thủy giúp giảm tải cho đường bộ: khó!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường sắt, đường thủy giúp giảm tải cho đường bộ: khó!

Lê Anh

Đường sắt, đường thủy giúp giảm tải cho đường bộ: khó!
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng nếu không sửa đổi các quy định còn bất cập hiện nay thì khó chấm dứt được nạn xe chở quá tải – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Sau khi giá cước vận tải tăng cao do việc siết kiểm tra xe quá tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã lên phương án giảm tải cho đường bộ bằng cách kết nối với các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay hai phương thức còn quá nhiều bất cập nên việc giảm tải cho đường bộ khó khả thi.

>> Xe quá tải: do bất nhất, thiếu đồng bộ

>> Kiểm tra xe quá tải, nơi làm mạnh nơi làm cho có

Đường sắt, đường thủy khó giảm tải cho đường bộ

Nửa tháng sau khi Bộ GTVT siết việc kiểm tra xe quá tải, các doanh nghiệp vận tải đã đẩy giá cước tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời điểm trước khi đợt kiểm tra tải trọng xe.

Để tránh tình trạng cước vận tải tăng cao kéo dài, hôm 18-4 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã triệu tập một cuộc họp có đầy đủ các, cục, vụ và đại diện một số doanh nghiệp vận tải để bàn giải pháp kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm tải cho đường bộ.

Theo khảo sát của Bộ GTVT, nhiều tuyến đường sắt hiện vẫn còn dư năng lực. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – TPHCM chẳng hạn, còn tăng được từ 3 đến 5 đôi tàu/ngày đêm; một số tuyến khác như Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên, Kép – Hạ Long còn khả năng tăng được 10 đôi tàu/ngày đêm. Nếu tối ưu hoá thời gian quay vòng và xếp hàng thì đường sắt có thể tăng thêm 30% năng lực toa xe hàng và có thể chở tăng từ 50 đến 80% so với hiện tại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt hiện nay quá chậm chạp, giá cước lại khá cao nên các doanh nghiệp ít chọn hình thức vận chuyển này.

Vận tải đường thủy nội địa, mặc dù có chi phí thấp và chở được khối lượng lớn, nhưng đến nay vẫn còn nhiều trở ngại. Nhiều tuyến đường thủy nội địa chưa được nạo vét, luồng lạch bị bồi lấp, khiến tàu không lớn cũng không thể vào các cảng. Đặc biệt, nhiều tuyến đường thủy vướng nhiều cây cầu có độ thông thuyền rất thấp nên nhiều tàu không thể đi qua.

Do những bất cập trên, hiện nay sự kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không trong chỉnh thể hệ thống vận atỉ của quốc gia gần như chưa hình thành.

Kiểm định tải trọng xe: nhiều bất cập

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ là cơ hội cho các ngành vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không nếu xây dựng được khung giá cước vận tải hợp lý đối với từng phương thức, bảo đảm giữ ổn định và giảm chi phí vận tải và cân nhắc xem xét giới hạn cự ly vận chuyển đường bộ đối với container.

Người đứng đầu ngành giao thông cho rằng với hạ tầng hiện có cần phải nghiên cứu sao cho khai thác hiệu quả nhất, chi phí vận tải thấp nhất. Theo kế hoạch hai năm tới, Bộ GTVT tiếp tục kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ nhằm thúc đẩy thị trường vận tải phát triển lành mạnh, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cho dù ủng hộ việc kiểm soát tải trọng xe nhưng các doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết việc kiểm soát tải trọng xe còn nhiều bất cập. Hôm 16-4, Hiệp hội vận tải Hàng hóa TPHCM đã kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT nhanh chóng sửa đổi những bất cập để doanh nghiệp không bị phạt một cách vô lý.

Điều mà các doanh nghiệp bức xúc nhất hiện nay là trước đây xe vận tải và sơ mi rơ moóc đã được công nhận tải trọng thiết kế của nhà sản xuất và đã cho doanh nghiệp nhập khẩu các loại xe này. Nhưng nay khi doanh nghiệp vận tải đưa xe đi đăng ký thì cơ quan công an lại ghi tải trọng của xe theo tải trọng của cầu, đường.

Ví dụ, theo hồ sơ thiết kế của nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất thì sơ mi rơ moóc loại 2 trục có tải trọng an toàn đến khoảng 36 tấn (mỗi trục chịu 13 tấn, 2 trục chịu được 26 tấn, cộng với đầu kéo chịu tải thêm 10 tấn là 36 tấn). Tuy nhiên cơ quan đăng kiểm chỉ cho trọng tải là 18,9 tấn; 19,2 tấn; 21 tấn; 24,5 tấn và hiện nay đã nâng lên được 30,4 tấn (tùy loại xe). Việc không đồng bộ giữa khâu nhập khẩu và đăng ký đã khiến doanh nghiệp chịu phạt khi tham gia giao thông cho dù vẫn chở đủ tải theo thiết kế của nhà sản xuất.

Theo Hiệp hội vận tải Hàng hóa TPHCM, hiện nay loại sơ mi rơ moóc 2 trục chiếm trên 80%/tổng số sơ mi rơ moóc hoạt động tại TPHCM và sự bất cập này đã khiến gần như 100% các doanh nghiệp vận tải sử dụng sơ mi rơ moóc sẽ bị xử phạt về lỗi quá tải cho dù xe không chở quá tổng trọng tải. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT cho kiểm tra lại để tăng tải trọng tham gia giao thông đúng với tải trọng thiết kế của nhà sản xuất để doanh nghiệp không bị phạt một cách vô lý.

Các doanh nghiệp vận tải cũng mong muốn Bộ GTVT xử lý triệt để vấn nạn xe chở hàng quá tải để giúp các doanh nghiệp xác lập lại thị trường giá cước vận tải. Hiện nay vì xe chở hàng quá tải nên doanh nghiệp ở trong tình trạng phải đối phó khiến giá cước vận tải không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường; trong khi chi phí tiêu cực thì ngày càng gia tăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới