Duy trì sức sống cho kinh tế về đêm
Nguyễn Minh Hòa
(TBKTSG) – Sau thành công bước đầu của phố đi bộ Bùi Viện – TPHCM, các chợ đêm phố cổ Hà Nội, Helio Đà Nẵng và chợ đêm Dương Đông ở Phú Quốc…, vấn đề kinh tế ban đêm đã ngày càng thu hút sự quan tâm của các địa phương. Ngày 27-7-2020 Thủ tướng đã ký Quyết định số 1129 “Phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Kinh tế ban đêm đang tạm thời bị ngưng trệ do dịch Covid-19, nhưng chắc chắn sẽ khởi động trở lại. Điều đáng bàn là làm sao duy trì sức sống cho kinh tế ban đêm sau quyết định này.
![]() |
Khách du lịch thường thích lang thang, khật khừ cả đêm. Ảnh: THÀNH HOA |
Trước hết, cần hiểu rằng các khu hoạt động kinh tế ban đêm phát triển được chủ yếu là nhờ khách du lịch nước ngoài, và một phần khách nội địa ở nơi xa đến. Dân tại chỗ không ai lang thang, khật khừ cả đêm.
Khách du lịch thường đi ngắn ngày, nên họ muốn tận dụng thời gian để hưởng thụ, khám phá cái lạ của con người, sản vật ở vùng đất đó. Chẳng hạn, Patpong (Bangkok – Thái Lan) là chợ đêm nổi tiếng nhất thế giới, đó là nơi cư trú, buôn bán của người Trung Quốc di cư đến từ năm 1930. Dù là khu thương mại sầm uất, nhưng khu này chỉ trở thành chợ đêm từ năm 1968 khi lính Mỹ và các nhà thầu khoán kéo đến Bangkok tham gia các hoạt động phục vụ cho chiến tranh Việt Nam.
Hầu hết các chợ đêm sống được lâu dài là nhờ khách du lịch, bằng chứng là đợt dịch Covid-19 này làm cho tất cả các chợ đêm trên thế giới đóng cửa, những ngày này đến khu vực Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện sẽ thấy. Do vậy kinh tế ban đêm gắn liền với du lịch, số phận của kinh tế đêm phụ thuộc vào lượng khách trồi sụt do biến động của chính trị, dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, và cả thái độ đối xử của người bản địa nữa.
Sau nữa, các khu kinh tế đêm như thế sống được là sản phẩm của nhân dân, do dân lập ra, nuôi dưỡng. Tôi đã đến hàng chục chợ đêm trên thế giới ở khắp các lục địa và tìm hiểu lịch sử của nó thì thấy các khu thương mại – dịch vụ hoạt động về đêm thường hình thành từ hai nguồn.
Thứ nhất là trung tâm của người Trung Quốc di cư, thường gọi là China Town. Do người Hoa di cư sang nước khác chủ yếu là buôn bán và làm dịch vụ, họ ở tập trung tại một địa điểm với số lượng và mật độ cao, họ hình thành nên tính cách “buôn có bạn, bán có phường”, cách buôn bán và làm dịch vụ theo chuỗi (kiểu như phố chuyên doanh, chuỗi chợ bán sỉ – bán lẻ), hơn nữa họ cực kỳ nhạy bén trong việc đón bắt thị trường, do vậy những khu ở của người Hoa rất hấp dẫn khách nước ngoài. Chúng ta có thể thấy hàng trăm China Town như thế ở Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Nga…
Một con đường hình thành khác là do một sự tình cờ nào đó mà hình thành nên khu phố du lịch (người Việt gọi là phố Tây), thường ở các khu trung tâm thành phố. Có thể vì địa điểm đó rất thuận lợi, do ở ngay trung tâm nên tiện cho việc đi lại quốc tế và quốc nội, là điểm kết nối với các di sản và các điểm tham quan, tiếp cận dễ dàng với các loại dịch vụ sinh hoạt cũng như dịch vụ liên quan đến lãnh sự. Khu Phạm Ngũ Lão – Bùi Viện ra đời vào những năm 1990 trong bối cảnh như thế.
Trên thế giới có rất ít các khu kinh tế đêm sống lâu dài được bằng một quyết định hành chính, ở Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt và Cần Thơ đã từng có khu chợ đêm như thế nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lịm dần.
Một điểm rất quan trọng là khu vực kinh tế đêm rất đa dạng về loại hình kinh tế – văn hóa – xã hội và nhu cầu cá nhân. Những khu hoạt động đơn chức năng, chẳng hạn chủ yếu là ẩm thực, ngoài ra có thêm đồ lưu niệm, cùng một vài hoạt động văn hóa giải trí kiểu như Dương Đông (Phú Quốc), chợ đêm Sơn Trà (Đà Nẵng), chợ đêm Phố cổ (Hà Nội) thì rất khó duy trì qua đêm mà thường 11 giờ đêm là vãn chợ. Loại hình kinh tế duy trì 24/24 như kiểu Patpong, Pattaya, Khaosan (Thái Lan), Penang (Malaysia), Siem Riep (Campuchia), Malacanang ở Manila (Philippines) hay Bùi Viện của TPHCM thành công là do khu vực đó thỏa mãn cùng lúc tất cả các yêu cầu của du khách như cư trú, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí. Điều quan trọng là người dân tại chỗ đều cùng tự nguyện tham gia với tinh thần “toàn dân làm du lịch”, nhà ai cũng tham gia một phần nào đó của chuỗi du lịch như khách sạn, nhà hàng, cho thuê xe máy, giặt ủi quần áo… hay chỉ đơn giản là cho thuê mặt bằng. Toàn bộ khu này được cải tạo để trở thành không gian du lịch, có nghĩa là từ cái vỉa hè, lòng đường, nhà vệ sinh, ban công, hẻm phố, góc tường đều được tận dụng phục vụ khách du lịch.
Các khu kinh tế đêm thu hút được khách du lịch và có thể duy trì lâu dài nhiều chục năm là do nó đảm bảo được ba điều quan trọng nhất: đa dạng, độc đáo, và an ninh. Khách lạ đến đây có thể tìm kiếm được hầu như tất cả các thứ với các cấp độ khác nhau. Chẳng hạn ở khu Patpong, có khách sạn 5 sao nhưng có cả ghế bố qua đêm với giá vài đô la Mỹ; có sơn hào hải vị nhưng cũng có bắp nướng, mực nướng vỉa hè… Ở nơi đây khách có thể tìm mua được đủ các loại hàng hóa, “thượng vàng hạ cám” cái gì cũng có. Từ đồng hồ vài chục ngàn đô cho đến thứ chỉ vài đô nhưng vẫn sử dụng được.
Các chợ đêm ở Bangkok, Thượng Hải, Quảng Châu, Manila nổi tiếng là thiên đường của mua sắm. Bạn chỉ cần đưa ra yêu cầu, chốt giá là sẽ có hàng. Đã có lần tôi định mua ở đây một thanh kiếm Katana Nhật Bản thứ thiệt làm thủ công, nhưng tiếc là không mang qua hải quan được.
Trên thế giới cũng có những khu chợ đêm không ồn ào, nhưng lại rất nặng ký vì tinh chất độc đáo của nó như chợ đêm đá quý Mahar Aung Myay ở Myanmar; chợ đêm hải sản Noryangjin ở Seoul; chợ đồ cổ Phan Gia Viên của Bắc Kinh…
Cuối cùng, cũng là điểm quan trọng nhất đó là an ninh, an toàn cho du khách. Nhà nước không sản sinh ra các loại hình kinh tế ban đêm, đó là sản phẩm nhân dân, nhưng nhà nước lại phải hỗ trợ về mặt pháp lý (giấy phép hoạt động, cho phép cải tạo công trình xây dựng, các quy định hoạt động), tổ chức hoạt động (bộ máy, giờ giấc, cơ chế vận hành) và đảm bảo an ninh, an toàn (bệnh viện, trung tâm y tế, kiểm tra thực phẩm, phòng cháy chữa cháy) và các bộ phận chức năng phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố (cháy nổ, đánh nhau, cướp giật, tử vong…)…
Nếu một khu chợ đêm mà tình trạng trộm cắp, trấn lột, bạo lực, lừa đảo nhiều quá thì khu đó rất khó tồn tại lâu dài. Chính quyền địa phương như người bảo trợ cho loại hình kinh tế này, không phải là làm đẹp cho bộ mặt thành phố, mà chính những hoạt động kinh tế về đêm này mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều phía.
Hiện nay Chính phủ đang khuyến khích đẩy mạnh kinh tế đêm, trước mắt là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý. Tuy nhiên, loại hình này một mặt có thể là “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng mặt khác nó cũng dễ phát sinh muôn điều phiền toái về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Do vậy, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, cần hoàn thiện mô hình để sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Cho dù có khó khăn, nhưng nếu muốn thu hút khách du lịch nước ngoài nhiều hơn nữa thì cần phát triển các loại hình kinh tế đêm. Đã qua rồi thời không quản được thì cấm. Cứ để dân làm, người dân biết làm gì để nó sống được lâu dài, còn chính quyền các địa phương đứng sau hậu thuẫn, đừng can thiệp quá sâu, đừng đưa ra các cấm đoán nhiều quá, dễ hỏng.