Các chuyên gia nhận định, khu công nghiệp tuân thủ theo tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế trong việc thu hút “đại bàng” FDI và tiếp cận nguồn vốn xanh giá rẻ. Ứng dụng chuyển đổi số là một trong những cách giúp khu công nghiệp nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn ESG.
Giải pháp thông minh tiếp cận ESG
Xuất phát từ nhu cầu cải thiện hiệu quả quản lý vận hành, Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) do ROX iPark (tiền thân là TNI Holdings Vietnam) đầu tư phát triển đã đưa vào ứng dụng giải pháp khu công nghiệp thông minh.
Ngay tháng đầu tiên sử dụng đã cho thấy hiệu suất công việc được cải thiện đáng kể. Lượng điện tiêu thụ giảm nhờ hệ thống cảm biến tủ điều khiển tự động cho phép tắt/bật điện khi cần. Công tác giám sát an ninh cũng được tăng cường nhờ mạng lưới camera được lắp đặt và tự động cảnh báo khi có bất thường. Việc quản lý chất lượng nước thải cũng được cải thiện nhờ hệ thống lấy mẫu tự động liên tục trong ngày hoặc theo yêu cầu riêng; phân tích mẫu và trả kết quả tức thời. Nhờ đó, nếu có chỉ số nào vượt qua mức cho phép sẽ được tìm hiểu nguyên nhân, ngăn chặn kịp thời.
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp TNTech – Công ty công nghệ trong hệ sinh thái của ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) cho biết: Việc ứng dụng giải pháp chuyển đổi số trong quản lý vận hành tại Khu công nghiệp Quang Minh một mặt giúp cải thiện hiệu quả quản lý quy trình vận hành, tối ưu chi phí, mặt khác chính là đang thúc đẩy triển khai theo các tiêu chuẩn ESG (viết tắt của môi trường, xã hội, quản trị), qua đó không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, chống biến đổi khí hậu và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững.
Trong xu thế không thể cưỡng lại của phát triển xanh, phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu, thực hành ESG sẽ tạo cơ hội giúp các khu công nghiệp tăng khả năng thu hút “đại bàng” FDI và tiếp cận nguồn vốn xanh giá rẻ.
Lợi ích nhân đôi
Hiện tại, nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã định hướng phát triển bền vững bằng việc đưa ESG vào chiến lược kinh doanh, quản trị. Ngay trong khu vực, các quốc gia như Thái Lan, Singapore cũng đang tiên phong trong việc thúc đẩy thực hành ESG trong các khu công nghiệp.
Hiện nay, có khoảng 563 khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào vận hành. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh áp dụng giải pháp khu công nghiệp thông minh để nhanh chóng tiến tới các tiêu chuẩn ESG.
Thực tế tại Quang Minh cho thấy khu công nghiệp này đã giảm được đáng kể chi phí vận hành so với trước đây (mức giảm lên tới 30-40% trên mỗi mét vuông). Giải pháp khu công nghiệp thông minh cũng giúp Quang Minh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, giữ chân được nhiều khách hàng, đối tác cùng có sự quan tâm đến phát triển bền vững.
Một trong những “đại bàng” đang đầu tư tại KCN Quang Minh phải kể đến là New Best Wire VietNam với tổng vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ. Đây là công ty con 100% của New Best Wire Taiwan Headquarter với hàng loạt các chứng nhận ISO 9001:2008, ISO / TS 16949, OHSAS 18001… Một doanh nghiệp FDI khác cũng đang “làm ổ” tại đây là Công ty TNHH DH Logistics Property Minh Quang Việt Nam với tổng vốn đầu tư 26,3 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Hồ Anh Thắng, để tập trung hiệu quả quản lý cơ sở hạ tầng, kỹ thuật khu công nghiệp và quản lý việc chăm sóc khách hàng hiệu quả theo tiêu chuẩn ESG, chủ đầu tư cần tập trung cho nhiều vấn đề, trong đó có tối ưu quản lý vận hành, đảm bảo an ninh an toàn trong khu công nghiệp, góp phần quản lý hiệu quả mức phát thải carbon. Đây là những mục tiêu khi triển khai sản phẩm khu công nghiệp thông minh. Hiện các kỹ sư của TNTech đã xây dựng thành công kiến trúc tổng thể cho giải pháp quản lý vận hành khu công nghiệp. Kiến trúc này cho phép bất kỳ khu công nghiệp nào cũng có thể nhanh chóng triển khai ứng dụng với chi phí phù hợp.
Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp vì thế phải thay đổi theo hướng tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào quản trị và vận hành. Bởi, đây sẽ là yếu tố giúp gia tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư xanh (các nguồn vốn được sử dụng để tài trợ cho các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường).
Với mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero), Việt Nam đã có nhiều chương trình tài chính xanh. Đơn cử giai đoạn 2016 – 2020 có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu đô la Mỹ. Giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ đô la Mỹ trái phiếu xanh.
Nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, tài trợ khí hậu ở Việt Nam (tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng) mới chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỉ đô la Mỹ và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
Như vậy, doanh nghiệp đầu tư giải pháp chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống và sản xuất sản phẩm xanh sẽ có lợi thế khi tìm nguồn vốn từ các từ các quỹ và các nhà đầu tư.