Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Duyên lạ hồn hoang” tái xuất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Duyên lạ hồn hoang” tái xuất

Huy Nguyễn

Đội Thốt giả (Trần Tuấn) và thím Thốt (Thùy Dương) trong vở "Duyên lạ hồn hoang" của đạo diễn Thanh Nga – ảnh: Huy Nguyễn

(TBKTSG Online) – Vở diễn “Duyên lạ hồn hoang” (tác giả Nguyễn Đình Chính, đạo diễn Đặng Thanh Nga) sẽ diễn mở màn Cuộc thi tài năng đạo diễn sân khấu trẻ 2013, vào lúc 20 giờ 22-4-2013 tại Nhà hát TPHCM, số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1.

Cách đây gần 2 năm, vở “Duyên lạ hồn hoang” đã ra mắt công chúng tại nhà hát Thế Giới Trẻ. Ngay lập tức vở diễn đã nhận được nhận xét tích cực từ báo giới vì cái tứ câu chuyện rất lạ, nhưng tiếc rằng vì sân khấu Thanh Niên bị đóng cửa nên vở diễn cũng chỉ phục vụ hai suất thì tạm ngưng đến nay.

Suốt thời gian đó, đạo diễn Đặng Thanh Nga nhận được nhiều lời động viên tái diễn phục vụ công chúng, nhưng chị đã không tìm được sân khấu phù hợp. Sau cùng chị đã nhận được sự hợp tác từ nhà hát kịch TPHCM và chị dự thi với tư cách đạo diễn cuộc thi này.

Duyên lạ hồn hoang” phảng phất không gian hư hư thực thực đậm chất huyền bí, nhưng qua đó tác giả nhắn gửi một thông điệp rất đẹp, đó là tình người. Câu chuyện kể về đội Thốt (Cao Thanh Danh) là một gã chồng mạnh mẽ và thô kệch, không biết lắng nghe những tâm tư của vợ (Thùy Dương). Ngay cả chuyện ái ân hắn cũng hì hục chứ không một chút dịu dàng. Một lần nhậu say, anh chàng rớt xuống mương, gặp một bức tượng gỗ và mang về nhà.

Sau đó, anh chàng đầu quân ra biên ải bảo vệ biên cương. Bức tượng gỗ (Trần Tuấn) vì cảm thương vợ đội Thốt cô đơn lúc vắng chồng nên đã hóa thành đội Thốt để cùng nàng chia ngọt sẽ bùi vào mỗi tối.

Đội Thốt giả đã bịa ra câu chuyện anh ta không bị ra biên ải mà được giữ lại ở phủ quan nên ban đêm có thể lẻn về với vợ. Đội Thốt giả biết chia sẻ với vợ việc nhà, biết quan tâm và thấu hiểu tâm tư tình cảm của thím Thốt. Cách cư xử này khiến thím Thốt ngạc nhiên nhưng chị ngập tràn hạnh phúc vì người chồng thô kệch biết thay đổi và trân trọng mình hơn trước.

Khi chiến trận chấm dứt, đội Thốt thật trở về nhà. Câu chuyện đội Thốt hằng đêm về với vợ bị vở lở và mọi người kéo nhau ra quan phủ phán xử. Nhưng trước hai đội Thốt giống hệt nhau vị quan cũng đành bất lực. Cay cú, quan huyện bắt lính trừng phạt người dân trong làng. Lúc này đội Thốt giả đứng ra nhận tội và ông tự thiêu hủy mình trong ngọn lửa, với sự tiếc thương của thím Thốt và mọi người.

Trong kịch bản gốc, tác giả Nguyễn Đình Chính xây dựng tính cách nhân vật đội Thốt giả là một vị thần phàm tục. Ông ta ăn ở với thím Thốt đến có con, và tìm đủ mọi cách để lừa gạt mọi người. Trong khi đó, đội Thốt thật là một người chân chất hiền lành.

Đạo diễn Thanh Nga đã thay đổi nhiều tình tiết của câu chuyện. Chị biến đội Thốt giả vốn là vị thần trong đình làng thành một người biết đau trước nỗi đau của con người. Việc ông ta giả đội Thốt để đến với thím Thốt xuất phát từ tình yêu chân thành. Giữa hai người là một tình yêu trong sáng không nhuốm màu nhục dục.

Qua đó, đạo diễn Đặng Thanh Nga đã kể lại một câu chuyện vừa lãng mạn, vừa giàu tính nhân văn và đậm chất hư ảo. Nếu xét dưới gốc độ chuyên môn vở diễn này giàu chất nghệ thuật với một tứ kịch khá lạ mắt và sáng tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới