Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ECB, G7, G20 họp khẩn về nợ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ECB, G7, G20 họp khẩn về nợ công

Phúc Minh, Chánh Tài

ECB tuyên bố mua trái phiếu chính phủ các nước khủng hoảng nợ tại eurozone. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Trước tình hình khủng hoảng nợ công ngày trầm trọng ở Mỹ và châu Âu khiến thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trong tuần qua cộng với việc Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, ECB, G20 và G7 đã quyết định họp khẩn từ xa trong hai ngày cuối tuần.

ECB tuyên bố mua trái phiếu chính phủ khủng hoảng nợ

Các nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sau cuộc họp khẩn bằng điện thoại ngày 7-8 thông báo sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ các nước khu vực đồng euro (eurozone) bị khủng hoảng nợ, bao gồm Ý và Tây Ban Nha, để bảo vệ giá trị của đồng euro.

ECB phải họp khẩn qua điện thoại là việc hiếm thấy từ trước đến nay. Bên cạnh khủng hoảng nợ eurozone, các nước châu Âu cũng lo ngại việc tổ chức đánh giá tín dụng Standard and Poor’s hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ sẽ làm chao đảo các thị trường châu Âu.

S&P đã sai sót khi hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ. Mỹ xứng đáng có bậc tín dụng 4A” – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway Inc, tỉ phú Warren Buffett, ngày 7-8 cho hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ) biết.

Bình luận về việc thị trường tài chính lao dốc thê thảm trong tuần trước, ông Buffett cho rằng thị trường tài chính vận hành theo những động lực riêng và khẳng định Mỹ không đối mặt với suy thoái lần hai. Ông nói ông không bao giờ dựa vào quan điểm của các công ty xếp hạng tín dụng để ra quyết định mua bán chứng khoán.

Cuối tuần trước, chi phí đi vay của Ý và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của châu Âu, tăng lên khiến bên ngoài lo ngại các nước này sẽ cần cứu trợ khẩn cấp của quốc tế. Hơn nữa, số tiền cứu trợ sẽ lớn hơn nhiều hơn so với số tiền cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Ngày 5-8, các chỉ số chứng khoán châu Âu trượt giá mạnh vì nợ của Ý và Tây Ban Nha. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã thông báo các biện pháp mới để đối phó với tình trạng nhập siêu và nhanh chóng cải cách kinh tế.

Tuyên bố của ECB được cho là để xoa dịu thị trường tài chính trước khi mở cửa vào thứ hai (8-8) để ngăn chặn sự suy giảm mạnh như tuần trước.

G20, G7 họp khẩn bàn cách ứng phó nợ công

Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc họp của G20, Nhật Bản và Hàn Quốc nói vẫn tin tưởng vào trái phiếu của chính phủ Mỹ. Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Jong-ku thông báo với các nước G20 rằng Hàn Quốc sẽ không có sự thay đổi đột ngột nào về chính sách quản lý dự trữ trái phiếu nước ngoài. Hàn Quốc đang nắm giữ lượng dự trữ trái phiếu nước ngoài trị giá 311 tỉ đô la Mỹ, trong đó lượng trái phiếu chính phủ có trị giá khoảng 29,2 tỉ đô la Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế nhìn nhận các ngân hàng trung ương là phòng tuyến cuối cùng trong cuộc khủng hoảng nợ công vào lúc này sau khi các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Mỹ không thống nhất được các biện pháp mạnh mà nhà đầu tư đòi hỏi. Hơn nữa, các quốc hội tại eurozone đang vào kỳ nghỉ hè nên sẽ trì hoãn việc thực hiện các thay đổi quan trọng đối với quỹ giải cứu khủng hoảng nợ công của khu vực này.

Với quyền lực phát hành tiền, những năm qua, các ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường tiền tệ và trái phiếu để kích thích nền kinh tế đang vật lộn khó khăn của nước mình. Chẳng hạn trong tuần qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Thụy Sĩ đã quyết định bán ra đồng yen và franc Thụy Sĩ để ghìm giá hai loại tiền tệ này xuống so đô la Mỹ với hy vọng thúc đẩy xuất khẩu.

Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) cho biết sau cuộc họp ngày 8-8, G7 có thể ra tuyên bố chung nhằm trấn an thị trường. Trung Quốc và Nhật Bản, hai nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, cũng dự định sẽ ra tuyên bố tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

(Theo AP, AFP, Bloomberg, Reuters, BBC, VOA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới