Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EU chia rẽ lập trường về Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EU chia rẽ lập trường về Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong lúc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang xoay sở giải quyết tình trạng bế tắc của Brexit (Anh rời khỏi EU), chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này sẽ càng làm bộc lộ những chia rẽ ở nội bộ EU trong mối quan hệ với Trung Quốc.

EU khởi kiện Trung Quốc vì bị ép chuyển giao công nghệ

EU chia rẽ lập trường về Trung Quốc
Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) sẽ lên đường sang thăm Ý và Pháp, nơi ông sẽ có các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái). Ảnh: WSJ

Theo tờ Wall Street Journal, bắt đầu từ hôm nay 21-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm Ý và Pháp, hai nước đang đứng ở hai phía đối lập nhau trong sự chia rẽ này. Pháp, với sự ủng hộ của Đức, muốn EU phải tự bảo vệ mạnh mẽ hơn để chống lại sức mạnh kinh tế, chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ý dưới sự cầm quyền của chính phủ dân túy, có xu hướng muốn hợp tác với Trung Quốc để được hưởng lợi kinh tế giữa lúc nền kinh tế của Ý đang suy yếu.

Một số nước châu Âu xem Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, như là cơ hội kinh doanh và một số nước khác ở khu vực này coi Trung Quốc như là cường quốc bá chủ toàn cầu trong tương lai và đang nỗ lực tái sắp xếp trật tự thế giới.

Châu Âu đang bị kẹt trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Bắc Kinh nỗ lực nuôi dưỡng các mối quan hệ hữu hảo với từng nước châu Âu riêng lẻ, đặc biệt là các nước nghèo ở Đông Nam và các nước bị tổn thương tài chính ở Nam Âu thì Washington lại gây sức ép buộc Đức và các đồng minh châu Âu khác phải khước từ các thương vụ đầu tư hạ tầng của Trung Quốc mà Mỹ cho rằng có thể làm tổn thương các lợi ích an ninh của phương Tây.

EU vừa lo sợ các hậu quả của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ – Trung lan tỏa ra nền kinh tế toàn cầu vừa lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, gây nguy khốn cho một số ngành công nghiệp ở châu Âu, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ô tô.

Một trong những thách thức lớn nhất mà EU đối mặt trong những thập kỷ tới là làm thế nào để thúc đẩy trật tự thế giới theo hướng mong muốn dựa trên các quy tắc và cùng có lợi trong một thế giới với hai siêu cường đang không ngại ngần phô trương sức mạnh của họ.

“EU đang có nguy cơ trở thành sân chơi cho Mỹ và Trung Quốc khi hai nước này theo đuổi cuộc ganh đua kinh tế. Châu Âu cần phải đoàn kết hơn để có cơ hội tự định đoạt vai diễn của mình”, Thorsten Benner, Giám đốc tổ chức tư vấn Viện Chính sách toàn cầu ở Berlin (Đức), nói.

Hôm 18-3, phát biểu với báo chí tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ các chỉ trích cho rằng Trung Quốc sử dụng ngoại giao kinh tế để chia rẽ EU. Ông nói: “Giữa Trung Quốc và EU, đôi khi có các bất đồng nhưng chúng ta nhiều điểm chung hơn”.

Song lập trường của EU đối với Trung Quốc đang cứng rắn hơn. Sau khi ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, một số nước châu Âu nghĩ rằng họ có thể tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu đa phương vốn bị người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích hoặc rút khỏi. Thay vì như vậy, các nhà hoạch định chính sách EU ngày càng vỡ mộng bởi lập trường đơn phương của Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thái độ ở châu Âu, tuần trước, Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, đã công bố một văn kiện chiến lược vế mối quan hệ EU – Trung Quốc, trong đó cảnh báo các nước EU không thể đạt các mục tiêu trong quan hệ với Trung Quốc nếu không đoàn kết.

Tuy nhiên, chính phủ dân túy của Ý, với thái độ ngờ vực EU, đang theo đuổi cách tiếp cận ưu tiên thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Ngày 23-3 tới, tại Rome, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte sẽ ký thỏa thuận tham gia Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) của Trung Quốc, một chương trình toàn cầu nhằm xây dựng mạng lưới cảng biển, đường xá, đường sắt và đường ống, giúp mở rộng các tuyến giao thương, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc.

13 nước EU nhỏ hơn đã ký kết các thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác với sáng kiến này nhưng Ý sẽ là nước lớn nhất của châu Âu và cũng là thành viên đầu tiên của nhóm các nước công nghiệp G7 ủng hộ.

EU lo ngại thỏa thuận gia nhập BRI của Ý sẽ càng khoét sâu thêm rạn nứt giữa Ý với các nước thành viên EU vốn đang thận trọng với các chính sách bành trướng kinh tế của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho rằng động thái này sẽ là cơ hội tốt cho nền kinh tế Ý, giúp nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế ở Rome, nhận định: “Đất nước chúng tôi đang tiến vào suy thoái và đang có ảo vọng rằng thu hút tiền của Trung Quốc sẽ dễ hơn so với đầu tư của Mỹ và hay phương Tây”.

Sau chuyến thăm Ý, ông Tập sẽ đến thăm Monaco rồi sang Pháp để gặp Tổng thống Emmanuel Macron, người mà trước đây nhiều lần thúc ép Trung Quốc phải đưa ra các chính sách công bằng hơn trong thương mại và đầu tư. Ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của FRS, nói: “Không giống như Ý, Pháp sẽ thận trọng hơn với ông Tập”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới