Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường sắt và đường cáp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường sắt và đường cáp

Chánh Khải

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Cuộc sống đôi lúc có những trùng hợp thật trớ trêu. Trùng hợp trớ trêu ấy là giữa lúc Quốc hội đang họp bàn với nhiều tranh luận gay gắt về siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì cùng thời điểm, trên nhiều phương tiện truyền thông lại nói đến việc hàng trăm người dân hai bên bờ sông Pôkô thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn phải đu dây cáp bằng ròng rọc, vượt sông Pôkô sang vùng sản xuất thuộc tiểu khu 154 (xã Đăk Ang) hoặc ra đường Hồ Chí Minh (xã Đăk Nông) để đi chợ hay đến trường.

Trên đây chỉ là một trường hợp cụ thể. Trong thực tế, dọc theo sông Pôkô có nhiều sợi cáp được người dân hùn tiền giăng để làm phương tiện vượt sông đầy nguy hiểm sau khi cơn bão Ketsana (bão số 9) hồi tháng 9-2009 cuốn trôi hàng loạt cầu treo bắc ngang sông. Sợi cáp nối hai bờ cách biệt ấy chỉ dài hơn 150 mét nhưng cách mặt sông đến 20 mét.

Bản tin trên VTV1 (chiều 26-5 và sáng 30-5) khiến người xem không khỏi nao lòng trước cảnh chơi vơi cực kỳ nguy hiểm giữa trời và nước của một người cha đưa hai con gái nhỏ qua sông đi học, của những nông dân mang nông thổ sản ra chợ…

Nhìn cảnh vượt sông, thật không khác những pha can thiệp hay giải cứu của những đội đặc nhiệm trong phim hành động. Có khác chăng là ở đây, trang bị của người dân quá đơn sơ, cũ kỹ; còn sự mạo hiểm và hiểm nguy thì không hề thua kém.

Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng những con số đưa ra vẫn khiến ta ngậm ngùi. Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với chiều dài 1.570 ki lô mét, trị giá 56 tỉ đô la Mỹ (nhiều chuyên gia cho rằng phải cao hơn), tới năm 2035 mới hoàn thành (theo đề án) và cũng chưa biết chính xác hiệu quả thế nào (trừ chuyện nợ nần).

Trong khi đó, khoảng cách vượt sông Pôkô chỉ là 150 mét, mỗi ngày có hàng trăm người qua lại để đi học, ra chợ, mua bán và họ cần một chiếc cầu treo trị giá 1,5 tỉ đồng nhưng vẫn không có được.

Lãnh đạo địa phương nói: “Kon Tum là tỉnh nghèo” (theo VnExpress.net, ngày 26-5-2010), không có kinh phí, và kêu gọi người dân trong và ngoài nước giúp đỡ. Không rõ bà đại biểu Quốc hội đồng thời là Bí thư tỉnh ủy Kon Tum Y Vêng nghĩ gì khi Quốc hội đang bàn về dự án đường sắt cao tốc và bà có lên tiếng về “đường cáp” tỉnh nhà hay không, nhưng rõ ràng cho đến giờ, ngay cả hệ thống giao thông đường bộ trên cả nước cũng chưa phải đã thông suốt và an toàn.

“Đường cáp” chỉ là một trường hợp. Vẫn còn nhiều bến đò, nhiều con phà đang được sử dụng để đưa người qua sông. Và đừng quên đã từng có những tai nạn tang thương xảy ra chỉ vì thiếu một cây cầu nhỏ. Hãy nhớ vụ bến đò Nông Sơn (Quảng Nam) và bến đò sông Gianh (Quảng Bình) năm nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới