Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EU muốn nâng tiêu chuẩn an toàn trên xe hơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EU muốn nâng tiêu chuẩn an toàn trên xe hơi

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch bắt buộc tất cả mọi dòng xe mới ở khu vực này phải trang bị các hệ thống giúp bảo vệ tính mạng như công nghệ hạn chế tốc độ, phanh khẩn cấp tân tiến, phát hiện buồn ngủ…

EU muốn nâng tiêu chuẩn an toàn trên xe hơi
Theo các quy định mới đề xuất, bắt đầu từ tháng 5-2022, các dòng xe mới ở EU sẽ bị bắt buộc trang bị hệ thống hỗ trợ tốc độ, hệ thống phanh khẩn cấp tân tiến, thiết bị ghi dữ liệu, hệ thống phát hiện tài xế buồn ngủ hoặc xao nhãng, hệ thống giữ làn… Ảnh: Europawire

Tờ New York Times cho biết hôm 25-3, Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng và thị trường nội bộ (IMCO) của Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy định yêu cầu bắt đầu từ tháng 5-2022, các dòng xe mới bao gồm xe cá nhân và xe tải phải trang bị công nghệ hạn chế tốc độ, hệ thống phanh khẩn cấp tân tiến, thiết bị ghi dữ liệu (để thu thập các dữ liệu xe cộ vào thời điểm xảy ra tai nạn), hệ thống phát hiện tài xế buồn ngủ hoặc xao nhãng, hệ thống giữ làn…

Công nghệ hạn chế tốc độ, hay còn gọi là hệ thống hỗ trợ tốc độ thông minh (ISA), sử dụng các camera quan sát các biển báo giao thông và dữ liệu vệ tinh về vị trí của xe hoặc cả hai để phát hiện tốc độ cho phép tối đa trên đoạn đường mà xe đang chạy và sẽ cảnh báo tài xế hoặc tự động giảm tốc độ xe nếu phát hiện xe đang chạy quá tốc độ cho phép.

Trong trường hợp khẩn cấp giúp tránh tai nạn, tài xế vẫn có thể vô hiệu hóa hệ thống này bằng cách nhấn bàn đạp ga. Tuyên bố của Nghị viện châu Âu cho biết ISA có thể giúp giảm 20% các trường hợp tử vong do tai nạn trên đường xá ở khu vực EU.

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Roza Thun, nói: “Dựa vào bản đồ số và camera quan sát biển báo giao thông, ISA sẽ phản hồi cho tài xế biết khi nào họ đang chạy vượt tốc độ cho phép tối đa. Điều này không chỉ giúp tất cả chúng ta an toàn hơn mà còn giúp tài xế tránh bị phạt vì lỗi chạy quá tốc độ”.

Trong khi đó, hệ thống phanh khẩn cấp có thể phát hiện các chướng ngại vật và tự động nhấn bàn đạp phanh nếu tài xế không phản ứng kịp.

Để chính thức có hiệu lực, các quy định mới cần phải được toàn nghị viện châu Âu và các bộ trưởng từ các nước thành viên EU phê chuẩn.

Hôm 26-3, Antonio Avenoso, Giám đốc Hội đồng Ủy ban An toàn giao thông châu Âu, nói rằng nếu các quy định mới được phê chuẩn, chúng có thể ngăn ngừa 25.000 trường hợp tử vong do tai nạn ô tô ở EU trong vòng 15 năm tới.

Tốc độ cho phép tối đa áp dụng cho ô tô ở mỗi nước thành viên EU là khác nhau và các nỗ lực nhằm hạn chế tai nạn và ô nhiễm môi trường liên quan đến xe cộ từng gây chia rẽ EU. Đức không giới hạn tốc độ ở một phần trong hệ thống đường cao tốc (autobahn) nổi tiếng ở nước này. Gần đây, Đức bác bỏ kế hoạch áp đặt tốc độ cho phép tối đa ở toàn mạng lưới autobahn do vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân.

Trái lại, Pháp đặt ra nhiều mức tốc độ cho phép tối đa khác nhau trên cùng một con đường, tùy vào thời tiết xấu hay tốt. Gần đây, nước này quyết định giảm mức tốc độ cho phép tối đa ở các đường có hai làn và điều này càng làm bùng thêm cơn giận dữ của phong trào biểu tình của những người áo vàng. Hồi tháng 1, người biểu tình đã đập phá hư hại hoàn toàn hơn một nửa mạng lưới camera giám sát tốc độ ở nước Pháp.

Dù EU đã ban hành nhiều quy định giúp cải thiện an toàn giao thông ở khu vực này nhưng trong năm 2017, có đến 25.300 người tử vong và 135.000 người bị thương do các vụ tai nạn giao thông trên các đường xá ở EU. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do chạy quá tốc độ cho phép.

Để cải thiện an toàn giao thông, “bạn có thể thiết kế đường xá theo những cách có thể giới hạn tốc độ, thực thi quy định giới hạn tốc độ và sử dụng công nghệ ô tô”, Dudley Curtis, người phát ngôn của Hội đồng An toàn giao thông châu Âu, nói.

Ông Curtis cho rằng các quy định mới đề xuất chỉ là một khía cạnh giúp cải thiện an toàn. Ông cũng lưu ý công nghệ hạn chế tốc độ ở xe ô tô không mới. Một số hãng xe đã bắt đầu bán các dòng xe được trang bị công nghệ này. Các dòng xe mới nhất của hãng Ford ở châu Âu có một hệ thống mà khi kích hoạt, nó sẽ sử dụng các camera để ghi nhận các biển hiệu giao thông và điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép của xe phù hợp với các giới hạn tốc độ ở địa phương.

Mới đây, hãng xe Volvo Cars (Thụy Điển) thông báo bắt đầu từ năm 2010, sẽ giới hạn tốc độ cho tất cả các dòng xe của hãng này ở mức 180km/giờ. Volvo Cars dẫn dữ liệu từ các cơ quan quản lý giao thông Mỹ cho thấy 25% các trường hợp chết người trong các tai nạn giao thông ở Mỹ trong năm 2017 là do chạy quá tốc độ cho phép.

“Là con người, tất cả chúng ta đều hiểu các mối nguy hiểm của rắn, nhện độc và độ cao nhưng chúng ta lại không ý thức nhiều về mối nguy hiểm của tốc độ”, Jan Ivarsson, chuyên gia an toàn của hãng xe Volvo Cars, nói.

Dù các quy định an toàn được áp dụng rộng rãi toàn EU, mức chênh lệch về số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông giữa các nước thành viên EU vẫn tồn tại dai dẳng. Theo số liệu của EU, tỷ lệ tử vong trên đường xá ở Bulgaria và Romania cao gấp đôi so với một số nước giàu khác của EU bao gồm Anh, Hà Lan và Thụy Điển.

“Một trong những yếu tố gây chia rẽ châu Âu là kinh tế. Những dòng xe mới có nhiều tính năng an toàn được giới thiệu ở các nước giàu trước. Ngoài ra, chất lượng hạ tầng đường xá cũng là vấn đề ảnh hưởng đến mức độ an toàn trên đường ở mỗi nước thành viên”, ông Curtis, nhận xét.

Chẳng hạn, Romania có rất ít đường cao tốc, vốn được xem là những khu vực an toàn nhất trong vận chuyển đường bộ. Curtis cho rằng thái độ tài xế và nguồn ngân sách phục vụ cho công tác thực thi các quy định an toàn giao thông cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn giao thông ở mỗi nước thành viên EU.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới